Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đều không có giá trị

Thành Luân (thực hiện) 24/04/2020 08:00

Đó là khẳng định của Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TP Hồ Chí Minh ngay sau khi Bộ Dân chính Trung Quốc có hành động ngang ngược tự lập hai quận mới ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn kết, PGS.TS, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng, đây là hành động cho thấy tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Cùng với việc tự ý phê chuẩn lập các quận Tây Sa và Nam Sa trực thuộc thành phố Tam Sa, Trung Quốc còn tự ý công bố 80 “danh xưng tiêu chuẩn” là các thực thể đảo và địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông. Thực tế, tất cả các tuyên bố này của Trung Quốc đều không có giá trị pháp lý.

Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đều không có giá trị

Chuẩn Đô đốc Hải quân Lê Kế Lâm.

PV:Thưa ông, ngay giữa lúc đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung giải pháp để khống chế dịch toàn cầu, nhưng Trung Quốc đã lợi dụng tình hình này để hành xử sai trái trên Biển Đông?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Đúng vậy. Thói quen của Trung Quốc lâu nay đều là lợi dụng thời cơ để ra tay.

Như chúng ta đã biết trong lịch sử, năm 1956 lợi dụng lúc chế độ miền Nam Việt Nam lơi lỏng, Trung Quốc đã chiếm phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Sau đó đầu năm 1974 khi Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam thì họ lợi dụng chiếm luôn phía Tây Hoàng Sa. Đó rõ ràng là các hành vi lợi dụng thời cơ, đục nước béo cò của Trung Quốc mà lâu nay thế giới đã biết rất rõ trong thói quen và nghệ thuật chính trị của họ. Việc thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực là bất hợp pháp, hoàn toàn trái với pháp luật quốc tế.

Ngay cả đối với việc lợi dụng thời điểm này (dịch Covid-19) để có những tuyên bố ngang ngược, trái với luật quốc tế cũng cho thấy ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước các hành động của Trung Quốc thì Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối về tuyên bố lập hai quận trái phép của Trung Quốc. Sở dĩ những tuyên bố này của Trung Quốc không có giá trị pháp lý là bởi vì Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa và chúng ta cũng có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý rất vững chắc để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo này.

Trong phản bác chính thức từ Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định lập trường nhất quán của chúng ta coi các hành vi có liên quan của Trung Quốc kể trên đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và cũng không được công nhận và không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.

Ông đánh giá như thế nào về các hành động liên tiếp của Trung Quốc kể trên, trong khi Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong khung thời gian 3 năm?

- Đây rõ ràng là hành vi đi ngược lại với nỗ lực của các bên trong đàm phán COC, thể hiện sự đơn phương vô lý của họ để thực hiện dã tâm độc chiếm Biển Đông. Lúc này, là thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì Trung Quốc cho rằng là cơ hội để họ giành được lợi thế trước khi đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong khung thời gian 3 năm. Dư luận có cơ sở để nhận diện hành động này của Trung Quốc, cũng giống như những hành động trước đây của họ xâm phạm đến chủ quyền biển của Việt Nam đều là để đạt được lợi ích nào đó khi đưa ra trao đổi.

Thế nhưng họ quên rằng, mục đích lớn nhất của COC là đảm bảo “hòa bình và ổn định khu vực”, điều mà dường như Trung Quốc đang làm ngược lại hoàn toàn. Tuy nhiên, trước hành vi này thì Chính phủ Việt Nam và các nước liên quan cũng cần phải hết sức bình tĩnh, phải kiên định, nghiêm khắc lên án một cách quyết liệt.

Về khía cạnh pháp lý, rõ ràng là Trung Quốc đang không tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển 1982, thưa ông?

- Về khía cạnh pháp lý, tôi xin khẳng định một lần nữa là kể cả các bằng chứng lịch sử và căn cứ vào pháp lý quốc tế hiện nay thì việc tuyên bố thành lập các quận ở Biển Đông thực tế chỉ là hành động đơn phương từ phía Trung Quốc và hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Chính phủ Việt Nam cũng rất nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và trong công hàm gửi lên Liên hợp quốc ngày 30/3 vừa qua Nhà nước ta một lần nữa tái khẳng định lập trường này.

Căn cứ theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982, công ước lớn nhất về luật biển mà Trung Quốc cũng là thành viên, rõ ràng những thực thể ở Trường Sa, cũng như bãi Macclesfield mà Trung Quốc gọi là “quần đảo Trung Sa” thì Công ước Luật Biển đều không cho phép. Ngoài ra, Tòa án Lahay đã khẳng định “đường lưỡi bò” là yêu sách phi lý, không đúng luật quốc tế của Trung Quốc. Sau đó cả Việt Nam và Philippines cũng đã lên tiếng phản đối, cho thấy Trung Quốc không thể đơn phương muốn làm gì thì làm và cũng không thể tự ý thay trắng đổi đen được.

Thế nhưng, ý đồ sai trái của họ thì lâu nay quốc tế đều chứng kiến rất rõ. Đối với Việt Nam, Trung Quốc trong những năm qua đã xâm phạm trực tiếp đến chủ quyền của chúng ta tại Biển Đông. Do đó, Việt Nam và các quốc gia liên quan cần đoàn kết, tiếp tục kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, các biện pháp pháp lý trên cơ sở luật quốc tế, đấu tranh ngoại giao trước những hành xử chủ quyền sai trái của họ.

Thưa ông, qua các động thái này, một lần nữa Trung Quốc lại cho thấy ý đồ độc chiếm Biển Đông, vẫn duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ, dù Việt Nam và quốc tế đã phản đối, lên án nhiều lần trước đây?

- Thực ra yêu sách “đường lưỡi bò” hết sức vô lý, không dựa trên một căn cứ pháp lý nào, hầu như là phi lý, quốc tế đã lên án nhiều. Thế nhưng để tìm mọi cách để chiếm đoạt Trường Sa, Hoàng Sa thì Trung Quốc vẫn gây hấn, xâm phạm. Tức là, Trung Quốc sẽ không từ thủ đoạn nào để tìm mọi cách biến không thành có, biến vùng không tranh chấp trở thành tranh chấp.

Vừa qua, việc Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam cho thấy ý đồ thực hiện “đường lưỡi bò” phi lý này của Trung Quốc. Đây là hành động ngang ngược đáng trách và đáng phê phán. Sự vi phạm của Trung Quốc rõ ràng là hình ảnh để thế giới thấy sự hung hăng đổi trắng thay đen của Trung Quốc.

Thời gian qua, để tuyên truyền về cái gọi là “đường lưỡi bò” phi lý đó, Trung Quốc còn cổ xúy cho xuất bản các nghiên cứu khoa học, xuất bản các bản đồ, quả địa cầu, ngay cả trên các phần mềm di chuyển của phương tiện taxi, ô tô xuất hiện “đường lưỡi bò”… Bằng những cách này, Trung Quốc tuyên truyền, đưa ra lập luận thể hiện lợi ích của họ trong đó, nhưng đồng thời cũng gây mù mờ, sai lệch về kiến thức của các thế hệ sau này.

Do đó, ngoài nâng cao nhận thức cho người dân trong nước, thì Việt Nam cũng cần đầu tư cho công tác nghiên cứu, khẳng định chủ quyền, chứng cứ lịch sử và pháp lý quốc tế để củng cố tuyên bố với thế giới về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Biển Đông.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông đều không có giá trị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO