Chọn sách cho ai?

Thu Hương 14/02/2020 06:50

NXB Giáo dục Việt Nam cho hay, đang phối hợp với các sở GDĐT để cung ứng sách mẫu và giới thiệu SGK mới tới giáo viên và các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, NXB đang chuẩn bị giới thiệu phiên bản điện tử của SGK để giáo viên và phụ huynh có thể tham khảo, lựa chọn.

Chọn sách cho ai?

Một bộ sách giáo khoa lớp 1.

Mong sách hướng dẫn giáo viên

Riêng bộ sách của NXB ĐH Sư phạm Hà Nội và NXB ĐH Sư phạm TPHCM phối hợp cùng công ty sản xuất đã được đưa lên mạng từ tháng 1 để những người quan tâm tham khảo. Như vậy, 5 bộ sách được Bộ GDĐT phê duyệt với tổng số 38 bản mẫu đã đang dần tiếp cận tới giáo viên- những người đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn SGK giảng dạy tại nhà trường trong năm học 2020-2021.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên bày tỏ băn khoăn về việc ngoài việc đọc SGK, cần thêm sách hướng dẫn giáo viên để các thầy cô hình dung cụ thể, rõ ràng hơn việc giảng dạy sẽ theo cách nào, cần chuẩn bị những gì. Bởi qua thực tế dạy học mới có thể phát hiện được cuốn sách nào thực sự phù hợp với học sinh trường đó/vùng đó. Nếu chỉ tham khảo nguyên SGK thì khó hình dung được nội dung cần truyền tải đến học sinh vì như một Tổng Chủ biên môn Tiếng Anh 1 chia sẻ, có những nội dung đưa vào SGK nhưng thực tế chỉ để tham khảo, không phải tất cả mọi đối tượng học sinh đều phù hợp để học. Điều này sẽ được hướng dẫn chi tiết trong sách hướng dẫn dành cho giáo viên. Như vậy, nếu thiếu sách hướng dẫn giáo viên đi kèm thì có thể việc lựa chọn SGK của giáo viên sắp tới đây sẽ không thực sự sát nhất với yêu cầu đặt ra dành cho đối tượng học sinh khu vực đó.

Vì vậy, nhiều chuyên gia bày tỏ mong muốn song song với việc cung cấp bản mẫu SGK đến các cơ sở giáo dục, các NXB đồng thời cung cấp sách hướng dẫn giáo viên cũng như các tài liệu tham khảo khác cho việc giảng dạy, thiết kế bài học, tiết học… để giáo viên có cơ sở lựa chọn SGK đúng đắn nhất.

Lựa sách cho phù hợp

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT), căn cứ tiêu chí chọn SGK quy định trong thông tư Bộ GDĐT vừa ban hành, thành phần hội đồng lựa chọn SGK của nhà trường có ban đại diện cha mẹ học sinh để có ý kiến của cha mẹ học sinh. Ý kiến của giáo viên về việc lựa chọn SGK có vai trò quyết định vì thành phần hội đồng được quy định phải có tối thiểu 2/3 số thành viên là giáo viên (bao gồm tổ trưởng tổ chuyên môn).

Trong quy trình lựa chọn SGK, ý kiến của mỗi giáo viên tại tổ chuyên môn được thể hiện bằng văn bản. Danh mục SGK đề nghị lựa chọn của tổ chuyên môn được xếp theo thứ tự SGK có số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp để hội đồng xem xét, bỏ phiếu kín để lựa chọn.
Trường hợp hội đồng bỏ phiếu kín 2 lần vẫn không đạt trên 1/2 số thành viên lựa chọn một đầu SGK của 1 môn học, hoạt động giáo dục thì SGK được chọn là SGK có số phiếu đồng ý cao nhất của tổ chuyên môn.

Theo nhà giáo Phan Duy Nghĩa (Sở GDĐT Hà Tĩnh), quan trọng nhất khi chọn SGK là phải xác định được “Chọn sách cho ai?”, đó là chọn cho học sinh và cho giáo viên - 2 chủ thể sử dụng SGK.

Với học sinh, SGK phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập tích cực và hiệu quả. Với giáo viên, SGK phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Một lưu ý là nội dung SGK có thể triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương; giúp nhà trường và giáo viên tự chủ, linh hoạt và sáng tạo trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục dưới sự hướng dẫn của các cơ quan quản lí giáo dục địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn sách cho ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO