Chợ tỉnh

Nguyễn Minh Hoa 04/05/2021 19:00

Chợ tỉnh cháy, người ta khóc mếu vì mất nghiệp. Mẹ tôi buồn, giống như thời xóa bỏ bao cấp, bà đã chênh vênh. Nhà không ruộng, con cái còn dở ăn học, biết trông vào đâu?

Chợ Nôm (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: An Thành Đạt.

Miều là người làng dưới nhưng có họ hàng với một anh ở rể ngõ tôi, nên Miều thường qua lại mà thành quen với người trong xóm. Miều bắt mắt là bởi trong khi đám gái làng vẫn mặc quần lụa đen, áo phin hoa may cổ sen nằm thì Miều đã mặc quần bò Levi’s và áo phông Thái. Các chị, các bà nhìn vào thường nguýt rõ dài. Trong khi người làng còn đi chân đất cả đi họp, nhiều đứa trẻ con còn đi đất đi học thì Miều đã đi tông Lào màu mỡ gà. Đã thế Miều còn không đi xe đạp nữ hay Phượng Hoàng xích hộp như người làng mà đi con xe cuốc, ghi đông quặp nằm bò xuống mà đạp. Khi Miều đến chỉ có cái túi buộc vào gióng xe, lúc Miều qua lại là một balo nặng trên lưng. Trẻ con thấy Miều thường nhìn hút bóng và chạy theo về cuối ngõ. Miều đưa cho anh chồng, hay chị vợ kia túi hàng, cất vào trong buồng, rồi ngồi giãi thơi, giãi thẻ chỗ bậc cửa ngôi nhà tranh, vách đất ấy uống ừng ực vài cốc nước đun sôi để nguội nhà người họ hàng. Có lần tôi thấy Miều vục tay vào cái balo bạc ấy bốc lên một nắm hạt nâu nâu, có mùi thơm hăng hắc, Miều nói vẻ nghiêm trọng “hàng đẹp quá”! Vài ba lần như thế, tôi láng máng hiểu rằng Miều mang từ mạn ngược về quế, hồi, sa nhân…

Nhà tôi thoát ly, nên đi học về thường phải học bài cả chiều lẫn tối, chứ không được rong ruổi chơi như đám trẻ con nông dân. Bố tôi thường nhắc dọa:

- Nhà chúng nó có ruộng, sau này cày cấy mà ăn, nhà này cầy đường nhựa, không học thì sau lấy gì mà ăn.

Học để lấy cái mà ăn, ít ra là được làm ở bách hóa, lương thực huyện như bố mẹ tôi, rõ là ăn ngon, mặc đẹp, no đủ sạch sẽ hơn hẳn chúng bạn. Có lẽ do bố tôi làm ở lương thực được nhận phát xay, mẹ tôi lại làm ở bách hóa nên nó cũng đặc biệt hơn những ngành thoát ly khác lúc đó. Tôi đi học bằng cái cặp đeo sau lưng màu đỏ, viết ngòi bút 2 lòng Trung Quốc chuẩn và vở ô ly giấy Bãi Bằng trắng tinh. Cùng với quần áo, dép nhựa có quai bao giờ cũng sạch sẽ, tươm tất. Mùa đông có áo len đỏ, áo mút xanh, có cả áo của Liên Xô ấm sực luôn khiến đám bạn ao ước... Tất cả điều đó nhiều lúc cũng khiến tôi ngài ngại, tôi hay bị chú ý và trêu trọc. Cặp để trong lớp ra chơi 30 phút sau vào đã thấy bị lục tung, hộp bút nhựa có hình gấu Misa cộm lên, mở ra thì tất cả bút bị đập nát. Tôi òa khóc vì sợ, vì tiếc.
Bẵng đi, có lần tôi thấy Miều đến nhà hàng xóm không thậm thụt như trước mà dỡ hàng ngay bậc cửa. Chị chủ nhà đã đi gọi cánh làm ren sang xem hàng. Thì ra Miều buôn đồ lót Thái về. Những chiếc áo màu trắng, màu vàng nhạt có đăng ten, mút mỏng, dây chun co giãn đẹp quá. Chị nào cầm trên tay cũng phải xuýt xoa. Nhưng cũng chỉ vài ba người lấy thôi chứ không phải ai cũng sẵn tiền mà mua. Có chị không mua tần ngần, hẹn Miều “đến vụ” sẽ dành tiền mua.

Tôi vào cấp 3 trường huyện, vẫn diện quần tuýt-xi may dưới hợp tác xã may của huyện, nhưng chị tôi đi chợ tỉnh lại mua cho tôi một cái áo lon hồng, chị vốn khéo tay, về may lấy, áo đuôi tôm tay bồng, cầu ngực chun. Tôi diện áo ấy thật khác đám bạn vẫn mặc áo cổ đức, hay cổ nam không chân, vài ba đứa chơi hơn thì có áo thụng cổ đức, tôm lỡ 7 phân và có li dúm đằng sau.

Tôi vào học cấp 3 đúng năm mẹ tôi về hưu, bà xoay sang buôn bán ở chợ làng bên, vì trước đó bà đã từng bán ở hợp tác xã mua bán trên đó, bà nghĩ khách cũ còn nhớ bà. Quả đúng như vậy, sáng đi chợ, chiều bà đi lấy hàng ngoài thị xã hay Hà Nội về. Hàng nặng bà gửi lại nhà người trên ấy, hàng nhẹ bà mang về, hàng mới được bổ sung mỗi ngày. Anh tôi đã đi Tây, chị tôi đã đi làm ở thương nghiệp huyện. Thương nghiệp huyện là công ty cấp 3, nguồn hàng lấy từ gốc về theo xe tải về đến huyện, rồi phân ra các cửa hàng như xưa, mà lại khác xưa, buồn tênh tênh và chẳng địch nổi với các “đại lý rượu bia, bánh kẹo thuốc lá” của tư nhân. Lúc ấy tôi mới để ý thấy cửa hàng lương thực huyện ngay phố tôi, đối diện bách hóa, có kho gạo, hộp giật đã khóa cửa, rào tường từ bao giờ. Nhà tôi đã ăn gạo chợ từ bao giờ.

Khó khăn khi nhà tôi còn 2 chị em ăn học, thi thoảng mẹ tôi lại mang một vài tấm vải đi bán. Vẫn có khách mua, vì người ta thích hàng xưa bền, 5-10 năm không rách, lại chẳng phai màu. Tiền bán một tấm vải có khi đong được cả tạ thóc. Nhưng sau này, cũng khó có người mua, mẹ tôi đặt chồng cuối chõng hàng mãi cũng không có người hỏi đến.

Tôi theo chị tôi đi chợ tỉnh, quần Thái, quần hàng nhập, không quý hiếm như thời Miều đem về làng nữa. Vải vóc cũng nhiều vô kể, trải từ nóc chợ xuống sạp. Các chị đánh son đỏ, xăm lông mày ngồi xếp bằng trên đó mời khách và mắng khách các câu liền nhau, người yếu bóng vía sợ không dám mua chứ không đùa. Tôi không dám xin chị tôi nhiều vì chị đã mua cho tôi cái lược nhựa màu đỏ, đôi dép 2 quai Sài Gòn. Chị biết tôi nhìn dán mắt vào chỗ vải nõn, chị liền mua cho tôi một bộ nõn chấm. Tôi mừng run và nghĩ sẽ may quần ống sớ. Chị còn mua cho tôi một áo phông đỏ của Thái khi chị chọn cho mình cái áo quần bò côn của Thái.

Lối ra cổng, bên cạnh dãy mây tre đan những thúng, mủng, nong nia, dần sàng nhiều ngập lối. Đồ nhôm các cỡ cũng xếp cao ngất ngưởng. Nhôm trắng, dán tem chắc là hàng nhà máy. Phích vỏ nhựa, vỏ sắt các màu in vẽ hoa hay hình chim muông rõ đẹp. Chị tôi dừng lại chọn mua chục thìa inoc, chị bảo thay chỗ thìa nhôm cóc gậm nhà mình đi. Thìa inox cũng nhiều loại để ăn cơm, ăn bún, để khoắng đường pha nước. Chị chọn loại cán dài, dầy dặn cầm không đau tay. Những cái thìa sáng bóng, thật đẹp. Cốc nước chanh sẽ thơm ngọt hơn, tiếng thìa inox leng keng trong cái cốc Liên Xô anh tôi gửi về cũng sẽ hay hơn. Chẳng biết chị tôi nghĩ gì, nhưng tôi nghĩ thế.

Chị tôi còn mua một ống cắm đũa inoc để về thay cái ống đũa nhựa tái sinh cũ bố tôi buộc ở cạnh chạn bát.

Chị em tôi lên xe trở về trong niềm vui xênh xang của tuổi hoa niên, chợ tỉnh với tôi thật lấp lánh và hấp dẫn. Tôi nghĩ, bao giờ vào đại học tôi sẽ ra chợ này mua son gió và phấn Con én. Tết sẽ đánh son đến nhà các bạn.

Người làng tôi đi chợ tỉnh thường xuyên hơn, người đi mua hàng về dùng, người lại đi cất hàng buôn. Chợ làng buộc phải cạnh tranh, để lấy lòng đám khách ngại đi xa, ngại cánh bán hàng hay quát chửi ngoài chợ tỉnh và giá cả hàng họ lại không biết đường nào mà lần.

Tôi vào đại học, vải sít siu đã ngập chợ làng, còn với chợ tỉnh thì những cây, những chùm vải Nhật, vải Tàu khiến người ta hoa mắt. Tôi được may 2 bộ quần áo mới để nhập học. Áo siu trắng, quần xám ghi, quần bò, áo phông Thái đều mua ở chợ tỉnh cả. Tôi mua một thỏi son gió có cái vỏ đỏ loang loang như dự định, mua một đôi xăng đan da thật cũng ở chợ này. Tôi diện bộ vào và thấy mình thật khác.

Tết năm ấy, đi chơi tết, chúng tôi vẫn đi xe đạp như mọi năm. Đám con gái đều đã đánh son môi, sơ vin, đi giầy cao gót, ra dáng hơn hẳn năm ngoái. Chúng tôi ngồi nhằn hạt hướng dương và kể chuyện áo cánh dơi rồi cười hi hí.

Nhà tôi chuyển về thị xã, vì bố mẹ tôi đã già yếu, anh tôi tính ra phố ở cho tiện đường sá, bệnh viện. Nhà tôi cách chợ tỉnh không xa, mẹ tôi đạp xe ra đó mua đồ ăn hàng ngày. Tôi cũng lượn xe máy vè vè ra chợ tỉnh chơi, đôi khi tôi cũng mua cho mẹ tôi vài món lặt vặt, như bộ đồ lanh mặc nhà, cái quần sa tanh Nam Định trên quầy... Còn tôi, chợ tỉnh luôn là kí ức thủa hoa niên với đồ lót Thái, áo phông, lược phíp, phấn con én, son gió thôi chứ tôi đi làm ngoài Hà Nội đương nhiên tôi sẽ mua đồ trên phố và trong Sài Gòn...

Chợ tỉnh cháy, người ta khóc mếu vì mất nghiệp. Mẹ tôi buồn, giống như thời xóa bỏ bao cấp, bà đã chênh vênh. Nhà không ruộng, con cái còn dở ăn học, biết trông vào đâu?

Rồi mọi sự cũng qua. Chợ tỉnh được xây mới, có hầm để xe, có phòng tập gym, có người đặt máy khâu may tại chợ, hàng quà vài cầu, hàng thức ăn chín cả khu, tràn ra đến cổng. Nông lâm sản về chắn lối, hàng mã cũng chiếm một khu rộng. Thong dong lên tầng 2 chật những vải vóc và hàng thời trang, vẫn phải nói câu cũ “chỉ thiếu hàng tiền’’.

Phố làng tôi xưa, đã bán mua xong khu bách hóa, một cụm dân cư mới đã xây nhà kiên cố. Cửa hàng lương thực huyện đã được san trả lại khu văn chỉ cho làng, để quy mô đình làng gần như xưa.

Tôi cũng không bao giờ hỏi Miều giờ làm gì ở đâu, dù muốn tôi hỏi được ngay. Miều đã là nhân vật của tôi, nàng sống cuộc đời theo cách tôi muốn, tôi dẫn dắt, nàng mang một luồng gió mới về làng, nàng tiên phong tìm lối cứu mình, cứu nhà bằng chút công xá con gái buôn bán dặm trường. Bao người sau này theo cách của nàng, đều giàu có cả, lẽ nào nàng không? Nếu không giàu về tiền bạc thì nàng cũng đã dũng cảm để giàu trải nghiệm, giàu có vốn sống của mình.

Chợ tỉnh, chợ đầu mối rộn ràng như xưa và hơn xưa để rồi những cửa hàng bách hóa, cửa hàng lương thực, cửa hàng thực phẩm, nông cụ, Hợp tác xã mua bán, công ty thương nghiệp... đương nhiên bị xóa sổ. “Thời bao cấp” bị xóa từ cái kim khâu cho đến cuộn chỉ màu, chứ đừng nói đến những mặt hàng khác. Con người được sải cánh bay trong sự lựa chọn của mình, và để được làm “thượng đế” họ cũng vận hết “công năng” để luôn được là “thượng đế”. Mở cửa hay cơ chế thị trường, để nhận ra sự khác biệt, để dễ diễn đạt với nhau, với đám hậu sinh thì không đâu sinh động hơn cái chợ, nhất là chợ tỉnh - tôi nghĩ thế.

Khiếp thật, mấy chục năm đủ để khóc cười, đủ để nhớ và đem theo cho mình những kỉ vật của thời bao cấp, của những tin yêu và tình người còn lại sau những vật lộn, đắng cay có khi đến man rợ.

Tôi biên những dòng này vào một ngày mùa Thu thơm nức khi tóc tôi đã bạc, đã biết quên, biết nhớ, biết chọn gì mang theo trong hành trang của mình. Với tôi quãng thời gian và những câu chuyện này là tài sản, tôi chọn cách ứng xử và cất giữ nó trang trọng, để khi cần vịn vào khỏi chênh vênh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chợ tỉnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO