Cholesterol cao tăng nguy cơ tim mạch

P.Vân (tổng hợp) 10/03/2021 15:37

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đức đã cho thấy, người trẻ tuổi có mức cholesterol cao sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau này.

Các nhà khoa học đã theo dõi gần 400.000 người ở 19 quốc gia trong khoảng 43,5 năm. Không có ai mắc bệnh tim mạch khi bắt đầu nghiên cứu. Bằng việc sử dụng các dữ liệu ở tuổi 35-70 và ước tính khả năng xảy ra biến cố tim mạch ở tuổi 75, các nhà khoa học thấy rằng, nam giới dưới 45 tuổi có mức cholesterol non-HDL (mức độ của tất cả các cholesterol “xấu”) là 4,8mmol/L (trong khi ở mức lý tưởng là <3,37 mmol/L) và có ít nhất 2 yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nếu giảm một nửa mức cholesterol non- HDL này, họ có thể giảm nguy cơ tim mạch từ 16% xuống 4%. Đối với nữ có cùng các yếu tố trên có thể giảm nguy cơ này từ 29% xuống còn 6%. Tương tự, những người trên 60 tuổi, nam giới có thể giảm nguy cơ từ 21% xuống 10% và nữ giảm từ 12% xuống 6%. Phân tích dữ liệu cho tất cả các nhóm tuổi và cả hai giới, họ thấy rằng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ giảm liên tục khi mức độ cholesterol non-HDL giảm. Trên thực tế, những người có mức độ cholesterol non-HDL thấp nhất (2,6 milimol/lít) có ít rủi ro nhất.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, những nỗ lực chuyên sâu để giảm mức cholesterol non-HDL có thể đảo ngược các dấu hiệu sớm của xơ vữa động mạch. Cholesterol cao không có triệu chứng, tuy nhiên, các bác sĩ có thể kiểm tra mức độ bằng một xét nghiệm máu đơn giản.

BS. Nguyễn Thông (Suckhoedoisong.vn) cho biết: Cholesterol là một loại chất béo thiết yếu trong cơ thể. Tuy nhiên, quá nhiều cholesterol có thể gây hại.

Cholesterol toàn phần dùng để chỉ tổng lượng cholesterol trong máu. Ngoài ra còn có các thành phần lipid máu khác (các loại cholesterol khác nhau) bao gồm: LDL- Cholesterol (lipoprotein tỷ trọng thấp), HDL- Cholesterol (lipoprotein tỷ trọng cao) và Triglyceride.

LDL và Triglyceride là dạng cholesterol “xấu” và có xu hướng lắng đọng trong mạch dẫn đến nguy cơ nhồi máu, đột quỵ. Còn HDL là dạng cholesterol “tốt” giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Mức LDL và Triglyceride cao hơn có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn.

Cholesterol quá cao sẽ tạo ra những mảng lắng đọng ở động mạch vành, kéo theo nguy cơ nhồi máu cơ tim. Một nghiên cứu khác còn cho thấy, những người có mức cholesterol cao có nguy cơ mắc các bệnh về thính giác cao hơn. Ngoài xơ vữa động mạch, cholesterol trong máu cao còn gây vàng da do tắc mật, đái tháo đường và tăng huyết áp. Mặt khác, giảm cholesterol quá mức cũng là nguyên nhân của cường giáp hoặc hội chứng Cushing.

Điều gì ảnh hưởng đến mức cholesterol?

Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh mức cholesterol. Thực phẩm giàu chất béo bão hòa làm tăng lượng cholesterol trong máu, giảm ăn chất béo bão hòa và thực phẩm giàu cholesterol giúp giảm lượng cholesterol trong máu.

Cân nặng: Tăng cân có liên quan đến sự gia tăng mức cholesterol và bản thân cân nặng tăng thêm là một yếu tố nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch. Giảm cân dẫn đến giảm mức cholesterol xấu và nó cũng làm tăng mức cholesterol tốt HDL.

Tuổi và giới tính: Chỉ số cholesterol máu tăng lên theo độ tuổi và khác nhau giữa nam giới và nữ giới. Cụ thể là nồng độ cholesterol ở đàn ông cao hơn phụ nữ trước độ tuổi 50 tuổi. Tuy nhiên, điều ngược lại sẽ xảy ra khi cả hai giới bước qua 50 tuổi trở đi (nữ > nam).

Di truyền: Một số người khả năng phát triển mức cholesterol cao do các lý do di truyền.

Bảng chỉ số cholesterol.

Làm thế nào để giữ mức cholesterol khỏe mạnh?

Đốt cháy mỡ thừa: Tập thể dục là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát mức cholesterol. Hoạt động thể chất thường xuyên và có một lối sống tích cực giúp đốt cháy lượng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể. Nửa giờ bơi lội, chạy bộ, đi bộ nhanh, đi xe đạp hoặc bất kỳ hình thức nào khác làm tăng đáng kể mức HDL giúp chống lại bệnh tim mạch. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến mức LDL không đáng kể.

Uống thuốc bổ sung: Có một số chất bổ sung rất hiệu quả trong việc giảm mức cholesterol. Những chất sẵn có trong tự nhiên và an toàn này như niacin (vitamin B3), cỏ ca ri và tỏi có thể rất hữu ích trong việc giảm mức cholesterol trong máu.

Thay đổi chế độ ăn uống của bạn: Cách tốt nhất để có mức cholesterol thấp hơn là giảm lượng chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa. Cố gắng ăn thịt nạc và tránh thịt chế biến sẵn. Các sản phẩm từ sữa có thể giàu chất béo vì vậy tốt hơn là nên chuyển sang các lựa chọn ít chất béo. Tăng lượng chất xơ và giảm uống rượu được chứng minh là làm giảm mức cholesterol. Cố gắng bổ sung chất béo lành mạnh có trong các loại hạt. Dầu cá cũng được khuyến khích. Cung cấp đủ nước và giảm lượng đường và muối bổ sung trong thực phẩm cũng rất hữu ích.

Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm cho màng tế bào dễ thấm LDL hơn, dẫn đến tăng lắng đọng chất béo trong tế bào dẫn đến tổn thương tế bào.

Cân bằng công việc-cuộc sống: Điều này là rất quan trọng để duy trì một lối sống lành mạnh. Nó làm giảm căng thẳng, một yếu tố nguy cơ của nhiều vấn đề sức khỏe.

Hít thở sâu: Tập thở sâu hàng ngày, hít thở sâu sẽ giúp bạn thư giãn và giảm căng thẳng.

Hội Tim Mạch học Việt Nam khuyến nghị tất cả những người lớn trên 20 tuổi nên tiến hành xét nghiệm 4 chỉ số cơ bản của mỡ máu bao gồm: Cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglycerides. Tần suất kiểm tra lipid máu được đề xuất ít nhất là 5 năm 1 lần.

Nước ép lựu giúp giảm huyết áp và cholesterol

Bạn có thể ngăn chặn quá trình tăng cholesterol nguy hiểm bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, trong đó có việc bổ sung một số loại nước ép trái cây.

Nước ép lựu được các chuyên gia khuyên dùng, là biện pháp tự nhiên giúp giảm cholesterol và huyết áp. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh loại nước ép này có tác dụng chống lại sự lắng đọng cholesterol trong các mạch máu.Lựu chứa các hóa chất thực vật (phytochemical) đóng vai trò là chất chống ô xy hóa bảo vệ lớp nội mạc của động mạch khỏi bị tổn thương.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra rloại nước ép trái cây này có hiệu quả trong việc giảm triglyceride, một loại chất béo khác được tìm thấy trong máu có thể làm tắc nghẽn mạch. Uống nước ép lựu không chỉ giúp loại bỏ cholesterol LDL mà còn làm tăng (kích hoạt) cholesterol HDL "tốt", giúp ngăn ngừa mắc bệnh tim mạch.

Các bác sĩ của Anh cho biết, do các đặc tính này, nước ép lựu còn làm giảm huyết áp cao, một yếu tố nguy cơ hàng đầu khác của bệnh tim, đau tim và đột quỵ.

Để tối đa hóa lợi ích cho tim từ việc uống nước trái cây, hãy kết hợp nó với chế độ ăn ít chất béo và nhiều chất xơ. Ngoài ra, các bác sĩ khuyên bạn nên kiểm soát lượng muối, duy trì hoạt động thể chất, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh để thừa cân, béo phì…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cholesterol cao tăng nguy cơ tim mạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO