Số lượng đại biểu Quốc hội dưới 40 tuổi tăng mạnh

V.Thắng 09/06/2016 21:27

Trong số các ứng cử viên trẻ (dưới 40 tuổi) có tới 71 người trúng cử ĐBQH khóa XIV, cao hơn 21 người so với dự kiến và tăng 1,9% so với khoá XIII (chỉ có 62 người).

Số lượng đại biểu Quốc hội dưới 40 tuổi tăng mạnh

Cử tri bỏ phiếu bầu cử ĐBQH, ngày 22/5.

Chiều ngày 9/6, tại buổi họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XIV do Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban công tác đại biểu cho biết “Đại biểu tự ứng cử có 2 người trúng cử (tỷ lệ 0,4%), giảm 0,4% so với khóa XIII (khóa XIII là 4 người); đại biểu là người ngoài Đảng có 21 người trúng (tỷ lệ 4,2%) thấp hơn so với dự kiến và thấp hơn so với khóa XIII (khóa XIII có 42 người, tỷ lệ 8,4%)”.

Nhìn vào danh sách 496 người trúng cử ĐBQH khóa XIV có thể thấy tương tự cũng giống như đại biểu và người ngoài Đảng và tự ứng cử đại biểu là người dân tộc thiểu số và phụ nữ trúng ĐBQH cũng thấp theo từng khóa.

Tại khóa XIV này đại biểu là người dân tộc thiểu số có 86 người trúng (tỷ lệ 17,30%), thiếu 4 người so với dự kiến; còn đại biểu là phụ nữ có 133 người trúng (tỷ lệ 26,80%) thấp hơn 17 người so với dự kiến.

Trong khi đó, ứng cử viên dưới 40 tuổi có tới 71 người trẻ tuổi trúng cử ĐBQH, cao hơn 21 người so với dự kiến và tăng 1,9% so với khoá XIII (chỉ có 62 người).

Tại buổi họp báo liên quan đến vấn đề giảm ĐBQH là người ngoài Đảng, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho rằng, lúc ứng cử có 97 người, nhưng bầu xong chỉ được 21 người. Đây là do cử tri đánh giá lựa chọn.

“Đó là quyền của cử tri lựa chọn quyền đại diện cho mình. Như việc Sóc Trăng bầu thiếu 1 ĐBQH vậy có ảnh hưởng gì đến tính đại diện hay không? không ảnh hưởng gì vì ĐBQH không chỉ đại diện cho nơi mình bầu mà là cả nước, vì ĐBQH có thể tiếp xúc cử tri ở nhiều nơi khác chứ không phải một nơi. Cho nên bầu thiếu một người không ảnh hưởng gì” - ông Phúc cho hay.

Trong khi đó, bình luận về việc lần này có 317 người trúng ĐBQH lần đầu (chiếm tỷ lệ 63,90%) ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, số ĐBQH tái cử là 160 người, chiếm tỷ lệ 32,30%. Thực ra các khóa trước cũng từ 33-35% cho nên kỳ này có 160 ĐBQH trúng cử, số tái cử chiếm 1/3 là nòng cốt đảm bảo cho hoạt động của Quốc hội, chất lượng của Quốc hội ngày càng được nâng lên.

“Những ĐB mới là người có đủ tiêu chuẩn đã trải qua hoạt động tại các cơ quan dân cử ở các địa phương. Cho nên không làm ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội mà Quốc hội luôn có sự tươi mới, tươi trẻ hơn trong hoạt động của Quốc hội” - ông Hiển nhìn nhận.

Tại lần bầu cử ĐBQH khóa XIV này, từ 870 ứng cử viên đã bầu ra 496 người, bầu thiếu 4 ĐBQH ở 4 tỉnh Sóc Trăng; Sơn La; Lâm Đồng; Đồng Nai, mỗi tỉnh bầu thiếu 1 đại biểu so với số được phân bổ.

Đây cũng không phải lần đầu tiên chúng ta bầu thiếu ĐBQH khi ở các khóa: IX thiếu 5 người; khóa XI thiếu 2 người; khóa XII thiếu 7 người. Các kỳ thiếu đó chúng ta không bầu thêm nhưng vẫn đảm bảo tính đại diện, hoạt động của Quốc hội vẫn ngày càng hiệu quả và thiết thực.

Tương tự như ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng thấp dần.

Song theo lời mà ông Nguyễn Hạnh Phúc “đại biểu HĐND tỉnh chỉ thiếu 8 người chiếm tỷ lệ 0,2%; đại biểu HĐND huyện thiếu 120 người chiếm tỷ lệ 0,04%; đại biểu HĐND xã thiếu 6.626 đại biểu chiếm tỷ lệ 2%”. Và ông Phúc cho rằng “số thiếu nhỏ hơn so với số ĐB”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số lượng đại biểu Quốc hội dưới 40 tuổi tăng mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO