Việt Nam, Trung Đông-châu Phi: Còn nhiều dư địa để hợp tác

Mai Loan 20/10/2015 13:23

Sáng 20-10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo “Triển vọng Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi” với sự tham dự của khoảng 150 đại biểu đến từ các nước Trung Đông- châu Phi; trong đó có nhiều DN của Algerie, Uganda, Ai Cập, Cata cùng rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn của các quốc gia Trung Đông và Việt Nam, cùng sự tham dự của Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwawa. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dự và phát biểu tại phiên khai mạ

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại phiên khai mạc

Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, hội thảo này là sự kiện quan trọng, thể hiện tinh thần tích cực, chủ động của Việt Nam trong hội nhập quốc tế nói chung, hợp tác đối với các nước Trung Đông - Châu Phi nói riêng.

Tuy cách xa nhau về mặt địa lý nhưng Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi có mối quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống tốt đẹp, gắn bó chặt chẽ, tích cực ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Phó Thủ tướng nêu rõ: Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước Trung Đông - châu Phi. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp này chính là nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, vì sự thị vượng chung của các nước.

Các đại biểu dự hội thảo

Thực tế, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, 52/55 quốc gia Châu Phi và đang tích cực thúc đẩy để sớm ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với ba nước châu Phi còn lại (Malawi, Liberia và Nam Sudan). Việt Nam hiện có 17 cơ quan đại diện ngoại giao tại khu vực và 19 nước khu vực đã mở cơ quan đại diện tại Hà Nội.

Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi đã tăng gấp 8 lần, từ 2 tỷ USD năm 2005 lên 15,7 tỷ USD năm 2014. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại hai bên đạt 8,7 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp từ khu vực đã tham gia vào các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực dầu khí, cảng biển, công nghiệp và các lĩnh vực quan trọng khác của Việt Nam như Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Cảng container Hiệp Phước tại Tp Hồ Chí Minh, Nhà máy thép tiền chế Zamil Steel... Đồng thời, nhiều nhà đầu tư Việt Nam thành công đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư tại khu vực như: dự án liên doanh thăm dò khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam tại Algeria; các dự án viễn thông của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel tại Mozambique, Cameroon và mới đây nhất là Tanzania. Hợp tác xuất khẩu lao động với các nước Trung Đông, hợp tác chuyên gia y tế, nông nghiệp, giáo dục… với các nước châu Phi cũng là những mảng sáng trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi. Với lợi thế của một quốc gia nằm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển hết sức năng động, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện đang nỗ lực đóng góp cho mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào cuối năm 2015, cùng với một nền chính trị ổn định và kinh tế duy trì mức độ tăng trưởng tương đối cao và dân số 90 triệu người, Việt Nam không chỉ là một thị trường tiềm năng đối với các quốc gia trong khu vực Trung Đông - châu Phi mà còn sẵn sàng đóng vai trò là cửa ngõ để hàng hóa, dịch vụ của các quốc gia Trung Đông – châu Phi tiếp cận thị trường khu vực, đặc biệt là các quốc gia ASEAN.

Cũng trong bài phát biểu của mình, sau khi nêu bật những thành công trong hợp tác Việt Nam, Trung Đông-châu Phi, Phó Thủ tướng cho rằng: Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng nhìn chung còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng tiềm năng và nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa các nước chúng ta. Nhất là, việc Việt Nam hoàn tất ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong thời gian gần đây, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu và việc hoàn tất đàm phán đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp của các nước khu vực có thêm cơ hội lớn trong tiếp cận thị trường của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các nước khu vực Trung Đông – châu Phi nói riêng trong việc đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam mong muốn các nước Trung Đông - Châu Phi tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác, đầu tư tại khu vực, địa bàn có vị trí địa chiến lược quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích rộng trên 36 triệu km2, dân số gần 1,5 tỷ người, một thị trường đầy tiềm năng trong hợp tác, đầu tư và cùng nhau phát triển.”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Sau phiên khai mạc các đại biểu cùng tham gia ba phiên thảo luận về tổng quan, về châu Phi Nam Sahara và về Trung Đông-Bắc Phi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam, Trung Đông-châu Phi: Còn nhiều dư địa để hợp tác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO