Tăng cường mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Đ.Tuân 11/09/2016 08:00

Sáng 10-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN lần thứ 13 tại Nam Ninh, Trung Quốc từ ngày 10 đên 15/9. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Sinh viên Trung Quốc đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay.
(Ảnh: Quang Hiếu).

137 DN Việt Nam tham gia hội chợ

Chiều 10-9, ngay sau khi đến TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự khai trương Khu gian hàng thương mại của doanh nghiệp Việt Nam và tham quan một số gian hàng của các quốc gia. Tại Hội chợ triển lãm ASEAN- Trung Quốc (CAEXPO 2016), Khu gian hàng thương mại của các DN Việt Nam có quy mô lớn nhất từ trước đến nay sau nước chủ nhà Trung Quốc, với 137 DN Việt Nam đã được lựa chọn đăng ký tham gia. Khu gian hàng thương mại Việt Nam tại Hội chợ năm nay trưng bày hàng hóa trên 5.000m2 tại nhà triển lãm số 6 và số 7, tăng khoảng 30% so với năm 2015.

Dự lễ khai trương Khu gian hàng thương mại của DN Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của Bộ Công thương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước trưng bày sản phẩm, xúc tiến các hoạt động kết nối, hợp tác thương mại. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn và hy vọng, tại hội chợ lần này, các DN Việt Nam sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường tại các quốc gia ASEAN và Trung Quốc; qua đó góp phần tích cực vào việc đóng góp cho sản xuất trong nước, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa.

Tại CAEXPO năm nay, các DN Việt Nam đem tới những mặt hàng xuất xứ Việt Nam có sức cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu tại Trung Quốc và ASEAN, thuộc các nhóm hàng gồm nông lâm thủy sản và thực phẩm chế biến, điện-điện tử và điện gia dụng, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm và thiết bị y tế, vật liệu xây dựng, đầu tư, du lịch và dịch vụ thương mại... Khối DN Việt Nam sẽ có thêm các cuộc gặp gỡ, thảo luận trực tiếp với lãnh đạo và đối tác nước ngoài, qua đó nắm bắt thông tin thị trường cập nhật nhất và nâng cao khả năng hiện diện thương hiệu của mình trên trường quốc tế.

Theo Ban Tổ chức Hội chợ và thông tin phản hồi của các DN Việt Nam, năm ngoái, khu gian hàng Việt Nam đã đón khoảng 50.000 lượt khách là các doanh nghiệp Trung Quốc và quốc tế, công chúng tới tham quan và giao dịch. Tổng giá trị các giao dịch thương mại, thỏa thuận, hợp đồng thương mại và các dự án đầu tư doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết tại Hội chợ đạt trên 100 triệu USD.

Cơ chế hợp tác đa dạng

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, về tổng thể, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Hai nước đã xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, triển khai hàng chục cơ chế hợp tác đa dạng ở mọi cấp, mọi ngành.

Thời gian qua, hai bên duy trì xu thế phát triển quan hệ tích cực. Các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì tiếp xúc, gặp gỡ thường xuyên và linh hoạt, tạo động lực quan trọng cũng như có tác dụng định hướng sự phát triển của quan hệ, thúc đẩy hợp tác thiết thực, tạo điều kiện để hai bên từng bước giải quyết ổn thỏa các vấn đề còn bất đồng.
Về thương mại, Trung Quốc luôn là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam trở thành bạn hàng lớn hàng đầu của Trung Quốc ở Ðông Nam Á, với kim ngạch song phương năm 2015 đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2014. Hai bên khẳng định áp dụng các biện pháp hữu hiệu thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững trong quá trình thực hiện mục tiêu nâng mức kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2017. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng nhanh chóng cả về số lượng, quy mô và địa bàn đầu tư...

Hiện Trung Quốc có 1.500 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 10,86 tỷ USD, đứng thứ chín trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Trong giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên cũng đã tiến hành đàm phán về 3 vấn đề: Biên giới trên đất liền; phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề trên biển (Biển Đông). Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã nhiều lần trao đổi và đạt được nhận thức chung quan trọng về việc giải quyết thỏa đáng bất đồng và tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp luật pháp quốc tế. Năm 2011, hai bên đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, góp phần định hướng cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Theo đó, hai bên cần kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và theo tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO