Ràng buộc trách nhiệm để sự việc không 'rơi vào im lặng'

N.Khánh Ảnh: Hoàng Long 21/03/2016 17:36

Rất nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ trong luật trách nhiệm của tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí để định hướng đúng cho dư luận. Tránh trường hợp nhiều sự việc chìm xuồng, rơi vào im lặng.

Đó là những thông tin được các đại biểu quốc hội cho ý kiến vào dự luật Báo chí sửa đổi chiều 21/3.

Ràng buộc trách nhiệm để sự việc không 'rơi vào im lặng'

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng).

Quy rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) nêu ý kiến, việc quy trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân như điều 12 sẽ không có tính khả thi và hầu như cơ quan báo chí nào cũng vi phạm vì không thể đăng phát hay trả lời tất cả các yêu cầu của công dân. Nhất là các khiếu nại tố cáo thì phải được xác minh nhưng không đủ người nên thường chuyển cho các cơ quan chức năng.

Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, quyền tiếp cận thông tin và người phát ngôn của nhà báo thường khó khăn. Cơ quan công quyền thường cung cấp thông tin rất chậm, né tránh hoặc cho người không đủ thẩm quyền cung cấp thông tin. Vì vậy, cần quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin ngay trong luật để tạo điều kiện cho báo chí thông tin kịp thời, chính xác, định hướng dư luận. Cần bổ sung quy định về nghĩa vụ này của cơ quan chức năng để tránh báo chí nêu vụ việc nhưng mọi sự lại “rơi vào im lặng”

Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng cho rằng: Cần quy định trách nhiệm đối với cơ quan né tránh cung cấp hoặc thông tin không đầy đủ, không đúng.

Ràng buộc trách nhiệm để sự việc không 'rơi vào im lặng' - 1

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh).

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung thêm các điều kiện bảo vệ nhà báo tác nghiệp đồng thời đề nghị phải bình đẳng trong việc cung cấp thông tin vì có thực trạng các cơ quan báo chí bị phân biệt trong việc cung cấp thông tin nên cần có quy định cấm phân biệt đối xử như vậy.

Bàn về sự thiếu tính khả thi trong điều 9 nếu đưa ra các điều luật cấm quá chung chung sẽ khiến luật khó đi vào thực tiễn Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết, nội dung cấm trong điều 9 quá rộng mông lung cho nên khi vào những việc cụ thể sẽ khó vào thực tiễn. Chẳng hạn vấn đề xuyên tạc lịch sử, thông tin ảnh hưởng sự phát triển bình thường của trẻ em… nếu cấm chung chung như thế là gây khó cho các cơ quan báo chí.

Ràng buộc trách nhiệm để sự việc không 'rơi vào im lặng' - 2

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM).

Trang thông tin điện tử không phải loại hình báo chí

Vấn đề có coi các trang mạng xã hội là loại hình báo chí và có được điều chỉnh trong luật này hay không cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của QH Đào Trọng Thi cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét đưa một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí như trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nên tiếp tục điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại các văn bản dưới luật hiện hành.

Ở nước ta, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện như đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Các sản phẩm này có phương thức tổ chức và quản lý hoạt động khác nhau. Cụ thể, đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp là những sản phẩm thông tin do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất bản, có đội ngũ biên tập, có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và phải được cơ quan quản lý nhà nước về thông tin cấp giấy phép.

Khác với những sản phẩm trên, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin. Mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh. Hiện nay, hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.

Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên quy định như dự thảo Luật đối với đặc san, bản tin; đồng thời bổ sung một số quy định phù hợp với đặc điểm của trang thông tin điện tử tổng hợp thể hiện tại các khoản 17 và 20 Điều 3, khoản 13 Điều 9 và Điều 36 dự thảo Luật, còn mạng xã hội để văn bản pháp luật khác điều chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ràng buộc trách nhiệm để sự việc không 'rơi vào im lặng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO