Chọn nghề: Đừng để ảnh hưởng bởi đám đông

Th. Anh 26/05/2017 07:45

Đó là lời khuyên của TS. Nguyễn Lê Minh - Nguyên Phó vụ trưởng phát triển nguồn nhân lực - Phó ban Chương trình Quốc gia về việc làm của Bộ LDDTBXH khi đưa ra lời khuyên dành cho các em học sinh trên con đường lựa chọn nghề. Theo TS Nguyễn Lê Minh, điều quan trọng khi chọn nghề là phải có đam mê.

TS. Nguyễn Lê Minh.

PV:Hiện nay, có rất nhiều đơn vị thực hiện tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò Phó ban Chương trình Quốc gia về việc làm, ông đánh giá thế nào về những buổi tư vấn này?

TS Nguyễn Lê Minh: Tôi hoan nghênh những buổi hội thảo tư vấn về hướng nghiệp. Đó chính là dịp để gắn kết với các bạn sinh viên đang mong muốn có hiểu biết thêm để có thể hoàn thành việc chọn nghề, chọn trường, chọn môn học, hay đi du học nước ngoài.

Điều mà tôi mong muốn, là qua các cuộc hội thảo các bạn có thể nghĩ lại xem lựa chọn của mình đã đúng định hướng của người chuyên gia, người đi trước chưa?

Tuy nhiên cũng có những bạn học sinh, mặc dù được nghe tư vấn rất nhiều nhưng vẫn lựa chọn sai. Hoặc là nói rằng, không lĩnh hội được gì nhiều từ các buổi tư vấn?

- Việc tư vấn hướng nghiệp đã được Bộ GD-ĐT đưa vào trong nhà trường từ rất lâu rồi, nhưng cách làm hướng nghiệp chưa hiệu quả. Thực ra ở các nước họ hướng nghiệp từ cấp 2, tất nhiên phương pháp hướng nghiệp với các em lớp 11, 12 thì khác.

Nhưng ngay từ cấp 2, họ đã tôn trọng chuyện tư vấn hướng nghiệp, và từ hướng nghiệp họ phân luồng rất tốt. Còn ở ta, đã một thời gian rất dài, cấp 2 thì phải lên cấp 3, cấp 3 thì vào ĐH.

Mặc dù công tác tư vấn hiện nay đã có những chuyển biến, nhưng nhiều người vẫn bị lẫn giữa tư vấn tuyển sinh với tư vấn hướng nghiệp. Các trường ĐH lên các trường phổ thông nói về các khoa của trường mình, học bổng như thế nào… Học sinh nghe thấy thích thú thì đăng ký vào, nhưng lại không đúng thế mạnh, sở thích của bản thân, đam mê của bản thân.

Tôi nghĩ cần phải tư vấn hướng nghiệp rất kỹ, sau đó mới làm tư vấn tuyển sinh. Chọn nghề đã rồi mới chọn trường, chứ chọn trường trước rồi mới chọn nghề là không đúng.

Ông nhận thấy nhu cầu tuyển dụng của các ngành hiện nay như thế nào?

- Bất cứ ngành nào cũng có tiêu chí tuyển chọn riêng. Có ngành yêu cầu về ngoại hình như lễ tân, tiếp viên hàng không, một số ngành du lịch, khách sạn… Nhưng nhìn chung yêu cầu tuyển dụng của bất kỳ ngành nghề, nhà tuyển dụng nào, doanh nghiệp nào, chủ sử dụng lao động nào, yếu tố đầu tiên cũng phải là giỏi. Giỏi trong kỹ năng chuyên môn, sau đó là kỹ năng mềm.

Nhưng tôi cũng phải nhấn mạnh, hiện nay theo các chuyên gia về lĩnh vực việc làm mà tôi đã tổng kết, thành đạt thì khoảng 20% dựa vào kỹ năng cứng, nghĩa là chuyên môn đi học, 80% là kỹ năng mềm. Mà hiện thanh niên Việt Nam đang yếu chỗ này…

Ông có lời khuyên gì cho các bạn trẻ trên con đường lựa chọn nghề nghiệp?

- Từ khóa là vấn đề “đam mê”. Bạn phải chọn cái gì bạn đam mê. Bạn đừng bị ảnh hưởng của đám đông, bạn đừng ảnh hưởng của dư luận, mà hãy theo dõi sự đam mê của bạn thì bạn sẽ thành công.

Thêm vào đó, chọn nghề còn phải theo kinh tế gia đình. Nghĩa là phải vừa về trình độ, vừa khả năng của mình, vừa với điều kiện kinh tế gia đình, vừa với sức khỏe, và vừa với nhu cầu xã hội. Chúng tôi gọi là “5 vừa”.

Nếu em muốn trở thành một công nhân hay kỹ sư điện thì ít nhất phải hiểu học vấn của mình học đến đâu, có hiểu về vật lý không thì mới làm công nhân điện được?

Thứ hai là về khả năng, em thích nghề đó nhưng năng lực em có làm được không, có những nghề ví dụ như lái ô tô, nghề rất hay, thậm chí có người lái xe giỏi, kiếm tiền tốt…

Nghề này có những yêu cầu, vậy thì khả năng của em có đáp ứng được không? Áp lực công việc có làm được không, có lái xe đêm được không? Cũng có những nghề đòi hỏi về tính cách đặc biệt, ví dụ như nhà báo thì phải xông xáo...

Thứ tư phải vừa với sức khỏe. Và cuối cùng là vừa với kinh tế gia đình. Em muốn học những nghề như lái máy bay hay đi du học, thì phải có tiền…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn nghề: Đừng để ảnh hưởng bởi đám đông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO