Chờ động lực cải cách mới

Thúy Hằng 14/12/2018 08:38

Năm 2018 dần khép lại, năm 2019 sắp mở ra. Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế hiện nay có nhiều niềm tin mới, lạc quan mới, cũng như các động lực cải cách mới.

Chờ động lực cải cách mới

Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua cũng có nhiều ấn tượng.

Nền kinh tế Việt Nam đang trong độ mở rất cao, nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2020 cũng đã được đưa ra. Trong khi đó, nhìn nhận lại tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua cũng có nhiều ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ qua. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp thì đó thực sự là những kỳ tích.

Tuy nhiên nếu đằng thẳng nói, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào vốn. Năng suất lao động được cải thiện song vẫn ở mức thấp, công nghiệp chế biến, chế tạo phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài; tác dụng của cải thiện môi trường kinh doanh chưa thực sự rõ nét, nợ công giảm nhưng nợ nước ngoài và nghĩa vụ trả nợ đang có xu hướng tiệm cận với giới hạn an toàn... Sức đề kháng của nền kinh tế nói chung chưa thật vững. Kèm với đó là tăng trưởng tín dụng còn nhiều lo ngại về chất lượng, sức ép tăng mặt bằng lãi suất ngày càng lớn.

Mới đây, tại buổi tọa đàm khoa học “Kinh tế Việt Nam 2016-2018 và dự báo tăng trưởng 2019-2020” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tổ chức TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo của Trung tâm này cho biết, các tổ chức quốc tế có dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2019-2020, trung bình 6,5-6,6%, nhưng nếu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế,khai thác những tín hiệu tích cực đã có trong thời gian qua đặc biệt là khu vực nông nghiệp và thực hiện các Hiệp định Thương mại thì có thể hướng tới tăng trưởng cao hơn.

Nghị quyết về tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2019 đã được thông qua với mục tiêu tổng quát. Trong đó Nghị quyết nêu rõ, cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội đổng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; củng cố quốc phòng, an ninh....

Về các chỉ tiêu chủ yếu, theo Nghị quyết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá chỉ số tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24-24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Giới chuyên gia phân tích rằng, thời cơ cũng như cơ hội cho nền kinh tế trong năm 2019 hiện hữu nhất là khi cơ quan nhà nước quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở và không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh.

Hơn bao giờ hết, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã được ký kết cũng mở ra nhiều triển vọng tươi sáng cho Việt Nam.

Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cho rằng, căng thẳng Mỹ-Trung, kéo theo là sự giảm tốc nguồn cầu của Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng của Đông Nam Á, nhất là đối với Singapore, Malaysia là những nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu, có kim ngạch xuất khẩu cao sang Trung Quốc.

Trong quý 3/2018, tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm nhẹ ở phần lớn các nền kinh tế Đông Nam Á, khi bình quân tăng trưởng GDP giảm còn 4,8% so với cùng kỳ và so với 5,2% của quý 2/2018.

Tuy nhiên, Việt Nam là một ngoại lệ khi tăng trưởng GDP tăng lên 6,9% cả năm, so với 6,7% của quý 2 do thu hút đầu tư FDI tiếp tục là nguồn hỗ trợ cho tăng trưởng của các lĩnh vực chế tạo, chế biến và xuất khẩu.

Dự báo về kinh tế giai đoạn 2019-2020, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã đưa ra hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2019. Theo kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 6,84% và kịch bản thứ 2 sẽ là 7,02%. Năm 2020 tình hình khả quan hơn với dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ ở hai mức 7 và 7,2%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chờ động lực cải cách mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO