'Toàn quốc kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập tự do và bài học lịch sử'

V. Thắng 25/11/2016 23:05

Ngày 25/11, Ban Tuyên giáo Trung ương-Bộ Quốc phòng-Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Toàn quốc kháng chiến-ý chí bảo vệ độc lập tự do và bài học lịch sử (19/12/1946 - 19/12/2016).

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng: “Toàn quốc kháng chiến là cuộc tổng giao chiến đầu tiên mở đầu cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam, diễn ra đồng loạt trên các đô thị Bắc Vĩ tuyến 16, với sự hưởng ứng, phối hợp của quân dân khắp mọi miền Tổ quốc, đã thu được những thắng lợi quan trọng, tạo tiền đề chuyển đất nước vào giai đoạn tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Sự kiện đó, thể hiện tài nghệ lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện sự tiếp nối truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, mở đầu thiên anh hùng ca bất diệt của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới thời đại Hồ Chí Minh”.

Theo Trung tướng Nghĩa, để phát động Toàn quốc kháng chiến là cả một quá trình chuẩn bị thế và lực của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Toàn dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết một lòng, đồng tâm khắc phục mọi khó khăn, thử thách, tập trung xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, diệt trừ “giặc dốt”, thanh toán “nạn đói”, xây dựng một xã hội mới; tiến hành đấu tranh chống “thù trong, giặc ngoài”, kháng chiến ở miền Nam, đối phó quân Tưởng ở miền Bắc, tìm cơ hội để tránh cuộc chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng, đưa dân tộc vượt qua tình thế hiểm nghèo “nghìn cân treo sợi tóc” đủ sức bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc.

Theo PGS. TS Vũ Như Khôi, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đáp lời kêu gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả dân tộc ta nhất tề đứng lên chiến đấu giữ nước với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trải qua 9 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Tiếp nối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

“Lời thề thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc cùng với ý chí và hành động đánh giặc cứu nước của dân tộc ta đã để lại bài học quý giá, đồng thời cũng là điều cảnh báo cho các thế lực xâm lược. Khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm lăng thì cả dân tộc ta sẽ đứng lên chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc” - ông Khôi đưa ra bài học kinh nghiệm.

Là người tham gia Cách mạng tháng Tám, cán bộ tiền khởi nghĩa lúc đang còn là thanh niên, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã kể lại những ký ức của thời khắc lịch sử của cuộc Toàn quốc kháng chiến. Theo Trung tướng Cư, ngày 19-12-1945 Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói về hiệu lệnh khởi đầu cho cuộc Toàn quốc kháng chiến diễn ra vào năm 1946 đó là “đèn tắt thì đại bác nổ súng”.

Tại làng Tây Mỗ, Đại tướng đã chờ đợi giờ phút này. Đúng 20 giờ 30 tắt điện thì đại bác từ phố Pháo Đài Láng gầm lên. Cảm xúc sâu sắc nhất là Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ vào năm 1946 như lời hịch, rất xúc động và lúc đó toàn bộ cán bộ chiến sĩ vừa đi vừa hát trong đó có câu “toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến”.

Nói như lời Trung tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “70 năm đã trôi qua, song sự kiện mở đầu toàn quốc kháng chiến vẫn mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, lòng quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của nhân dân, của dân tộc và Quân đội ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Toàn quốc kháng chiến - ý chí bảo vệ độc lập tự do và bài học lịch sử'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO