Chọn đủ sách cho các môn học

Mạnh Dũng 25/11/2019 08:00

Sau khi công bố danh mục 32 sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, Bộ GDĐT cho hay, hiện Bộ đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn các địa phương lựa chọn SGK, sẽ không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ sách cho địa phương. Đích hướng tới là chọn đủ sách cho các môn học.

Chọn đủ sách cho các môn học

Các địa phương sẽ chọn đủ sách cho các môn học. Ảnh: Quang Vinh.

Đạt 3/4 thành viên Hội đồng bỏ phiếu, SGK mới được chọn

Xung quanh câu chuyện chất lượng SGK mới, TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, sự khác biệt trong SGK mới với SGK hiện hành đó là SGK hiện hành tiếp cận theo hướng nội dung còn SGK mới tiếp cận năng lực học sinh. Các mạch nội dung của bộ sách được xây dựng vào 2 sự khác biệt này.

Vậy những cuốn SGK mới đã được thực nghiệm chưa? TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết: Thông qua quy định của NXB là phải có hồ sơ thực nghiệm. Trách nhiệm NXB tổ chức thực nghiệm theo đúng nội dung chương trình quy định. Trong quá trình thẩm định, Hội đồng đã làm việc với từng chi tiết nhỏ nhất trong SGK với các tác giả.

Trước băn khoăn về việc làm thế nào để tránh tình trạng một địa phương chỉ chọn một bộ SGK, làm mất ý nghĩa của quy định nhiều SGK. Bộ có cơ chế nào để các nhà trường và giáo viên có thể sử dụng cả những SGK mà Hội đồng chọn sách của tỉnh/thành ấy không lựa chọn? Ông Thái Văn Tài cho hay, một trong những trách nhiệm của nhà trường là phải trang bị đầy đủ SGK theo đúng chương trình đã được phê duyệt để người dạy và người học có quyền tiếp cận, tham khảo. Còn tài liệu chính thức được giảng dạy thì phụ thuộc vào quyết định lựa chọn mà Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh phê duyệt.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ lý giải cụ thể hơn: Để việc lựa chọn sách được lắng nghe từ đông đảo ý kiến chứ không phải chỉ từ quyết định của những thành viên trong Hội đồng thì các thành viên Hội đồng sẽ nghiên cứu SGK, tham khảo ý kiến đồng nghiệp, các thành phần liên quan nhận xét, đánh giá theo các tiêu chí lựa chọn SGK. Sau đó, Hội đồng sẽ họp, thảo luận, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn, bỏ phiếu lựa chọn SGK. SGK được lựa chọn phải đạt tối thiểu 3/4 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Hội đồng tổng hợp kết quả thành biên bản và gửi về Sở GDĐT. Sở GDĐT tổng hợp kết quả lựa chọn của các Hội đồng, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. UBND tỉnh sẽ quyết định phê duyệt danh mục SGK được lựa chọn của các môn học, hoạt động giáo dục theo cấp, lớp, môn học, hoạt động giáo dục để sử dụng trên địa bàn.

Lo lắng độc quyền

Theo lộ trình, bắt đầu từ năm học 2020-2021, Chương trình GDPT sẽ không còn có một bộ SGK duy nhất dùng chung cho cả nước như trước đây khi các nhà trường, địa phương được quyền lựa chọn SGK phù hợp. Như vậy, điều dễ hiểu là tất sẽ có “cuộc chiến” dành thị phần của các NXB.

Đơn cử như trước khi Bộ GDĐT công bố quyết định các SGK được lựa chọn sử dụng trong các nhà trường, thì NXB Giáo dục Việt Nam đã tiếp thị SGK mới tới các địa phương ngay từ đầu tháng 9. Trong công văn gửi các Sở GDĐT ngày 9/9, NXB Giáo dục Việt Nam cũng nêu rõ đơn vị này có 4 bộ sách lớp 1 theo Chương trình mới với 4 tên gọi khác nhau, gồm bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. NXB Giáo dục Việt Nam bày tỏ mong muốn được phối hợp với các Sở GDĐT trong việc tổ chức hội thảo giới thiệu sách; đào tạo, tập huấn giáo viên... Rồi trong công văn nói trên, NXB Giáo dục Việt Nam cũng nói rõ: Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản -Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC), đơn vị biên soạn sách đăng ký xuất bản tại NXB ĐH Sư phạm Hà Nội và NXB ĐH Sư phạm TPHCM là công ty có sự tham gia cổ phần của các cá nhân nguyên là cán bộ của NXB Giáo dục Việt Nam đã nghỉ hưu. Để tránh nhầm lẫn trong quá trình phối hợp triển khai công việc, NXB Giáo dục Việt Nam xin được thông báo Công ty VEPIC không phải là đơn vị thuộc hệ thống của NXB.

Về nguyên tắc, đa dạng SGK sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các NXB để tăng chất lượng sách cả về nội dung lẫn hình thức, giá cả, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người học. Dẫu thế, trong số SGK được phê duyệt, NXB Giáo dục Việt Nam có tới 24/32 SGK được chọn, đã dẫn tới lo lắng về tình trạng độc quyền, hoặc lợi ích nhóm. Ông Thái Văn Tài giải thích: Độc quyền chỉ xảy ra khi có một bộ SGK, còn bây giờ chúng ta có nhiều bộ SGK từ nhiều nhóm tác giả khác nhau thì đã thể hiện sự đa dạng của SGK. Do vậy, tôi cho rằng chúng ta không nên quá băn khoăn đối với việc sẽ xảy ra tình trạng độc quyền SGK.

Chưa chốt giá SGK mới

Trước thông tin giá SGK mới sẽ tăng khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho hay, hiện vấn đề giá sách vẫn hiện chưa được quyết định. Theo đó, giá sách còn phụ thuộc vào đánh giá thị trường, số lượng xuất bản thế nào thì giá sẽ ra sao. Sau khi Bộ GDĐT công bố những bộ SGK mới, các NXB sẽ còn tiếp tục đào tạo, tập huấn, giới thiệu và làm marketing, từ đó xây dựng kế hoạch dự kiến, xây dựng giá bán và triển khai in ấn.

Tại cuộc họp báo công bố Quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 1 vừa rồi, ông Ngô Văn Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GDĐT) cho biết, với vấn đề giá SGK, tại Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế tài chính để biên soạn SGK. Do đó, cơ chế giá SGK sẽ công bằng và tránh việc tăng đột biến. SGK có phạm vi bao phủ rất rộng, ảnh hưởng tới toàn thể các gia đình, thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ một cơ chế giá SGK phù hợp, đảm bảo công bằng và tránh việc tăng giá đột biến. Bộ Tài chính sẽ là cơ quan chủ trì trong vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn đủ sách cho các môn học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO