Sửa đổi luật theo hướng cụ thể

Hoài Vũ 08/06/2017 09:03

Chiều 7/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi). Điểm chung của 2 Dự án Luật được nhiều ĐBQH nhắc đến chính là thiếu những chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù, cụ thể.

Ðoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hải Dương, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế và Điện Biên thảo luận ở tổ Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Luật cần mang tính toàn diện

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, bảo vệ và phát triển rừng cần có tiếp cận toàn diện hơn đặt trong bối cảnh ngành lâm nghiệp của ta hiện nay. Cho nên cần sửa tên Luật thành Luật Lâm nghiệp để bao quát hơn đối tượng phạm vi phát triển và bảo vệ rừng.

“Qua tiếp xúc cử tri nhiều người nói Luật về ngành lâm nghiệp để có tính toàn diện mà bảo vệ phát triển rừng nằm trong lâm nghiệp từ kinh doanh chế biến lâm sản làm rõ chính sách nguồn lực đất đai và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này”- ông Sơn cho hay.

Theo ông Sơn, cần phân loại rừng bảo vệ, rừng cấm (trong đó có rừng đặc dụng và phòng hộ), rừng sản xuất mang lại giá trị kinh tế để có chính sách hỗ trợ khác nhau. Ví dụ vùng biên giới là khó khăn nhất thì rừng biên giới nên có đầu tư hỗ trợ kiểu khác.

Băn khoăn chính sách nhà nước về lâm nghiệp, ĐB Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cho rằng, Dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng quy định như vậy vẫn còn chung chung. Do đó cần quy định cụ thể chu kỳ trồng rừng, đồng thời có cơ chế chính sách về tín dụng phù hợp.

“Người dân trồng rừng, một lứa cây rừng đối với cây keo thì 7 năm mới được thu 1 lứa, nhưng chu kỳ vay vốn của chúng ta chỉ mấy tháng, 1 năm, 2 năm, không có đến 5 năm. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu rõ hơn theo chu kỳ trồng rừng để cho dân vay vốn hợp lý.

Ngoài rừng sản xuất có phân loại rừng: Rừng quốc gia, rừng phòng hộ. Nếu có những khu rừng có gỗ quý cả trăm năm thì chính sách nhà nước như thế nào? Tôi thấy, rõ ràng ta cần có cơ chế chính sách dài hơn, có cơ chế chính sách cho tín dụng phù hợp”- bà Hoa bày tỏ quan điểm.

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) phân tích: Luật có 11 chương thì “1 nửa là luật lâm sản”, còn “1 nửa là bảo vệ phát triển rừng”. Tên Luật là “bảo vệ và phát triển rừng” nhưng lại quy định nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp là không ăn nhập gì với bảo vệ rừng.

Như thế là có vấn đề. Bây giờ không khéo khi thông qua lại xảy ra xung đột với Luật kinh doanh thương mại, trong đó đề cập đến kinh doanh lâm sản. “Cho nên phải chỉnh lý theo mạch là bảo vệ phát triển rừng hay lâm nghiệp. Theo tôi nên đổi tên thành Luật Lâm nghiệp để bao quát nội dung cũng như đối tượng điều chỉnh”- ông Bộ bày tỏ.

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thảo luận về Dự án Luật Thủy sản, nhiều ĐBQH cho rằng cần những giải pháp nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng ngư dân; giảm thiểu hoạt động khai thác nguồn lợi mang tính hủy diệt và tránh được xung đột trong và ngoài cộng đồng và phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng ngư dân.

ĐB Nguyễn Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, luật phải nêu thật cụ thể. Ví dụ như không được khai thác bằng cước nhỏ để đánh bắt thủy sản sản con. Bởi nếu như vậy làm gì có thủy sản tái tạo.

Nếu chúng ta không quy định bắt buộc trong thời gian đánh bắt thì nguồn lợi thủy sản nước ngọt- đặc biệt nguồn lợi tại đồng bằng sông Cửu Long đến 20-30 năm nữa không còn. Cần có quy định trong năm thời gian nào phù hợp cấm đánh bắt hoàn toàn- theo ông Hòa.

Là người từng thẩm định Dự án Luật này 3 lần trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến, ĐB Nguyễn Sĩ Lâm- Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đề nghị, cần đầu tư đủ mạnh cho lực lượng kiểm ngư ở các tỉnh có biển và vùng trọng điểm đầu nguồn thủy sản.

Bởi có như vậy mới hạn chế khai thác đầu nguồn và bảo vệ hạ lưu sông. Lực lượng kiểm ngư hoàn toàn không tăng thêm biên chế bởi được lấy từ lực lượng thanh tra chuyên ngành chuyển sang kiểm ngư.

Ông Lâm nói: “Có lực lượng kiểm ngư đủ mạnh như vậy mới đảm bảo được nguồn lợi thủy sản vì còn có chức năng quản lý phòng chống đánh bắt trái phép. Cho nên cần tăng cường để tăng tính răn đe, ở các nước họ làm rất tốt cái này để bảo vệ thủy sản ngoài ra còn góp phần bảo vệ biển đảo và ngư dân”.

Theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Gang), khai thác kinh doanh thủy sản đang có nhiều bất cập, các quy định của các luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó Nhà nước cần khuyến khích các hoạt động đầu tư công nghệ để tăng giá trị, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Qua giám sát của các Ủy ban của Quốc hội về nguồn lợi thủy sản cho thấy, đây là khâu yếu nên không nâng cao được giá trị. Do đó cần xem các nội dung ưu tiên đưa vào hỗ trợ để tác động đến khai thác chế biến thủy hải sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa đổi luật theo hướng cụ thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO