Trách nhiệm khi tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng

H.Vũ 27/10/2017 07:45

Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng cơ cấu lại xử lý một tổ chức tín dụng yếu kém rất phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thậm chí không có tiền lệ.

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại Hội trường (Ảnh: Quang Vinh).

Bảo đảm an toàn cho người gửi tiền

ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) chịu ảnh hưởng lớn vào tâm lý khách hàng, có sự lan truyền và hiệu ứng dây truyền lớn.

Vì vậy cần đặt kiểm soát đặc biệt khi ngân hàng gặp khó khăn, kèm theo đó có các hình thức cơ cấu lại TCTD theo hướng phục hồi và chuyển giao, tránh phá sản.

“Nếu phá sản các TCTD là bắt buộc, thì luật nên có quy định cụ thể hơn về các phương án phá sản các TCTD nhằm đảm bảo an toàn cho người gửi tiền và an toàn hệ thống”- theo bà Thơ.

Theo ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), trước mắt cần tập trung hoàn thiện ngay về xử lý các TCTD yếu kém để kịp thời xử lý các tồn tại, bất cập, trong thời gian qua, tránh ảnh hưởng đến an toàn của toàn hệ thống các TCTD và nền kinh tế.

Vẫn theo ông Tùng, kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước không thực hiện phá sản các ngân hàng để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền cá nhân bảo đảm ổn định hệ thống.

“Đối với ngân hàng có quy mô khách hàng lớn, nếu bị phá sản, nguy cơ ảnh hưởng đến toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội cao và ảnh hưởng đến cộng đồng rất lớn thì chúng ta sẽ làm gì đối với những ngân hàng này? Ở các nước, Nhà nước sẽ phải thực hiện vai trò người mua cuối cùng, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém này để xử lý. Do đó cần quy định, xử lý trường hợp không thực hiện được việc chuyển giao bắt buộc nhưng cũng không thực hiện được việc phá sản của TCTD yếu kém do những tác động bất lợi của nó mang lại thì Nhà nước cần phải có những dự liệu về mặt chính sách để có thể xử lý từng trường hợp cụ thể một cách phù hợp”- ông Tùng nói.

Nói như lời ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) thì bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền mới là số 1, vì số tiền của người gửi chiếm đến 85% vốn của các TCTD.

Tuy nhiên luật lại chưa quy định trường hợp của người gửi tiền khi ngân hàng phá sản. Cần quy định đầy đủ để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, và chi trả theo tỷ lệ, tránh bất bình đẳng.

Ai xung phong “nhảy vào lửa”?

Liên quan đến việc miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên nhiều ĐB đề nghị giữ lại quy định miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Theo ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai), cán bộ đang ăn nên làm ra, ăn ngon ngủ yên thì không ai dám dũng cảm xung phong “nhảy” vào giải cứu các TCTD được kiểm soát đặc biệt, tức là khó khăn đặc biệt, cũng là rủi ro đặc biệt. Nhiều cán bộ có năng lực, trách nhiệm được giao làm nhiệm vụ này được ví như “đang đi tháo ngòi nổ quả bom”. Việc cơ cấu lại xử lý một TCTD yếu kém rất phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong khi đó quá trình cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt đòi hỏi có các quyết định, giải pháp xử lý hiệu quả, thậm chí không có tiền lệ.

Cùng chung quan điểm đề nghị giữ lại quy định này để bảo vệ pháp lý cho những người đang nhận và xử lý những công việc khó khăn, phức tạp, ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đưa ra phân tích: Luật đã quy định khá chặt chẽ về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém.

Người tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém chỉ được miễn trách nhiệm nếu đã thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình. Do vậy nên có quy định về việc miễn trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại các TCTD và quy định ngay tại luật này như thông lệ quốc tế.

“Nghiệp vụ ngân hàng là nhiệm vụ khó khăn phức tạp do đặc thù ngân hàng là nguồn cung ứng vốn chủ yếu cho hoạt động của nền kinh tế, việc kiểm soát hoạt động của ngân hàng cũng vì thế mà phức tạp, gặp nhiều rủi ro hơn các ngành khác. Nếu không có cơ chế thu hút nguồn nhân lực tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nhân lực tốt, chất lượng triển việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém”- ông Tùng nói. Quan điểm này được ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đồng tình.

Ngược lại, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị không nên miễn mà cần quy trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Bởi pháp luật là “không có tiền lệ riêng”.

Giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Trong bản Dự thảo Luật, Quốc hội đã bỏ quy định này, không cho phép miễn.

Nhưng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước mong đưa quy định này vào luật. Bởi miễn trừ với điều kiện rất chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền phê duyệt cho nên không lo tạo kẽ hở.

“Vừa qua đa số cán bộ tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém đều là cán bộ của ngân hàng. Tuy nhiên do hành lang pháp lý chưa đầy đủ nên nhiều người cũng lo sợ, không dám làm. Điều đó ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ cơ cấu lại TCTD. Cho nên Chính phủ rất mong Quốc hội xem xét bổ sung quy định này vào trong Luật”- Thống đốc Lê Minh Hưng kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm khi tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO