Tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - Một nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc

Bài và ảnh: Quốc Định 15/03/2016 16:36

Ngày 15/3, lễ truy điệu Giáo sư Lý Chánh Trung đã được thực hiện trang trọng và xúc động tại nhà riêng Giáo sư ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM. Tham dự lễ có đại diện UBTƯ MTTQ Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh, Đại diện Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, cùng nhiều bạn bè, người thân, học trò của Giáo sư Lý Chánh Trung và đông đảo người dân đã có mặt từ rất sớm để tiễn đưa Giáo sư về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - Một nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc

Ông Nguyễn Hoàng Năng – Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam,
Chủ tịch UBMTTQ TP HCM, Trưởng Ban Lễ tang đọc điếu văn.

Trong bài điếu văn truy điệu Giáo sư Lý Chánh Trung, ông Nguyễn Hoàng Năng – Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, Trưởng Ban Lễ tang xúc động: “Hôm nay, chúng ta có mặt nơi đây để tưởng nhớ và tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - một Nhân sĩ, một trí thức tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc, vì độc lập, tự do, hòa bình cho đất nước trong những năm tháng chưa được hòa bình thống nhất đất nước. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình, xin gia đình nén đau thương và hãy tự hào đã có một người ông, người cha, người thầy là Nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc”.

Giáo sư Lý Chánh Trung, sinh 23/12/1928 tại tỉnh Trà Vinh trong một gia đình giàu lòng yêu nước. Ông đã tham gia các phong trào trí thức yêu nước ở miền Nam, Giáo sư thuộc thế hệ trí thức được đào tạo tại nước ngoài, trước năm 1954, khi đang học cử nhân tại Bỉ và chuẩn bị làm luận văn Tiến sĩ tại Pháp, ông đã cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tham gia viết báo ủng hộ cách mạng Việt Nam chống chiến tranh.

Cuối năm 1954 đến 1955, Giáo sư trở về Sài Gòn, với cương vị là Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục của chính quyền Sài Gòn; nhưng với tinh thần yêu nước, chuộng hòa bình, ông hoạt động trong nhóm trí thức Công giáo do các học giả Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà ở Pháp cùng với Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, tham gia các hoạt động chống chính quyền Ngô Đình Diệm và chủ trương thi hành đúng đắn Hiệp định Genève.

Tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - Một nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc - 1

Tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - Một nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc - 2

Đại diện các cơ quan và đông đảo người dân đến tiễn đưa Giáo sư Lý Chánh Trung.

Từ năm 1955 đến 1957, ông tham gia giảng dạy Pháp văn cho Trường Long Đức do bà Bùi Thị Mè thành lập. Từ năm 1957 đến 1966, ông tham gia hoạt động trong giới trí thức và sinh viên Công giáo Sài Gòn viết bài trên báo Sống Đạo và dự các buổi hội học trí thức Công giáo.

Từ năm 1966 đến 1975, ông viết báo công khai chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; tham gia hầu hết các phong trào đấu tranh hợp pháp và bất hợp pháp, từ năm 1970 hầu hết các bài báo hằng tuần đều được đọc trên Đài phát thanh Giải phóng và Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội.

Từ năm 1976 đến 1991, ông là Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội khóa VIII.

Từ năm 1976 đến 2014, ông là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, và là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM. Từ 1976 đến 2009, ông là Phó Chủ tịch Hội Trí thức yêu nước và Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM.

Do tuổi cao, sức yếu, sau khoảng một tháng nằm viện điều trị, đã được gia đình, tập thể y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất tận tâm chăm sóc chu đáo nhưng Giáo sư đã vĩnh biệt chúng ta lức 5h49, ngày 13/3/2016, hưởng thọ 89 tuổi.

Là một trí thức Công giáo, với lòng yêu nước nồng nàn, dù trong hoàn cảnh của đất nước trong các giai đoạn khó khăn nhất, Giáo sư Lý Chánh Trung đã dùng hết khả năng của bản thân mình để tham gia đấu tranh cho thống nhất đất nước. Với những cống hiến trong cả quá trình hoạt động cùa mình, Giáo sư đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Đại đoàn kết toàn dân tộc và nhiều Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen.

Tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - Một nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc - 3

Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đến tiễn đưa Giáo sư Lý Chánh Trung.

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM nhấn mạnh: Giáo sư Lý Chánh Trung là một tấm gương trí thức yêu nước, đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh, cho sự thống nhất, hòa bình, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, chúng ta nhớ mãi hình ảnh một vị trí thức “Một nhân sĩ luôn dấn thân” giàu lòng yêu nước.

"Giáo sư Lý Chánh Trung mất đi là sự mất mát lớn không gì bù đắp được đối với gia đình, bạn bè; chúng ta mất đi một nhân tố tiêu biểu của Khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vĩnh việt Giáo sư, chúng ta luôn ghi nhớ và học tập tấm gương của một trí thức yêu nước để phấn đấu theo mục tiêu của Giáo sư là làm cho dân tộc luôn được tự do, ấm no, hạnh phúc".

Tại Lễ truy điệu, bên cạnh linh cữu Giáo sư Lý Chánh Trung, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm bồi hồi nhớ lại: “Tất cả chúng em luôn xem Thầy là người Thầy kính mến, là chỗ dựa tin cậy cho chúng em chống chiến tranh, đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ. Cái thời đất nước còn trong gọng kềm Đế quốc, chúng em những sinh viên tay không tấc sắt chống chế độ thời ấy như “đập đầu vô đá” không biết sống chết ra sao. Thầy lúc đó, cũng tay không tấc sắt, không sợ bạo lực, đã dang rộng bàn tay ấm áp nâng đỡ chúng em trên từng bước đường tranh đấu. Cái “dũng” của kẻ “sĩ” mà thấy truyền lại cho chúng em đã giúp cho chúng em can đảm hơn. Giữa muôn trùng vây ráp của Cảnh sát chìm nổi, Thầy tuy chỉ là một người thầy dạy học, không chút quyền lực, nhưng tiếng nói của Thầy, ngòi bút của Thầy mang lại sức mạnh góp bão cho làn sóng đấu tranh của hàng vạn thanh niên, học sinh”.

Tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - Một nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc - 4

Ông Lý Tiến Dũng (con trai Giáo sư) nói lời cảm ơn.

Ông Lý Tiến Dũng (con trai Giáo sư) nghẹn ngào: “Cả cuộc đời Ba gánh vác trách nhiệm trước gia đình, trước đất nước, không bao giờ thấy Ba than thở, mệt mỏi, kể cả thời kỳ khó khăn ngặt nghèo nhất của đất nước. Vào thời điểm loạn lạc của đất nước, Ba đã đem cả trái tim và ngòi bút của mình, cùng với những người bạn, học trò tranh đấu cho hòa bình. Khi đất nước được giải phóng, thống nhất, Ba tiếp tục đem trí tuệ của mình, góp phần xây dựng một đất nước đổi mới, dân chủ, thịnh vượng hơn”. Ông Lý Tiến Dũng cũng cảm ơn các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, bạn bè thân hữu đã đến viếng, chia buồn cùng gia đình.

Một số hình ảnh tại lễ truy điệu Giáo sư Lý Chánh Trung:

Tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - Một nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc - 5

Tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - Một nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc - 6

Tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - Một nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc - 7

Tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - Một nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc - 8

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiễn biệt Giáo sư Lý Chánh Trung - Một nhân sĩ dấn thân tiêu biểu của đất nước, của dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO