Phiếu tín nhiệm để đo lường việc thực thi pháp luật

H.Vũ (thực hiện) 18/06/2018 08:30

Tạo niềm tin cho cử tri, nhân dân - trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Phan Nguyễn Như Khuê- Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, đã đến lúc cần lấy phiếu tín nhiệm như một sự đo lường để đánh giá chuẩn xác việc thực thi pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.

Phiếu tín nhiệm để đo lường việc thực thi pháp luật

Ông Phan Nguyễn Như Khuê. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa ông, thời gian qua nhiều vấn đề cử tri kiến nghị kéo dài qua nhiều kỳ họp song lại chưa được giải quyết. Phải chăng đó là do kỷ cương phép nước không nghiêm, còn buông lỏng hay có sự tiếp tay, bảo kê cho sai phạm?

Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Trong thực tế có những vấn đề, có nơi, có lúc, có những việc chưa thực hiện nghiêm túc như luật đã quy định. Đơn cử như kiểm soát tình trạng khai thác cát trái phép trên sông không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên, mà còn làm xói lở, sạt lở ven bờ.

Hay như việc Chính phủ đã có chỉ đạo đóng cửa rừng nhưng tại một số địa phương, việc khai thác rừng vẫn diễn ra... Để tình trạng trên kéo dài trước hết là do hiểu và thực hiện chưa nghiêm.

Thứ hai, không loại trừ có “những vấn đề phía sau” khiến không tổ chức thực hiện đến nơi, đến chốn. Do đó, Quốc hội cần thực hiện giám sát những vấn đề đã ra nghị quyết, Chính phủ đã chỉ đạo nhưng thực hiện không nghiêm thì phải đi vào từng cái cụ thể.

Nếu những vấn đề nóng bức xúc được giải quyết, sẽ đem lại niềm tin của nhân dân trong thực thi pháp luật. Các cơ quan công quyền, người có chức vụ phải thực thi công vụ một cách nghiêm túc.

Có như vậy mới tạo ra một sự lan tỏa trong xã hội làm cho xã hội kỷ cương, nghiêm minh. Không thể để tình trạng cát cứ riêng, không thể để những việc đã có chủ trương, có nghị quyết, có chỉ thị nhưng việc thực hiện thi hành lại không nghiêm túc. Đây chính là điều mà xã hội đang rất bức xúc, bởi vì những điều rất đúng đều xuất phát từ cuộc sống tiện ích của nhân dân, lợi ích quốc gia nhưng đã có lúc bị buông lỏng, không được thực thi nghiêm túc.

Ông nghĩ sao khi bộ máy chính quyền đã đồng bộ từ Trung ương đến tận cơ sở, nghĩa là bộ máy đã phủ hết đến tận thôn, xóm nhưng những vấn đề rất cụ thể như vậy lại không xử lý được?

-Không có gì mà không xử lý được, chỉ có điều có nhận thức và hành động hay không. Rõ ràng Chính phủ đã đưa ra mục tiêu Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động thì vấn đề này phải được lan tỏa và thẩm thấu vào bộ máy công quyền từ cấp Trung ương cho đến địa phương.

Đây là điều qua các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri luôn luôn đặt ra. Vấn đề ở chỗ càng có nghị quyết, càng có chủ trương, càng có chỉ đạo thì lại càng đi theo chiều hướng ngược lại.

Ví dụ như vấn đề BOT, chúng ta quy định cự ly 70 km mới có thêm 1 trạm thu phí nhưng trên thực tế có đúng như vậy hay không? Rồi BOT có đúng hoàn toàn là BOT hay không? Hay là tất cả đều là nguồn vốn của nhà nước, chỉ phủ một lớp “tráng men” rồi gọi là BOT để khai thác đầu tư, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tôi cho rằng có những vấn đề từng ngành, từng đơn vị, từng địa phương phải nghiêm túc nhìn nhận lại. Chúng ta không nên đổ cho khách quan vì lý do này, vì lý do khác; bởi nguyên tắc đề ra đã rất rõ. Quốc hội biểu quyết, quyết định đều xuất phát từ lợi ích quốc gia, từ cuộc sống của người dân.

Do vậy không một lý do gì mà tất cả đã ban hành nhưng thực hiện lại không nghiêm túc. Rõ ràng kỷ cương phép nước bị buông lỏng.

Tôi cho rằng, có một vài chỗ, một vài địa phương thiếu nghiêm túc trong thực thi pháp luật, thực hiện nghị quyết chưa nghiêm. Có trường hợp doanh nghiệp xây dựng ở tỉnh nào cũng xây dựng trái phép, vượt ra khỏi những quy định; nhưng tại sao chúng ta không thể hiện quyền lực được giao để yêu cầu họ phải thực thi nghiêm túc mà ta cứ chần chừ, kéo dài? Điều đó khiến cử tri thắc mắc vì sao một việc đã rõ nhưng xử lý lại khó đến như vậy? Tôi cho rằng, ban hành nhiều văn bản mà sự nhận thức không tới, không kiên quyết chính là chúng ta đang cản trở, và làm cho kỷ cương phép nước bị chệch choạc.

Ông nghĩ sao khi rất nhiều vụ việc nóng, chỉ đến khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên tiếng thì mới được các cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý nghiêm?

-Ở đây chính là có phát hiện và xử lý các vụ việc hay không. Qua tiếp xúc cử tri, tôi thấy những phát hiện đa phần đều là tiếng nói, phản ánh của cử tri, chưa thấy một cơ quan nào trực diện nêu vấn đề và nêu chính kiến về quan điểm xử lý.

Do đó từng địa phương phải thực hiện chức năng giám sát và phải có tiếng nói đúng mức, yêu cầu các cơ quan được giao nhiệm vụ phải thực thi một cách nghiêm túc để cử tri vững tin, tin tưởng vào vai trò của Quốc hội trong giám sát việc thực thi pháp luật.

Vậy ở những nơi không thực hiện xử lý không nghiêm để người dân bức xúc, hay các điểm nóng cứ tồn tại kéo dài, theo ông cần chế tài xử lý như thế nào?

-Tôi cho rằng Chính phủ phải “điểm danh”, đánh giá về hiệu quả công việc ở từng địa phương, bộ, ngành. Thậm chí là sự lay chuyển của từng bộ, ngành để từ đó nhìn nhận mục tiêu, hành động của Chính phủ có thực hiện nghiêm túc hay không? Vì vậy việc lấy phiếu tín nhiệm chính là một sự đo lường và đánh giá chuẩn xác việc thực thi pháp luật của Chính phủ xem có tốt hay không?

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phiếu tín nhiệm để đo lường việc thực thi pháp luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO