Người ký quyết định luân chuyển cho ông Thanh phải chịu trách nhiệm

Việt Thắng (thực hiện) 15/06/2016 15:55

Đặt vấn đề “Ai đã ký những văn bản về việc luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh”,  ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị nhận định: Ai đã đánh giá cán bộ để làm việc này, việc kia thì những người đó bất kể là ở dưới hay trên đều phải chịu trách nhiệm.

Người ký quyết định luân chuyển cho ông Thanh phải chịu trách nhiệm

Ông Phạm Thế Duyệt.

Cho rằng việc ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang được luân chuyển cán bộ trong 3 năm ở các chức vụ khác nhau là “có vấn đề”, trao đổi với ĐĐK, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị nói: “Không phải bình luận gì nữa mà những việc làm đó không thể gọi là đúng đắn được. Nó do Bộ Công thương cùng với ai ở tỉnh Hậu Giang, hay do chỉ đạo của Trung ương thì tôi không bình luận. Nhưng về trách nhiệm ai đã quyết những việc này? Ai đã ký những văn bản này? Ai đã đánh giá cán bộ để làm việc này, việc kia thì những người đó bất kể là ở dưới hay trên đều phải chịu trách nhiệm”.

PV:Thưa ông, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định việc cấp biển xanh cho xe ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang là vi phạm pháp luật nhưng trong báo cáo Tỉnh ủy Hậu Giang gửi Tổng Bí thư và các cơ quan Trung ương chỉ nhận hình thức nghiêm túc rút kinh nghiệm. Ông nhận định như thế nào về việc này?

Ông Phạm Thế Duyệt: Đánh giá đúng sai của một cấp ủy báo cáo Trung ương cần cân nhắc, và họ hiểu trực tiếp. Đã là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư cũng là điều bất đắc dĩ.

Đáng lẽ ra nhiều cấp phải tự thấy việc ông Thanh cả quá trình đều có “vấn đề” nhưng không được đánh giá cho đúng mức.

Trước sự việc một con người khi có công luận nêu, có ý kiến nhân dân phản ánh làm sao phải có kết luận sớm, rõ ràng để người ta đúng đến đâu mình phải nói rõ để bảo vệ cái đúng đắn của cán bộ, còn cái gì sai các cấp lãnh đạo phải cương quyết xử lý.

Tất nhiên xử lý có lý, có tình nhưng phải nghiêm thì mới được nhân dân tin tưởng.

Tôi có đọc kết luận của tỉnh, ông Thanh là cán bộ mới về, cũng thể hiện tinh thần tốt tích cực nhưng con người phải có nhìn nhận cả quá trình, nghe thông báo, nghe dư luận.

Kể cả trước đây từ lúc làm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam cho đến về Bộ Công thương đã có vấn đề.

Lúc đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo phải xem xét nhưng tôi không hiểu vì sao không được dứt khoát, không được làm rõ, không được đánh giá đúng cán bộ, lại coi đó là nguồn luân chuyển.

Tất cả những cái đó, không thể nói ai cũng yên tâm tin cậy điều đó là đúng được. Việc sử dụng “biển xanh, biển trắng” chỉ là một việc, nhưng nó bộc lộ ra tính trung thực, một việc làm thiếu nguyên tắc, không đúng với pháp luật, kỷ cương của Đảng, nhà nước quy định, nhất lại là cán bộ cấp cao chứ không chỉ là Đảng viên.

Việc gì cũng phải rành mạch ra, chưa nói đến xe là loại đắt tiền, nọ kia, rồi việc các cơ quan có trách nhiệm trong việc xem xét quyết định thay biển xe. Ngày hôm trước nhưng sang ngày hôm sau đã khác.

Rõ ràng những việc này không thể để cho người ta tin, để người ta yên tâm cho rằng những đồng chí cán bộ này là người có quy hoạch luân chuyển, dự kiến đào tạo nguồn một cách yên tâm, chưa kể vừa rồi được giới thiệu vào Quốc hội và trúng cử ĐBQH với số phiếu khá cao trên 75%.

Đáng lẽ phải sớm có đánh giá và kết luận. Những chỗ đó phải làm cho rõ để không chỉ mình ông Thanh mà ai có những khuất tất, khuyết điểm kể cả mức cảm tình nể nang vô nguyên tắc cũng là cái phải có kết luận cho rõ.

Trước những vấn đề công luận đã nêu, Tổng Bí thư cũng “sốt ruột” phải chỉ đạo, đáng nhẽ ra khi công luận nêu các cấp có trách nhiệm phải chỉ đạo kết luận chứ việc gì phải để Tổng Bí thư chỉ đạo.

Đó là điều phải làm đến nơi đến chốn, và phải có kết luận sớm, thông báo cho toàn dân biết mức đúng sai. Nếu sai phạm thuộc tính nguyên tắc, luật pháp, đạo đức đạo lý thì đều phải có xử lý tùy theo mức nặng nhẹ đến đâu? làm cho nghiêm túc đúng đắn.

Thưa ông, trong 3 năm ông Thanh được luân chuyển công tác liên tục ở 3 chức vụ khác nhau. Nhưng trước đó khi làm lãnh đạo Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam đã để cho thua lỗ 3.000 tỷ đồng. Thường việc luân chuyển cán bộ là để về sau bố trí chức vụ cao hơn. Vậy phải chăng công tác luân chuyển cán bộ đối với ông Thanh có vấn đề?

- Cái đó rõ ràng là có vấn đề. Việc lớn là như thế còn việc nhỏ biểu hiện ở việc biển xe. Không thể đánh giá cán bộ như thế là cán bộ trung thực và có điều kiện, có hướng phát triển.

Không chỉ riêng ông Thanh mà chắc cũng có nhiều người rơi vào tình trạng, cách xử lý cán bộ, sử dụng cán bộ, đánh giá quy hoạch cán bộ không đúng, rồi thậm chí lồng tình cảm riêng, quan điểm cục bộ, chưa nói có thể nặng hơn là tiêu cực trong công tác cán bộ cho nên làm những việc nay chỗ này mai chỗ kia.

Chỗ nào cũng đánh giá tốt nhưng thực sự có kiểm nghiệm gì đáng kể. Bây giờ một người gánh việc công việc ít nhất cũng phải một khóa đổ ra thì mới nói được người đó đã làm được việc gì? làm được cái gì?

Đánh giá về phẩm chất đạo đức, uy tín của cán bộ công nhân viên chức trong cơ quan đối với nhân dân mới rõ được. Chứ còn bây giờ ta cứ mỗi lần luân chuyển một vài năm cũng coi đó là cán bộ đã được kinh qua cơ sở, thực tiễn, qua nhiều chức vụ thì chắc chắn sự đánh giá đó khó có thể chuẩn xác được, chưa nói đến là chuyện tiêu cực như nhiều ĐBQH phản ánh.

Ông Trần Lưu Hải, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết ông Thanh không nằm trong danh sách cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển, điều động về công tác tại các địa phương giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Việc luân chuyển của ông Thanh là do thỏa thuận giữa Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang. Vậy phải chăng quy trình thỏa hiệp trong luân chuyển cán bộ có những bất cập, thưa ông?

- Việc luân chuyển cán bộ cấp này là cấp của Trung ương quản lý. Không thể không có ý kiến của 3 nơi là: Bộ Nội vụ; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Bí thư Trung ương. Chí ít là như vậy.

Những cấp đó không thể không có rà soát, đánh giá một cách chỉn chu, nghiêm túc rồi mới phân công đưa về để gánh việc nhiệm vụ của một tỉnh có địa bàn quan trọng ở Tây Nam Bộ.

Không phải bình luận gì nữa mà những việc làm đó không thể gọi là đúng đắn được. Nó do Bộ Công thương cùng với ai ở tỉnh Hậu Giang, hay do chỉ đạo của Trung ương thì tôi không bình luận. Nhưng về trách nhiệm ai đã quyết những việc này? Ai đã ký những văn bản này? Ai đã đánh giá cán bộ để làm việc này, việc kia thì những người đó bất kể là ở dưới hay trên đều phải chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ phải rất công bằng, đánh giá cán bộ bây giờ không rõ ràng thì dân không tin đâu.

Trong báo cáo gửi Tổng Bí thư, Tỉnh ủy Hậu Giang nhận định ông Thanh là người có tư tưởng chính trị vững vàng, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhưng đánh giá đó lại ngược so với thực tế khi chấp hành ý thức pháp luật tốt thì không có chuyển đổi biển số xe, thưa ông?

- Sự việc đã nói lên vấn đề. Không cần bình luận nhiều. Người ta có quyền nói cái đó nhưng nói đã đúng chưa? đã thực chất chưa? thì họ không thể nói được cả quá trình trước và sau. Nhưng mà chỉ cần một việc làm sai trái này thì nó cũng thể hiện đánh giá đó là chưa được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người ký quyết định luân chuyển cho ông Thanh phải chịu trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO