Chơi đến tàn xuân

NGUYỄN MINH HOA 23/03/2022 05:56

Xuân là mùa được chờ mong nhất, bởi tự đây ta lại nhen lên những hy vọng, khởi đầu - dẫu rằng đắng cay, thất vọng chưa kịp cũ. Xuân có Tết, có hội, hội làng, hội tổng, hội cầu an, kì phúc, hội xuống đồng diễn ra khắp nẻo.

Chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: Thư Hoàng.

Có thể nói hội xuân chính là một phần linh hồn của làng xã, là sự kiện để nhắc nhớ, trở về của những người xa quê. Hội xuân có khi ngay từ ngày mồng, mồng 4, mồng 5, rồi mồng 10, rồi Rằm tháng Giêng là hội suốt các làng, tổng và trong bãi, ngoài làng. Hội suốt tháng Giêng, kín lịch, hội suốt tháng Hai còn mưa ướt áo, vắt sang tháng 3 mới vãn hội. Hội làng 1 ngày 3 ngày, hội lớn, hay hội tổng 7 đến 10 ngày. Hội đền to, phủ lớn, chùa cả đông khách thì hết trọn cả 3 mùa xuân tấp nập.

Người ta đã quá quen và thường nói “chơi hội”, “xem hội”. Những nghi lễ truyền đời, những tục hèm được diễn ra trong không gian thiêng bày tỏ niềm thành kính của dân làng với vị thần linh thiêng bảo trợ cho dân làng, thường thì những điều tôn nghiêm này không diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật trước đám đông nhưng với đức tin và lòng thành kính của người dân những lệ tục này vẫn tiềm tàng sức sống, sức mạnh tâm linh là niềm tự hào của người làng dẫu thành văn hay truyền miệng.

Chơi hội đương nhiên là vui và thú vị. Vui từ trong nhà ra đến làng. Người quảng giao thường mời bạn bè xa gần đến chơi nhà, xem hội làng mình. Nếu tết có đôi ba ngày chúc tụng trong nội tộc đã cập rập thì hội dư giả thời gian hơn nhiều. Khách thiên hạ có thể chọn ngày đến. Trước là thăm nhà, ăn cỗ gia chủ mời, sau là thăm quan di tích, đình chùa, đền miếu của làng. Nhà đông khách có khi cỗ bàn bầy ra đến cả vài ngày, số mâm lên đến hàng chục.

Nhiều làng có nghề phụ, nếu tết nhất bận làm hàng thì hội lại ăn to hơn tết, khách khứa nườm nượp. Nhà vợ chồng thoát ly cả, các con lại đi học, đi làm cũng khá đông khách. Thường thì phải chia, ngày khách của bố mẹ, ngày khách của các con. Nói thế, không có nghĩa là cánh làm nông ít bạn. Các làng kết chạ, cánh làm nghề phụ, chợ búa cũng biết nhau, hội làng này, làng kia xa gần có lời mời là cũng thu xếp để đi hội. Đi để biết nhà biết cửa nhau, để giao đãi. Nhiều mối quan hệ dắt dây mà được việc lớn như mối lái tơ hồng, hay đặt mối quan hệ làm ăn buôn bán. Nếu không là dịp này thì trong năm công việc cuốn đi, với lại có những người làm ăn xa nhà thì cũng khó mà thăm nom nhau được.

Với các cụ cao niên con đường vắt qua cánh đồng, sang sông, hay rủ nhau đi bộ suốt triền đê đi hội cũng được tính ngay từ trong tết, để đúng ngày, đúng giờ lại khăn áo đi hội làng bên, trước là lễ thánh, lễ Phật sau là chơi hội làng bên ấy. Già cũng có mối giao đãi của tuổi già chứ nếu cứ loanh quanh con cháu trong nhà cũng buồn. Miếng trầu ngon cũng phải có bạn, cái khăn, cái áo mới con cháu mua biếu cũng muốn khoe bạn xa, bạn gần. Hơn nữa, con cháu thấy bố mẹ, ông bà còn dẻo dai, thích đi hội là vui rồi, tuổi nào thì cũng cần giao lưu để biết mình, biết người.

Chơi hội, có lẽ háo hức và nhiệt tình nhất vẫn là đám trẻ.

Chơi hội, có lẽ háo hức và nhiệt tình nhất vẫn là đám trẻ. Nếu chính chủ vào năm phải lo việc làng như tham dự vào đội rước, đội trống hay đội múa rồng thì khách làng khác phải mời vào những ngày khác thì mới có dịp cùng nhau nhấp chén rượu và có thời gian nói câu chuyện. Thường thì những cô gái được mời đi dự hội làng khác luôn được ưu ái nhất và cũng chẳng bao giờ các cô phải tự đi hay đi một mình.

Bao giờ chính chủ hay đám “chân gỗ” cũng rồng rắn đón rước đàng hoàng. Người được chấm cũng phải đỏ mặt ăn chẳng dám ăn vì những ánh nhìn rát mặt. Nhiều đám thành đôi sau kỳ chơi hội, nhưng nhiều người cũng chỉ thoáng qua, để nhớ mà thôi, vì nhiều người vẫn nghĩ “lấy chồng làng danh giá”, lại biết tông tộc nhà nhau, làng xa, làng gần thì vẫn là lấy chồng thiên hạ, không biết thế nào về cung cách người làng bên ấy, đồng đất bãi khác làng, rồi lại còn nghề phụ không biết thế nào...

Vì nghĩ như thế mà nhiều người đến khi bạc tóc vẫn vấn vương, chả dám nói ra nhưng vẫn nghĩ đến “giá như”. Nhiều người cũng trách mình không mạnh dạn, người “đánh tiếng” bảo khó đã vội bỏ cuộc, thế nên lỡ dở cả đôi. Những hội sau, thấy nhau còn bối rối, ván đóng thuyền rồi cơ mà mời nhau vào uống nước cũng khó. Đành vậy, biết làm sao, người bạo dám bộc bạch, người lại đến già mới dám kể khi vẳng nghe tiếng trống hội làng bên vọng về, có kể con cháu mới biết, không ngờ cụ nhà mình nặng tình đến thế. Đúng là chuyện tình cảm khó mà quên.

Với những lễ hội lớn, 3 tháng xuân nườm nượp người trẩy hội. Người đến đề thơ, người đem về câu chữ, ảnh hình, người đến để dâng hiến, bồi đắp đức tin, người đến để kiếm tìm và khôn nguôi hy vọng. Mọi điều đã tốt đẹp hơn, hay chí ít cũng cảm nhận được niềm an ủi thế nên người ta đã trở lại sau cả những thất bại, đắng cay, sau những bội bạc đã từng gặp phải.

Có sự linh nghiệm, có đôi mắt đã tìm thấy người trong đám đông, có bù đắp, vỗ về an ủi và có niềm hạnh phúc ấm áp ùa về sau những gì đã trải. Nếu không có những mùa lễ hội, người ta sẽ tự giam mình trong mùa đông cũ, thây kệ những gọi mời của mùa, của người thì tháng năm sẽ đằng đẵng, cô đơn còn bủa vây. Đến hội xuân, những duyên, duyên phận cũng theo về, xưa nay vẫn vậy, trông thấy rõ ràng, nên làng tổng còn có hội là còn đông, còn người trông mong đi hội ấy, không quản đường xa bao giờ.

Cuộc vui mấy cũng phải đến hồi kết, lúa trên đồng đã bắt đầu đưa hương. Ai cũng biết giữa các đám hội, người làng vẫn không bỏ đồng ruộng. Ai mà bỏ việc vì chơi bao giờ. Mới hôm nào hoa gạo còn thắp lửa trên bầu trời, đám con gái còn ngửa cổ trông hoa, đám đàn ông con trai nhìn vội rồi vờ như không để ý, vì sợ một cái nguýt dài vì ánh nhìn đường đột ấy. Thế mà có nắng mới, hoa gạo đã rụng hết, chỉ còn đôi bông trên nền trời trong xanh. Trời đã chuyển mùa, vạt xuân cuối cùng cũng đã bay về phía chân trời.

Làng bên có đám cưới, mấy người nhận thiếp mời rồi tủm tỉm cười bảo:

- Giờ mới biết tại sao bên nhà trai bỏ cả đám hội để hoàn thiện nhà, hóa ra là để đón cô dâu mới kịp mùa xuân.

Người lại bảo:

- Giờ sắm cưới và cỗ bàn thuận lợi hơn xưa nhiều, chứ xưa là cứ phải thả đôi lợn tháu trong chuồng đến mùa thu mới ngả ra đủ làm cỗ. Cưới thế này vụ tháng 5 hai bên nội ngoại đều thêm người, đỡ bấn hơn nhiều, vui quá!

Cô gái chỉ biết cười e then, chú rể bạo hơn nói ngay:

- Không đi hội xuân, không chơi xuân sao tìm được người để yêu và cưới vợ cứ phải liền tay như các cụ dạy ạ. Qua vụ tháng năm nhỡ gặp phải đối thủ mạnh hay cự ly gần thì lại có người ế vợ mất.

Cô gái cứ lườm mãi mà chàng trai vẫn phải nói hết câu trong niềm hạnh phúc.

Trăng sáng, se lạnh, hoa bưởi lứa sau thơm ngát, tóc cô dâu mới còn thơm hơn. Có người bảo khép cánh cửa sổ vì ngại cả vầng trăng, người lại nói sao phải ngại, vầng trăng chỉ một mình, có âm dương đâu mà hút chặt...

Những mùa xuân, những khoảnh khắc xuân bao giờ cũng đẹp, đẹp nhất, một đêm trăng mùa xuân cũng vậy, luôn cất giữ những xuân thì nồng nàn, thiết tha.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chơi đến tàn xuân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO