Tăng nội lực cho nền kinh tế

Hương Nguyên (thực hiện) 28/09/2015 09:35

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020, Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ: Giai đoạn tới sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước. Đây là hướng đi đúng đắn - PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bình luận.

Ông Trần Hoàng Ngân.

PV: Vì sao ông lại đánh giá hướng đi KT-XH Việt Nam trong tương lai là phải giảm độ mở của nền kinh tế, tập trung hướng nội là hướng đi đúng đắn?

Ông Trần Hoàng Ngân: Tại Dự thảo Báo cáo Chính trị mục đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 – 2020 đã nhấn mạnh đến giai đoạn tới phát triển mạnh thị trường trong nước, chứ không chỉ tập trung hướng ngoại như như giai đoạn trước. Theo đó, phát triển mạnh thị trường trong nước, mở rộng và đa dạng hoá thị trường ngoài nước, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp, phấn đấu cân bằng thương mại bền vững. Tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam…

Như vậy, thay vì trước đây chúng ta hướng về xuất khẩu, dành quan tâm đến ngoại lực nhiều hơn thì bây giờ chúng ta có một sự dung hòa giữa ưu tiên cho thị trường xuất khẩu với thị trường nội địa, chú trọng thị trường nội địa nhiều hơn, thận trọng hơn trong việc tập trung quá nhiều cho thị trường xuất khẩu. Đó cũng chính là sự chuyển dịch tích cực cho phát triển thị trường nội địa, giảm độ mở cho nền kinh tế. Bởi vì, đất nước nào có độ mở càng lớn thì càng thường xuyên phải đối diện với những bất lợi, khó dự báo trong điều hành nền kinh tế vĩ mô.

Hiện nay kim ngạch xuất khẩu của nước ta khoảng 298 tỷ USD/năm trong khi đó GDP 186 tỷ USD là chưa cân đối. Vì vậy, cần tập trung vào thúc đẩy kinh tế trong nước với thị trường tiềm năng hơn 90 triệu dân; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng....

Nhưng điều này có vẻ như hơi mâu thuẫn với việc trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, thì việc “cởi mở” cho nền kinh tế là rất cần thiết?

- Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập kinh tế sâu rộng là cần thiết. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế càng lớn thì tổn thương càng nhiều nếu không chuẩn bị tốt. Kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đã lên đến con số 160%, đứng thứ hai trong hơn 40 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Singapore (khoảng 260%). Do đó, nếu kinh tế thế giới có biến động thì lập tức nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng cả thuận lợi và bất lợi, trong đó bất lợi nhiều hơn vì chúng ta chưa sẵn sàng tốt cho việc hội nhập sâu rộng.

Cần phải có những định hướng, chính sách đúng để hạn chế những tổn thương đó, cũng là để có được sự tự chủ của nền kinh tế.

Vậy theo ông cần tập trung cho các chính sách nào để hạn chế những tổn thương đó và có được sự tự chủ của nền kinh tế?

- Trước hết, chúng ta phải nâng cao năng lực sản xuất trong nước, dành sự quan tâm xứng đáng hơn cho thị trường 90 triệu dân trong nước, hỗ trợ loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng doanh nghiệp tư nhân. Điều đó sẽ giúp kinh tế chúng ta đỡ chao đảo bởi những tác động bất lợi từ nền kinh tế thế giới.

Thực tế hiện nay, hàng hóa nội địa lép vế ngay tại sân nhà. Những thứ đáp ứng cho cuộc sống thiết yếu nhất từ ăn mặc, tiêu dùng cho 90 triệu dân... chúng ta cũng chưa tạo ra sản phẩm cạnh tranh được. Đó là điều khiến nền kinh tế chúng ta dễ chao đảo. Nếu không vực dậy các thành phần kinh tế sản xuất trong nước, tạo lập được vị thế vững chắc hàng hóa Việt đối với người tiêu dùng Việt, thì càng hội nhập sâu, kinh tế càng mở, kết quả thu lại vẫn là mất nhiều hơn được.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng nội lực cho nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO