Siết việc cho, biếu, tặng quà

Hoài Vũ 05/04/2017 09:00

Ngày 4/4, các ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang), tài sản công khi không sử dụng hết công năng mang cho thuê chính là lãng phí tài sản công.

Ông Lâm đề nghị, quản lý tài sản phải gắn với trách nhiệm cá nhân, ví dụ một tài sản công bị hư hỏng do lỗi chủ quan trong quá trình sử dụng thì phải gắn với cá nhân chứ không phải là hư hỏng thì đơn vị, tổ chức phải chịu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại hội nghị.

Quản chặt

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, vừa qua dư luận xã hội đã phản ánh về việc một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng ôtô không đúng tiêu chuẩn, quá định mức được quy định.

Việc đó dẫn đến một số cơ quan, địa phương phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho, biếu, tặng. Do đó, đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng ngay trong Luật.

Ông Hải cũng cho biết, quan điểm của Thường trực Ủy ban Tài chính- ngân sách là pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà.

Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự thảo luật quy định việc giao tài sản công cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản, thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, đồng thời giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, trong đó có tài sản do các tổ chức, cá nhân cho, tặng các cơ quan, đơn vị của Nhà nước.

Theo ông Hải, việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng thời gian qua có một số trường hợp đã bị lợi dụng gây dư luận không tốt, việc thực hiện các quy định của pháp luật chưa nghiêm.

Do đó cần bổ sung các quy định về điều kiện được tiếp nhận, xử lý đối với các loại tài sản cho, biếu, tặng tại văn bản dưới luật vào dự thảo luật theo hướng: nghiêm cấm tiếp nhận đối với tài sản là ôtô và phương tiện làm việc cho cá nhân dưới hình thức cho,biếu, tặng.

“Chỉ cho phép tiếp nhận các loại tài sản trên để phục vụ cho hoạt động từ thiện, nhân đạo và các loại tài sản chuyên dùng như: xe chuyên dùng phục vụ cấp cứu, văn hóa xã hội, thể thao, nghiên cứu khoa học, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai”- theo ông Hải.

ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, pháp luật không cấm việc cho, biếu, tặng quà. Vừa qua nhiều doanh nghiệp hay người ở nước ngoài có tặng quà cho các cơ quan Nhà nước cho nên việc xác lập quyền sở hữu toàn dân là phù hợp.

Các cơ quan đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, còn lại là phải từ chối. Còn ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng đề nghị, quy định chặt chẽ tài sản cho biếu tặng, làm rõ mục đích việc cho biếu tặng.

Nên xem các tổ chức cá nhân doanh nghiệp tại sao không biếu gì khác như bệnh viện, trường học, cầu đường, nhà tình nghĩa mà chỉ tặng xe hơi. Nên nghiên cứu khuyến khích doanh nghiệp hướng vào mục đích xã hội.

Cho rằng phải quy định chặt chẽ việc nhận quà biếu, đặc biệt phải rõ nguyên tắc là quà biếu đó phải được sử dụng vào mục đích công, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, việc nhận quà của doanh nghiệp đúng là có nhiều vấn đề đáng bàn, bởi trên cùng một địa bàn mà doanh nghiệp này tặng quà, doanh nghiệp khác không tặng quà, có thể dẫn đến bất bình đẳng trong đối xử.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng, thời gian qua có việc cho tặng, biếu tài sản nhưng việc biếu tặng đang bị lợi dụng.

Không nên cho thuê tài sản nhà nước

Liên quan đến việc cho thuê tài sản nhà nước, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, tài sản công khi không sử dụng hết công năng mang cho thuê bản chất của việc này chính là sử dụng lãng phí tài sản công vì không dùng đến nên mới đi cho thuê.

Cơ sở vật chất ban đầu được cơ quan, đơn vị đầu tư quá nhu cầu sử dụng, sau đó lại đem cho thuê. Thực ra việc đầu tư quá nhu cầu sử dụng cũng là một hình thức lãng phí.

Bởi chắc chắn việc cơ quan, đơn vị công lập đem tài sản đó đi kinh doanh thì không thể hiệu quả bằng các tổ chức chuyên nghiệp đem đi kinh doanh.

Do đó nếu đầu tư quá nhu cầu sử dụng thì phần quá nhu cầu đó phải được cơ quan quản lý công sản của nhà nước thu hồi lại, sau đó mới tiến hành tổ chức đấu thầu, cho thuê lại theo cách thức chuyên nghiệp và nguyên tắc thị trường.

Việc cho thuê chắc chắn không bằng tài sản này được nằm trong tay các cơ sở kinh doanh chuyên nghiệp. Tài sản đặt vào tay người bán chuyên nghiệp tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường trong khi để chủ thể khác sử dụng thì hiệu quả hơn.

Do đó cần có cơ quan quản lý thu hồi về hoặc đấu giá, điều chỉnh cho đơn vị có nhu cầu sử dụng, đem lại lợi ích xã hội lớn hơn.

Ông Lâm cũng đề nghị, quản lý tài sản phải gắn với trách nhiệm cá nhân, ví dụ một tài sản công bị hư hỏng do lỗi chủ quan trong quá trình sử dụng thì phải gắn với cá nhân chứ không phải là hư hỏng thì đơn vị, tổ chức phải chịu.

Trong khi đó, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị công khai tài sản không đúng hạn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật vậy tài sản nào bị công khai?

Phải quy định tài sản thế nào mới công khai chứ không phải cái gì cũng công khai ví dụ như mua thanh lý tài sản cũ thì thế nào? Phải phân loại ra mới công khai.

Sử dụng tài sản công trách nhiệm của mình trong đó thì nội dung báo cáo thế nào? Gồm mục gì? Quyền nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan nhà nước tăng cường thanh tra kiểm tra việc đó?

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng cho rằng, cần công khai tài sản công đề nghị quy định cụ thể địa điểm công khai, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức đơn vị quản lý sử dụng tài sản công và các kỳ họp tại cơ quan như vậy đảm bảo theo quy định trước đây.

Còn ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) thì đề nghị cần quy định giám sát của người dân, các tổ chức xã hội đối với việc sử dụng tài sản công của các cơ quan nhà nước để tăng cường tính minh bạch trong sử dụng tài sản công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết việc cho, biếu, tặng quà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO