Chọn nguồn năng lượng

Duy Phương 08/05/2017 09:10

Khoảng 1 tháng trở lại đây, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn liên quan đến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Một điểm chung của các cuộc hội thảo này là đều tập trung nhấn mạnh xu hướng phát triển nhiệt điện than. Tuy nhiên, xu hướng phát triển nguồn năng lượng này cũng đã nhận được nhiều ý kiến.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận)
đã từng gây ô nhiễm môi trường bị người dân phản đối (Ảnh: M.Trân).

Trong Quy hoạch điện VII cũng đã thể hiện rất rõ xu hướng ưu tiên phát triển nhiệt điện than, khi đưa ra con số: Đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% lượng điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất.

Nhìn vào bản Quy hoạch điện VII, không khó để nhận thấy, lượng điện từ nhiệt điện than chiếm tỷ lệ ngày càng lớn dần theo từng giai đoạn và luôn chiếm tỷ lệ “áp đảo” so với các nguồn điện khác.

Tại Diễn đàn “Năng lượng Việt Nam: Hiện tại và tương lai” vừa được Bộ Công thương tổ chức cuối tuần trước, Bộ này tiếp tục khẳng định vai trò và xu hướng tất yếu của các nguồn nhiệt điện than.

Cụ thể, tại Diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng một lần nữa nhấn mạnh: “Trong bối cảnh các nguồn thủy điện đã cơ bản khai thác hết, chúng ta đang đẩy mạnh khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như điện Mặt Trời, điện gió sinh khối… mặc dù vậy nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng trong những năm sắp tới”.

Không ít ý kiến tại Diễn đàn cũng cho rằng, để đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam không còn cách nào khác là phải tập trung khai thác các nguồn nhiệt điện than với lý do, đây là nguồn điện có chi phí tiết kiệm hơn cả, đặc biệt, than là loại khoáng sản có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại trong một khoảng thời gian khá dài, đến 300 năm nữa.

“Do giá thành sản xuất điện thấp nên khi đã khai thác hết nguồn thủy năng, các nước đề có xu hướng chuyển sang phát triển nhiệt điện than và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng này”- một vị chuyên gia ngành điện đã phát biểu như vậy cũng tại một cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng.

Đối với những lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mà các nhà máy nhiệt điện có thể gây ra, vị chuyên gia này rất tự tin khẳng định: “Các chất thải nguy hại của nhiệt điện than đều có các biện pháp khử độc trước khi thải ra môi trường. Nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than thực hiện nghiêm túc việc xử lý các chất thải độc hại thì hoàn toàn không có vấn đề gì”.

Và với tất cả những lập luận nói trên, phần lớn các ý kiến tại các cuộc hội thảo đều đi đến một nhận định rằng: Vẫn nên và rất nên phát triển nhiệt điện than với điều kiện phải sử dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu những nguy cơ có thể gây tổn hại cho môi trường.

Nói như TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vấn đề hiện nay không phải là làm điện than hay không, mà là cần sử dụng công nghệ làm sao, cơ chế để đưa công nghệ vào khai thác nhiệt điện than thế nào để vừa đảm bảo giữ được môi trường trong sạch vừa giải được bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. “Đây là bài toán khó chúng ta phải giải quyết và phải có những ràng buộc chặt chẽ về công nghệ”- TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thực tế khi nói về các nguồn nhiệt điện than, các chuyên gia về môi trường đều khẳng định: Dù với bất cứ loại công nghệ nào cũng không thể có nhiệt điện than sạch. Điều này có nghĩa rằng, không có bất cứ một loại công nghệ tiên tiến nào có thể giúp nhiệt điện than không gây ô nhiễm môi trường như một số ý kiến đã nêu ra.

Nghiên cứu của giới chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho hay, nhiệt độ nước của môi trường tự nhiên và nước làm mát từ các nhà máy nhiệt điện than khi thải ra môi trường chênh nhau từ 7 - 11độ C.

Với mức chênh lệch này, sẽ không thể có một loài thủy sinh nào có thể tồn tại được. Các nhà khoa học nước ngoài cũng đã khẳng định: Nhiệt điện than là nguồn sản xuất điện gây ô nhiễm nhất trên thế giới và không có một phương thức sản xuất có thể “sánh” được về mức độ gây ô nhiễm như với nhiệt điện than. Điều này cũng đồng nghĩa, môi trường có thể bị hủy hoại nếu chúng ta vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển nhiệt điện than.

Vấn đề đặt ra là: Liệu chúng ta có nên đánh đổi môi trường chỉ vì nhiệt điện than có chi phí thấp hơn các nguồn điện khác trong khi chúng ta vẫn có thể có nhiều giải pháp giúp giảm áp lực tiêu thụ điện, mà một trong số đó là giảm sự ưu tiên đối với những ngành công nghiệp quá tiêu tốn năng lượng như xi măng, sắt thép…

Và trong khi thế giới đang hướng đến sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện Mặt Trời, điện gió và tìm cách “nói không” với nhiệt điện… thì việc chúng ta vẫn “đau đáu” với điện than, có lẽ cũng rất cần xem lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn nguồn năng lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO