Phát huy thế mạnh của vùng kinh tế Thủ đô

Lục Bình 01/12/2015 22:17

Sáng 1/12, kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã chính thức khai mạc. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trò chuyện
với các cán bộ chủ chốt Hà Nội tại phiên khai mạc HĐND.

Tổng kết cả nhiệm kỳ vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết: 5 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, cao gấp 1,8 lần so với năm 2010.

Về chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm tới Hà Nội sẽ đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 8,5-9,0% (theo cách tính mới); GRDP bình quân đầu người: 85-87 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn mới) giảm 1,3% so với năm trước.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội giai đoạn tới, nhiều đại biểu cho rằng Hà Nội cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp (DN), có biện pháp mạnh hơn giúp DN nâng cao năng lực cạnh, đặc biệt hỗ trợ các HTX nông nghiệp để sản phẩm Việt có chỗ đứng. Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Văn Nam, giai đoạn tới Hà Nội cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đây là nhiệm vụ đặt ra cho cả nhiệm kỳ. Hà Nội phải chủ động, tận dụng thời cơ hội nhập cũng như vượt qua những thách thức trước khi hàng hóa thế giới tràn vào Việt Nam.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, dự báo năm 2016 tình hình tiếp tục có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phải có quyết tâm chính trị cao, đoàn kết, tập trung cao độ, vượt lên khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu cao nhất. Hà Nội phải đi đầu trong việc phát huy vùng kinh tế Thủ đô để tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội.

TP cũng cần tiến hành rà soát lại, đánh giá kết quả việc thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện hiệu quả Hiến pháp năm 2013, Luật Thủ đô, trong đó đặc biệt chú ý thúc đẩy nhanh liên kết kinh tế vùng Thủ đô, công tác quản lý đô thị, quản lý đầu tư, xây dựng, giao thông, môi trường và phân bố dân cư...

Đối với cải cách hành chính, TP cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn, cần chú ý nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo công việc theo tinh thần sâu sát, hiệu quả; nêu cao trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

“Hà Nội là địa bàn của vùng trọng điểm Bắc Bộ, trái tim của cả nước, vì vậy Thủ đô cần rà soát lại để phát triển hơn nữa vào những năm tới trong bối cảnh hội nhập”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.

Qua giám sát, MTTQ Hà Nội đã đề nghị thu hồi 6.586m2 đất

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch UBMTTQ TP Hà Nội Đào Văn Bình cho biết, năm qua, về công tác giám sát và phản biện xã hội, MTTQ TP đã phối hợp giám sát cùng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND và các Ban chỉ đạo của TP tập trung giám sát việc thực hiện các nghị quyết HĐND về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa; việc triển khai thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn, các chính sách an sinh xã hội, cải cách thủ tục hành chính... Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 14.052 cuộc, đề nghị thu hồi 6.586m2 đất và 10.967 triệu đồng về cho Nhà nước. MTTQ TP cũng đã tổ chức 4 cuộc phản biện xã hội; cấp quận, huyện, thị xã tổ chức được 45 cuộc; cấp xã, phường, thị trấn tổ chức được 117 cuộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy thế mạnh của vùng kinh tế Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO