Xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh

Thành Luân (lược ghi tại Hội nghị) 11/05/2017 14:30

“Chúng tôi đã quyết định chủ trương xây dựng TP HCM trở thành một đô thị thông minh, trên cơ sở học hỏi các ưu điểm của các thành phố phát triển trên thế giới, trong đó việc giám sát tác động các chỉ số môi trường và giám sát của mọi người dân được triển khai mọi nơi…”, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trước hơn 500 đại biểu lãnh đạo nghị viện các nước tại Trung tâm Hội nghị GEM. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ngay khi nhận chức, tân Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về “Ứng phó biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP HCM được khai mạc vào sáng 11/5.

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, ông Saber Chowdhury, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới và lãnh đạo nghị viện các nước.

Trước các đại biểu trong nước và các lãnh đạo nghị viện quốc tế, ông Nhân đã trình bày bài phát biểu bằng hai thứ tiếng Việt - Anh.

TP HCM muốn phát triển đô thị thông minh

Tân Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói, ông từng trao đổi với một đại biểu Quốc hội Brunei về mục tiêu của TP HCM trong xây dựng đô thị thông minh, các ưu tiên của thành phố trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Và, đây cũng chính là câu chuyện chung của nhiều thành phố lớn trong khu vực, trong đó có TP HCM.

TP HCM có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, mang đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt và vùng Nam bộ. Thành phố cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế của cả nước và là cửa ngõ giao thương về kinh tế, giao lưu văn hóa lớn của khu vực Đông Nam Á.

Với diện tích tự nhiên 2.095 km2 và dân số hơn 10 triệu người, thành phố là đô thị đặc biệt, có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, thành phố luôn là một địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trường GDP, bình quân 5 năm 2011 - 2015 là 9,6%/năm, gấp 1,66 lần so với mức trung bình của cả nước.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay thành phố đóng góp trung bình hàng năm khoảng 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% tổng thu ngân sách, hơn ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu và thu hút 44% tổng số các sự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Năng suất lao động của thành phố luôn bằng 3 lần năng suất lao động bình quân của cả nước. Cứ trên 1 km2 ở TP HCM thì có 4.773 người dân sinh sống, gấp 17 lần bình quân của cả nước. Cũng trên 1 km2 của thành phố thì sản phẩm nội địa được tạo ra gấp 36 lần, số thuế thu được gấp 45 lần bình quân của cả nước.

“Tuy nhiên chúng tôi phải thừa nhận một điều là chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mật độ giao thông trên 1 km2 ở thành phố gấp 17 lần cả nước, là những thách thức rất lớn cho việc bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân và làm cho thành phố nhạy cảm ơn với tác động của biến đổi khí hậu”, tân Bí thư Thành ủy TP HCM nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ khó khăn về mặt địa lý của TP HCM khi nằm trong vùng có địa hình thấp và được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) liệt vào danh sách một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Ông nói, phát triển đô thị thông minh trên cơ sở kiểm soát về ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là xu hướng, mục tiêu tất yếu mà TP HCM hướng đến.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi bên lề bằng tiếng Đức và tiếng Anh với đại biểu lãnh đạo nghị viện quốc tế. (Ảnh: Hồng Phúc).

Học hỏi kinh nghiệm các nước

Trước lãnh đạo nghị viện của nhiều nước, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ quyết tâm của TP HCM, đô thị đông dân nhất tại Việt Nam và trong khu vực, đã và đang có nhiều giải pháp, chính sách tương ứng để ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào các lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý nước, nông nghiệp.

TP HCM cũng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nghiên cứu xây dựng các thể chế, tạo hành lang pháp lý, tiến tới từng bước thực hiện thỏa thuận Paris 2015.

Thành phố hiện có hợp tác với thành phố Osaka, Nhật Bản trong chương trình phát triển thành phố phát thải khí các bon thấp; hợp tác với thành phố Rotterdam, Hà Lan trong “Chương trình TP HCM phát triển về hướng biển thích ứng với biến đổi khí hậu”.

“Chúng tôi đã quyết định chủ trương xây dựng TP HCM trở thành một đô thị thông minh, trên cơ sở học hỏi các ưu điểm của các thành phố phát triển trên thế giới, trong đó việc giám sát tác động các chỉ số môi trường và giám sát của mọi người dân được triển khai mọi nơi, góp phần bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mọi người dân”, ông Nhân nhấn mạnh tiêu chí cốt lõi trong bảo vệ môi trường của thành phố.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nói, Hội nghị IPU là cơ hội cho TP HCM tăng cường hợp tác với các nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáng ứng được nhu cầu xã hội, đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường, nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững cho các thế hệ con cháu mai sau.

“Chúng tôi mong Liên minh Nghị viện thế giới, qua Hội nghị lần này, sẽ ghi nhận được các đóng góp hữu ích và ý nghĩa cho sự phát triển bền vững chung của nhân loại. Cá nhân tôi cũng mong các lãnh đạo nghị viện các nước sẽ có những ngày lưu lại đáng nhớ tại TP HCM xinh đẹp, năng động và hiếu khách của chúng tôi”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói bằng tiếng Anh, trong tiếng vỗ tay tán dương của Hội nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO