Phải giảm bội chi để đảm bảo an toàn nợ công

Mai Loan- V.Thắng 17/11/2017 07:50

Những vấn đề nợ công, nợ xấu đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong ngày chất vấn đầu tiên (16-11) với việc đăng đàn của 2 thành viên Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính (Ảnh: Quang Vinh).

Nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ lớn

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, nợ công đang là quan tâm lớn của cử tri và nhân dân; nợ công sát trần cho phép là hơn 60% và tiềm ẩn nguy cơ lớn.

Vậy kiểm soát chi tiêu nợ công thế nào? Cùng chung quan điểm, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Thời gian qua kiểm soát chi đã chặt chẽ, kéo giảm 63,6% xuống 62,6%.

Nhưng trong những năm gần đây khoản nợ gốc và lãi vay phải trả tăng rất nhanh. Năm 2010 chỉ khoảng 100 ngàn tỷ, đến năm 2017 lên đến 250 ngàn tỷ đồng.

Vậy, với tư cách là người chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công quốc gia, Bộ trưởng sẽ có giải pháp cụ thể như thế nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo được nguồn vốn đầu tư cho phát triển?

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, nợ công đang tăng cao, áp lực trả nợ lớn cho nên phải giảm bội chi để đảm bảo an toàn nợ công.

Đề cập đến giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Dũng cho hay chỉ đầu tư công cho các dự án quan trọng để từng bước giảm nợ công, giảm bội chi. Bội chi năm 2017 là 3,5%, năm 2018 là 3,7%, và đến 2020 kéo giảm là 3,4% để kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công và trần nợ công, siết chặt bảo lãnh Chính phủ.

“Từ năm 2016 Chính phủ đã không bảo lãnh thêm dự án nào nữa, nhất là các dự án của doanh nghiệp mà chủ yếu là giải ngân từ các dự án cũ. Quốc hội cũng đã có Nghị quyết kế hoạch tài chính 5 năm cho nên cần bám sát Nghị quyết của Quốc hội để điều hành vì bội chi liên quan đến nợ công. Cố gắng bố trí trả nợ đúng hạn, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đấu thầu, kiểm toán. Đặc biệt cần kiểm soát chi tiêu hiệu quả để giảm nợ công”-Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Trả lời “tiếp sức” về hiệu quả đầu tư công liên quan đến nợ công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây chưa có Luật Đầu tư công nên quyết định đầu tư còn tùy tiện, vượt khả năng cân đối của ngân sách trung ương hay địa phương.

Tuy nhiên cũng có thực tế là hiệu quả thực hiện chưa cao là do thời gian đầu tư có nhiều thủ tục từ đấu thầu làm cho vốn đầu tư vượt lên phải điều chỉnh, khi vượt lên không có nguồn bố trí nên phải dừng, giãn, hoãn.

Thời gian tới sẽ đề xuất Chính phủ ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công và sửa đổi Luật Đầu tư công với thủ tục nhanh gọn để đầu tư công.

Tuy nhiên tranh luận ngay sau đó, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng về vấn đề liên quan đến quản lý nợ công, 2 bộ trưởng chưa trả lời rõ những nguyên nhân, chưa đề cập đến phân bổ vốn và giải ngân chậm cho dự án trọng tâm trọng điểm.

Còn ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt vấn đề: Hiện nay nợ công đang tăng cao, nhiều năm Trung ương không có tạo dư để trả nợ, đặc biệt quản lý ODA hiện nay rất bất cập. Tổng mức ODA hiện nay đang ngoài tầm kiểm soát.

Buôn lậu do đạo đức cán bộ

ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định) cho rằng, buôn lậu gian lận thương mại hàng giả là vấn đề đáng quan tâm, lũng đoạn thị trường, làm mất lòng tin của người tiêu dùng, rối loạn thị trường và nguồn thu ngân sách bị giảm.

Bộ Tài chính có vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Vậy Bộ Tài chính đã và sẽ triển khai những giải pháp gì để chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt hiệu quả cao hơn?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả không làm thay việc của địa phương và các địa phương phải chịu trách nhiệm các vụ việc xảy ra trên địa bàn của mình.

Còn Ban Chỉ đạo chỉ tổ chức hướng dẫn thực hiện đôn đốc và kiểm tra. Những tồn tại là do diễn biến còn đang phức tạp, nhất là buôn lậu trên biển.

Để khắc phục tình trạng này Ban Chỉ đạo đã đề xuất thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, tăng cường điều tra nắm tình hình kế hoạch, tổ chức các chuyên đề đấu tranh trọng tâm trọng điểm đường dây buôn lậu, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) lại cho rằng, tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối khiến ngân sách một phần đội nón ra đi, một phần chảy vào túi cán bộ, gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng.

Thực tế, vụ án 213 container tại cảng Sài Gòn biến mất, có 30 cán bộ hải quan ra ngồi toà nhưng không có cán bộ bộ ngành nào khác. Hay trong vụ Trần Thị Bích Huyền buôn lậu tuần qua lại bắt 2 cán bộ hải quan cảng Sài Gòn tiếp tay cho buôn lậu.

“Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và lãnh đạo ngành hải quan đến đâu khi xảy ra vấn đề này, nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay suy thoái đạo đức một số cán bộ ngành hải quan. Giải pháp nào chấm dứt tình trạng tham nhũng trên?”-ông Chiến đặt vấn đề.

Đề cập đến vụ cán bộ tiếp tay cho buôn lậu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vụ 213 container chính là do Tổng cục Hải quan phát hiện ra và trong quá trình theo dõi phát hiện, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an để làm rõ. Cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt 3 đối tượng.

Quan điểm của Bộ là quyết tâm chống tiêu cực cả trong ngành và ngoài ngành. Hàng năm xử lý kỷ luật trên dưới 300 cán bộ thuế, hải quan.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận, trong các vụ việc này, ngoài nguyên nhân khách quan, phải nhìn trực diện đây chính là suy thoái trong đội ngũ cán bộ.

Nợ xấu đang là thách thức lớn

Buổi chiều, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng bắt đầu trả lời chất vấn các ĐBQH về vấn đề xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc các tổ chức tín dụng.

ĐB Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) cho rằng, Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu kỳ vọng đánh tan cục máu đông nhưng còn vướng mắc do tài sản đảm bảo bị kê biên liên quan đến các vụ án. Vậy chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý trong xử lý nợ xấu là vấn đề gi? Và giải pháp của ngành như thế nào?

Còn, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, nợ xấu, tài sản xấu đang là thách thức lớn, việc mua bán một số ngân hàng với giá 0 đồng đang khiến nhân dân lo lắng vì trên 80% vốn ngân hàng là do tiền gửi của nhân dân, nếu ngân hàng đổ vỡ nhân dân sẽ bất an, nhà đầu tư thiếu an tâm. Vậy giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và thu hút nhà đầu tư từ nước ngoài?

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Nghị quyết 42 là khuôn khổ pháp lý đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Tài sản còn vướng kê biên không phải là số lượng lớn nhưng có 1 số vụ cơ quan điều tra đang kê biên xử lý nên ngành đã yêu cầu VAMC làm việc với cơ quan chức năng tài sản đang kê biên trong các vụ án.

Các khoản nợ xấu hồ sơ pháp lý không đầy đủ chủ yếu liên quan đến bất động sản cho nên việc hoàn thiện giấy tờ pháp lý đang yêu cầu phối hợp với chính quyền địa phương và tòa án các cấp để xử lý trong thời gian sớm nhất.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, hiện toàn ngành đẩy mạnh cơ cấu lại xử lý tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu áp dụng với toàn hệ thống với 6 nhóm giải pháp để ngân hàng hoạt động an toàn trong đó có Luật Tổ chức tín dụng sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

“Nâng cao năng lực quản trị điều hành, tăng cường thanh tra giám sát là vấn đề then chốt để hoạt động an toàn và bền vững. Tăng cường năng lực điều hành của từng tổ chức tín dụng cũng như kiểm tra nội bộ, tăng cường thanh tra giám sát để phát hiện rủi ro trọng yếu gắn chặt với giám sát từ xa để ngăn chặn vi phạm để các tổ chức tín dụng lành mạnh trong thời gian tới”-Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay.

Đề cập đến giải pháp đột phá xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đây là nhiệm vụ trọng tâm nên nỗ lực tập trung các đề án xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Nếu quyết tâm thực hiện các giải pháp lộ trình đã có thì có thể có kết quả đảm bảo an toàn hoạt động. Để xử lý nợ xấu đầu tiên phải thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, và ngành đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nên chọn 6 ngân hàng làm điểm sau đó nhân rộng ra.

Xử lý các ngân hàng yếu kém đã quyết liệt nhưng nguồn lực ngân sách khó khăn cho nên phải huy động nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào.

Nhưng muốn mời họ vào phải có cơ sở pháp lý, do đó Chính phủ mới trình Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng là cơ sở để minh bạch công khai, đúng thẩm quyền cơ quan chức năng để xử lý các ngân hàng yếu kém.

Khả thi mới cho vay

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), ngày 24/11 Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Dự án đường cao tốc Bắc Nam. Nhưng ngân sách mới bố trí được 55 ngàn tỷ đồng, và cần huy động 63 ngàn tỷ đồng, trong đó vay của ngân hàng trên 55 ngàn tỷ đồng. Yếu tố tắc nghẽn là không cho vay khi khoản vay vượt quá 15% vốn của ngân hàng. BOT Trung Lương- Mỹ Thuận đang vướng vấn đề này, vậy quan điểm của Thống đốc như thế nào trong cho vay BOT để đại biểu yên tâm mà bấm nút.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, đây là vấn đề quan trọng nhưng rủi ro của ngân hàng cũng quan trọng không kém. Không phải ngân hàng không cho vay mà yêu cầu tăng cường thẩm định tài chính để đảm bảo tính khả thi và xem xét năng lực tài chính của chủ đầu tư có đủ năng lực thực sự hay không? Nếu dự án khả thi mới cho vay. Cho nên, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng phải quản lý chặt sử dụng vốn của chủ đầu tư. Vẫn cho vay nhưng phải an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải giảm bội chi để đảm bảo an toàn nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO