Sài Gòn ngày Quốc khánh đầu tiên

Nguyễn Văn 02/09/2018 08:00

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cùng trong hôm đó, Lễ Độc lập cũng được tổ chức tại Sài Gòn.

Sài Gòn ngày Quốc khánh đầu tiên

Phục dựng không khí sục sôi của quân và dân miền Nam tại Bảo tàng TP HCM.

Cụ Trần Văn Sáng nhà ở đường Bàu Cát 6 (phường 11, quận Tân Bình), nhớ lại ngày trọng đại đó. Lễ Độc lập ở Sài Gòn được cử hành lúc 14 giờ với rợp trời cờ đỏ sao vàng và băng rôn, biểu ngữ ủng hộ cách mạng. Ông Trần Văn Giàu khi ấy là Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ, Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Nam bộ, Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh lâm thời Nam bộbước lên lễ đài ứng khẩu bài diễn văn. Ông nói: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước Cộng hòa”. Sau đó, dừng một chút, ông hỏi: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không. Có ai bó tay để cho chế độ thực dân trở lại không?”

Lập tức, cả rừng người đồng thanh: Không! Không! Không!

Tiêng hô vang dội một góc trời.

Ông Giàu kết thúc bằng lời kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu. Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay. Tiến tới vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi. Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng”.

Cuối buổi lễ, khi đoàn người diễu hành quanh Nhà thờ Đức Bà thì từ cửa sổ của những tòa nhà gần đó lính Pháp đã bắn vào đoàn người. 47 người dân bị chết và bị thương, phía Pháp cũng có 5 người chết và 30 người bị thương.

Và thế là, chỉ chưa đầy một tháng sau ngày Độc lập, nhân dân Nam bộ bắt đầu bước vào cuộc chiến đấu mới, khởi đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp, theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hôm nay, có dịp tới Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, ai cũng có thể thấy đặt ở vị trí trung tâm là bức ảnh chụp không khí mít tinh mừng Ngày Độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn. Bức ảnh khiến người ta hình dung ra ngay từ 12h trưa hôm ấy, dưới ánh nắng phương Nam chói chang, các đoàn thể, dân quân, thanh niên, học sinh và biển người từ ngoại ô kéo về nội thành, những bước chân rầm rập của một dân tộc tự do.

Trong dòng người ấy vang lên câu hát “Này anh em ơi, tiến lên dưới cờ giải phóng! Đồng lòng cùng đi! Đi! Đi! Xá gì thân sống!”- bài hát “Thanh niên hành khúc ca” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Hình ảnh những người trẻ tuổi tay cầm tầm vông vạt nhọn, thắt lưng đeo dao găm và cuộn dây thừng vô cùng đẹp đẽ. Đoàn dân quân cách mạng với trang phục quần đùi áo ngắn. Người có giày thì đi giày, người không có thì đi chân đất.

Đây là những đơn vị vũ trang được thành lập một cách cấp tốc, từ nhiều thành phần khác nhau là công nhân, thanh niên, học sinh lần đầu tiên gia nhập quân đội. Vũ khí họ mang trên người là súng hai nòng, trường kiếm và dao găm. Một đội quân trang bị thô sơ đến vậy nhưng đầy hào hùng và đầy sức mạnh. Sức mạnh vô bờ bến khi được là công dân một đất nước độc lập, tự do.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sài Gòn ngày Quốc khánh đầu tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO