Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm

Lục Bình 29/06/2019 05:12

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã bộc lộ một số bất cập, đặc biệt là việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương.

Vẫn còn nửa vời, cào bằng

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong những năm qua, việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp. Tuy vậy, thực tế cho thấy, việc phân cấp, phân quyền còn diễn ra nửa vời, chưa rõ ràng, thậm chí “cào bằng” giữa các khu vực đô thị - các tỉnh miền núi, giữa thành phố lớn với thành phố nhỏ. Điều này gây chồng chéo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bình luận về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ rõ: Thực tế trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có phân biệt chương quy định về chính quyền địa phương thành thị và vùng nông thôn. Tuy vậy, đi vào cụ thể 7 nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh (Điều 17) và chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 37) thì cơ bản vẫn giống nhau, không có gì thay đổi. Bên cạnh đó, Luật cũng thể hiện rất nhiều quy định vừa mang tính tự quản, vừa mang tính trực thuộc, tức là vừa tự quản, vừa không tự quản. Các quy định mang tính tự quản luôn phải đi kèm theo tính trực thuộc, gây vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, sau 3 năm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho thấy, một số quy định hiện hành của hai luật này cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, đối với Luật Tổ chức Chính phủ, việc giao Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực tế đã làm giảm tính chủ động của địa phương trong việc tổ chức và thành lập các cơ quan chuyên môn phù hợp với điều kiện, đặc điểm đặc thù ở mỗi địa phương. Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số quy định của Luật về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền chưa được quy định rõ, nhất là chủ thể thực hiện ủy quyền gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Luật chưa có quy định để tạo cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn không được phân cấp, ủy quyền nhằm tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Cái cần buông thì nắm, cái cần nắm thì buông

Nói về phân cấp, phân quyền, ông Phạm Tuấn Khải - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề nghị phải trao thẩm quyền nhất định cho chính quyền địa phương mới đảm bảo hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) Dương Quang Tung chỉ rõ 2 nghịch lý trong phân cấp, phân quyền: “Cái cần buông thì nắm, cái cần nắm thì buông” và tình trạng cát cứ về thẩm quyền ở địa phương còn lớn. Một số việc phân cấp cho chính quyền tỉnh nhưng bộ, ngành vẫn nắm quyền kiểm soát, các tỉnh vẫn phải xếp hàng lên bộ ngành, Chính phủ “xin ý kiến”. Như vậy việc “phân cấp mang tính nửa vời”. Việc không thừa nhận chính quyền địa phương là một pháp nhân công quyền đã cản trở về việc phát huy rất nhiều giá trị phổ quát của tự quản chính quyền địa phương. Nếu thừa nhận chính quyền địa phương là một pháp nhân công quyền thì mọi việc đều hết sức minh bạch, bộ máy của mình, con người của mình, tài sản của mình, thậm chí là phù hiệu riêng của mình. Còn nếu không tất cả đều xin ở trên, từ trên đưa xuống rồi dưới lại báo lên trên.

Để khắc phục tình trạng phân cấp nửa vời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng: Việc phân cấp, phân quyền tới đây không thể nào thực hiện theo kiểu một văn bản áp dụng cho tất cả cho các tỉnh, thành. Ví dụ đối với những tỉnh, thành lớn khác, đô thị khác miền núi, nông thôn khác, tỉnh tự chủ về ngân sách khác tỉnh bao cấp về ngân sách. Những nơi nào địa bàn rộng, đóng góp nhiều ngân sách cho Nhà nước thì phân quyền lớn. Chúng ta chia ra như vậy để khi phân quyền giữa Trung ương và địa phương, và vấn đề phân cấp giữa Trung ương với địa phương, giữa địa phương với địa phương cho phù hợp, tránh vấn đề phù hợp ở chỗ này mà không phù hợp ở chỗ khác, không mang tính chủ động sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO