Nhân ngày kỷ niệm thống nhất đất nước, nghĩ về hòa hợp dân tộc

Theo VGP 29/04/2019 19:08

Nhân ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, lại nhớ đến câu chuyện từ thời còn chiến tranh: Năm 1972, trong bữa cơm với các cán bộ địa phương tuyến lửa Vĩnh Linh, đồng chí Lê Duẩn hỏi chuyện mọi người về dự kiến ngày non sông liền một dải “việc gì là lớn nhất?”. Mỗi người đều có câu trả lời, nhưng đến lượt mình đồng chí Lê Duẩn nói: Theo tôi vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc.

Thì ra trong đầu người lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc chiến tranh còn đang nóng bỏng, đã nghĩ đến khi kết thúc chiến tranh, lo đến việc mấy chục năm nay đất nước đang làm.

Nhân ngày kỷ niệm thống nhất đất nước, nghĩ về hòa hợp dân tộc

Tờ lịch ngày 30/4/1975 trưng bày tại Bảo tàng TP HCM.

Hòa hợp dân tộc đúng là việc lớn nhất, bởi dân tộc Việt Nam ta từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh mà kẻ thù luôn dùng quỷ kế hòng chia rẽ sự đoàn kết thống nhất của một quốc gia gồm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, kề vai sát cánh với nhau, có truyền thống đoàn kết lâu đời trong đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ và xây dựng đất nước. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa của những mâu thuẫn nảy sinh trong lòng những bộ phận dân tộc thời chiến tranh. Vì vậy, khi kết thúc các cuộc chiến, xưa nay vẫn xác định vấn đề lớn nhất cần phải làm là hòa hợp dân tộc, giải hòa những mâu thuẫn trong nội bộ dân tộc, những vấn đề phát sinh từ trong hoặc sau chiến tranh .

Việt Nam luôn là bên chiến thắng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, kỷ niệm ngày chiến thắng thống nhất non sông đương nhiên là ngày vui của cả dân tộc và việc lớn sau chiến tranh trong lịch sử cho thấy luôn là hòa hợp, gồm cả hòa giải, xóa bỏ hận thù trong nội bộ dân tộc và cả xoá bỏ hận thù với kẻ xâm lược.

Nhà Trần sau 3 lần liên tiếp đánh thắng đế quốc Nguyên Mông thế kỷ 13, vua Trần Nhân Tông chủ trương hòa giải với kẻ thù, tha thứ cho kẻ lầm đường lạc lối, thực hiện quốc sách giữ cho trong ấm, ngoài êm, bên ngoài không phải động binh, bên trong không cần trấn áp. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.

Việt Nam thời hiện đại không chỉ đến khi kết thúc chiến tranh mới hòa giải và hòa hợp mà ngay khi chiến tranh mới bắt đầu và kẻ thù vừa dùng lại kế thâm hiểm gây chia rẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào Nam bộ (ngày 31/5/1946) đã chỉ rõ: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc”.

Chính cách ứng xử có tính chất hòa hợp dân tộc và chính sách đoàn kết của mặt trận Việt Minh, Liên Việt, Mặt trận Giải phóng là hòa hợp dân tộc, nên ngay từ khi kháng chiến mới bắt đầu rồi trải qua trường kỳ kháng chiến cho đến ngày thắng lợi, mọi người Việt Nam không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc đã được tập hợp, cùng nhau chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập và thực hiện thống nhất đất nước. Đã có biết bao nhân sĩ, trí thức lên chiến khu, ra bưng biền. Nhiều luật sư, kiến trúc sư, giáo sư, hòa thượng… và những người yêu nước khác trong vùng tạm chiếm, giữa đô thành Sài Gòn, đã tham gia lãnh đạo Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời trong kháng chiến cứu nước. Chính cách ứng xử có tính chất hòa hợp dân tộc của người Việt Nam trong chiến tranh hiệu quả và thiết thực đã góp phần đưa đến thắng lợi của kháng chiến; cuối cùng giải phóng miền Nam mà thành phố Sài Gòn nguyên vẹn và không hề có "tắm máu", sự hợp lực của sức mạnh hòa hợp dân tộc hiển minh như thế là rõ nhất.

Sau chiến tranh, Việt Nam vẫn làm theo bài học lịch sử mà các thế hệ trước đã làm, hòa hợp hòa giải dân tộc tập hợp chung đồng bào trong một mặt trận kiến thiết đất nước, giữa 45 triệu người dân hai miền Nam-Bắc (sau năm 1975) và gần 100 triệu dân (năm 2019) trong nước, cùng với hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Đọc lại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X ( năm 2006) càng thấy rõ sự tiếp nối cách ứng xử như đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm, nay phải: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; truyền thống nhân nghĩa, khoan dung đề cao tinh thần dân tộc, để tập hợp mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”.

Theo đó, các chương trình và chính sách kinh tế-xã hội, cải cách và mở cửa đều do Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng và triển khai vào cuộc sống; kinh tế-xã hội đất nước ngày càng phát triển, tình trạng bất bình đẳng, phân hóa xã hội ngày càng giảm, đồng thuận xã hội được nâng lên, những mặc cảm, định kiến, hận thù, ai oán do lịch sử để lại dần thu hẹp.

Bằng cách nói và làm “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”, Việt Nam kiên trì và chủ động hòa giải với Hoa Kỳ, Trung Quốc và thế giới phương Tây, thực hiện "Cân bằng quan hệ", đặc biệt là cân bằng quan hệ các nước lớn. Đến năm 2019 Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước thuộc tất cả các châu lục, có quan hệ bình thường với tất cả nước lớn, các Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; trong đó Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước lớn, quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước khác. Việc “Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” trở nên thiết thực và rộng mở không chỉ với các nước từng tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam, cả với hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và trên 220 thị trường nước ngoài có quan hệ thương mại với Việt Nam.

Hiển nhiên việc thống nhất và hòa giải, hòa hợp dân tộc ở Việt Nam sau khi phải trải qua chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ không tránh khỏi những đau thương, mất mát, ly tán, bi kịch trong mỗi gia đình hay mỗi vùng miền đất nước trong và sau chiến tranh. Đó là điều không ai mong muốn, cũng không nên đổ lỗi giữa những người Việt Nam với nhau – bởi suy cho cùng chỉ có tội ác của thực dân đế quốc ngoại bang đến xâm lược mà thôi. Công cuộc thống nhất đất nước là tất yếu, đi theo đường lối quyết sách đúng và đã giành thắng lợi hoàn toàn cho toàn dân tộc . Hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước là tiền đề cơ bản cho hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc, là việc đã làm hàng chục năm trong chiến tranh và đang làm trong hàng chục năm sau chiến tranh.

Như thế, niềm vui trong ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước có cả sự hào hùng của cuộc kháng chiến vĩ đại, có cả hiện thực công cuộc hòa hợp dân tộc đã và đang làm với nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân ngày kỷ niệm thống nhất đất nước, nghĩ về hòa hợp dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO