Chờ tín dụng phục hồi

T.Hằng 02/10/2020 07:45

Động thái giảm hàng loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước được xem là bước đệm để kéo giảm lãi suất cho vay. Từ đó, kỳ vọng vực cầu tín dụng cuối năm.

Trần lãi suất huy động ngắn hạn về 4% năm

Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm của Ngân hàng Nhà nước, trần lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 4%. Thế nhưng khảo sát trong thực tế, lãi suất huy động đã giảm từ trước đó, ở “nhóm Big 4” (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) và các ngân hàng cổ phần lớn với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, mức lãi suất trên dưới 3%/năm.

Với kỳ hạn dài từ 6 tháng đến 36 tháng, đa số ngân hàng khác áp dụng mức trên dưới 6%/năm. Còn mức lãi suất cao đột biến chỉ áp dụng ở kỳ hạn từ 13 tháng với mức tiền gửi từ 100 - 500 tỷ đồng.

Trong khi đó theo số liệu mới nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), đến ngày 16/9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 4,81%. Đặc biệt, dòng vốn được nắn vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, tín dụng nhiều lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng trưởng khá như xuất khẩu, nông nghiệp… Còn thống kê của Tổng cục Thống kê, đến ngày 22/9, tăng trưởng tín dụng đạt 5,12% do hoạt động của hệ thống tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.

Như vậy so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng tăng chậm. Tuy nhiên, nhận định của giới chuyên gia đưa ra rằng tín dụng có thể khởi sắc trở lại trong quý IV/2020. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, khả năng những tháng cuối năm, tín dụng sẽ tăng trên 1%/tháng, theo đó tín dụng cả năm sẽ tăng khoảng 9%.

Đa số ngân hàng thương mại cho biết đang kỳ vọng nhiều vào tín dụng xuất khẩu, bán buôn - bán lẻ, dệt may, xây dựng vào cuối năm.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), cho biết ngân hàng MB cũng như tất cả các ngân hàng khác phải phân tích kỹ lưỡng về tình hình kinh tế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 với các nhóm ngành để đưa ra chính sách tín dụng phù hợp. Ví dụ, các ngành du lịch, dịch vụ, vận tải hiện đang chịu ảnh hưởng rõ nét bởi dịch bệnh.

Mức lãi suất 5-7% là hợp lý

Giới chuyên gia cho rằng ngân hàng cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía NHNN, ví dụ đẩy mạnh cho vay tái cấp vốn, qua đó giảm chi phí đầu vào cho hệ thống ngân hàng, qua đó tăng tiềm lực để xử lý nợ xấu và cho vay nhiều hơn.

Ông Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, dẫn chứng thống kê của NHNN, quy mô tín dụng chịu ảnh hưởng của Covid-19 là hơn 2 triệu tỉ đồng – chiếm ¼ tổng quy mô tín dụng của toàn nền kinh tế. Chính sách hạ lãi suất của Việt Nam dù không giúp tăng trưởng tín dụng nhưng giúp giảm áp lực trả nợ rất nhiều. Nếu chúng ta kiểm soát tốt lạm phát trong thời gian tới thì dư địa hạ lãi suất sẽ còn rất nhiều.

Trong khi đó chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV ông Cấn Văn Lựccho rằng, không cần so sánh lãi suất tại Việt Nam và thế giới. Lãi suất tại Việt Nam phải ở mức trung bình cao so với quốc tế và khu vực do thuế giá trị gia tăng (VAT) của Việt Nam cao, rủi ro doanh nghiệp cao xếp hạng tín nhiệm BB - hạng đầu cơ, thì lãi suất 5-7% là hợp lý. Ngoài ra, chi phí giao dịch tại nền kinh tế của Việt Nam chính thức và không chính thức cao.

Phản ánh từ doanh nghiệp cho thấy, lãi suất mà doanh nghiệp tiếp cận được đang cao mặc dù ngân hàng đã giảm song không đáng kể.

Nhân viên kế toán một doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội cho biết, giao dịch với các ngân hàng trong thời gian vừa qua, lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm. Thế nhưng, lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn khá cao. Khảo sát lãi suất cho vay tại một số ngân hàng cũng nhận thấy, lãi suất với các khoản vay trung, dài hạn từ 8,5% - 11%/năm trở lên và phải có tài sản thế chấp mới được áp dụng mức lãi suất này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chờ tín dụng phục hồi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO