Chống dịch bằng 'lời khuyên': Thất bại khi 'lâm trận'

Trần Hoàng Tú 26/04/2020 08:00

Tới thời điểm này, không còn nghi ngờ gì nữa là người Mỹ mắc Covid-19 cao nhất thế giới và cũng chết nhiều nhất thế giới. Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn tiếp tục cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra sẽ còn kéo dài, “kể cả ở những nước giàu”.

Chống dịch bằng 'lời khuyên': Thất bại khi 'lâm trận'

“Đội quân y tế” trên đường phố Paris (Pháp) khi dịch Covid-19 đã bùng phát quá dữ dội.

Từ Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus không quên kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định đóng băng quỹ tài trợ cho tổ chức này, hy vọng Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ cho công việc cứu mạng sống của người dân trên thế giới. Nhưng chính bản thân nước Mỹ lại đang gay go.

Theo trang Daily Mail (Anh), hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Mỹ đang phải đối mặt với gánh nặng lớn bởi tỷ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 mắc các bệnh béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và các căn bệnh mãn tính khác là rất cao. Còn ông Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết hơn 60% người trưởng thành ở Mỹ có ít nhất một tình trạng tiềm ẩn bệnh tật. Điều đó làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 và tệ hơn là khiến người bệnh tử vong.

Chưa hết, giới chuyên gia dinh dưỡng Mỹ lại liên tục đưa ra cảnh báo nguy cơ đến từ “đại dịch béo phì” bởi quốc gia đông dân thứ 3 thế giới này có đến 42,4% người trưởng thành mắc bệnh béo phì và 18,5% trẻ em cũng rơi vào tình trạng này. Trong khi người béo phì dễ mắc SARS-CoV-2 và tỉ lệ tử vong do Covid-19 trong nhóm đối tượng này cũng rất cao. Béo phì được coi là một yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến một số căn bệnh mãn tính khác, bao gồm tiểu đường típ 2, đột quỵ, đau tim và thậm chí cả ung thư.

“Do có quá nhiều người béo phì nên cuộc chiến chống Covid-19 ở nước Mỹ sẽ rất gay go”- một nhận xét trên Fox News.

Nguy hiểm cấp liên bang đến từ những người béo phì

Một nghiên cứu về dịch cúm H1N1 năm 2009 cho thấy những người béo phì có khả năng nhập viện cao gấp đôi so với những người dân khác ở khắp các bang của Mỹ. Ngoài ra, một nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Michigan cho thấy những người trưởng thành bị béo phì nhiễm virus không chỉ có nguy cơ biến chứng nặng hơn mà còn có thể truyền nhiễm lâu hơn.

Một thông tin trên tờ nội san của Bệnh viện Elmhurst ở quận Queens (thành phố New York) rất đáng chú ý khi cho rằng dự báo đến năm 2030, sẽ có tới 75% người trưởng thành trong số những người dân Mỹ mắc bệnh thừa cân hoặc béo phì và rằng tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những người mắc bệnh tim mạch là 10,5%; bệnh tiểu đường 7,3%; các bệnh hô hấp mãn tính 6,3% và 6% đối với bệnh cao huyết áp; 5,6% đối với bệnh ung thư.

Một nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina cũng chỉ ra chỉ có 12% người Mỹ trên 20 tuổi được coi là “khỏe mạnh về mặt trao đổi chất”. Những người này có số đo vòng eo, mức Glucose, huyết áp và cholesterol đạt mức tối thiểu mà không phải dùng thuốc. Trong khi đó, cứ 1 trong 3 người Mỹ (hơn 80 triệu người) mắc bệnh huyết áp cao, 100 triệu người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền đái tháo đường. Điều đó cho thấy tỷ lệ người Mỹ có nguy cơ nhiễm bệnh do virus là rất cao.

Mỗi nơi một khác, mạnh ai nấy làm

Người ta cũng cho rằng, sở dĩ “nước Mỹ bị Covid-19 hạ gục” còn là do cách phòng, chống mỗi nơi một kiểu, không có sự thống nhất. Mỗi bang ở Mỹ có khả năng giải quyết khác nhau khi số ca bệnh tăng cao. Bà Ellen Nolte - Giáo sư về các dịch vụ y tế tại Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London - từng nhận xét ở Mỹ giống như thể có tới 51 hệ thống y tế khác nhau tại 50 bang và thủ đô Washington.

Rõ nhất là việc trong khi New York, Washington và California áp dụng các biện pháp quyết liệt ngăn dịch bệnh, thì hai bang Ohio và Maryland lại làm theo họ, rất miễn cưỡng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. “Họ lo ngại tác động tiêu cực của việc giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh”- Fox News nhận xét.

Những cũng có một thực tế, khác, đó chính là bản thân giới chức bang New York cũng đã lưỡng lự khi đưa ra khuyến cáo “ở nhà” với người dân, căn cứ vào những thông điệp “chỏi nhau” giữa Thống đốc bang Andrew Cuomo và Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio.

Người ta đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump cũng đã từng có quan điểm không dứt khoát. Theo Bloomberg, trong lá thư gửi tới các thống đốc bang ngày 26/3, ông Trump nói muốn “gắn nhãn” các bang theo mức độ nguy cơ dịch bệnh, để các nhà hoạch định chính sách địa phương có thể tùy theo đó mà duy trì, tăng cường hay nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội đã áp dụng.

Ông Trump cũng từng lặp lại nhiều lần quan điểm muốn mở lại nền kinh tế bất chấp những cảnh báo từ giới chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng nếu làm việc đó quá sớm có thể gây bùng nổ số ca bệnh.

Chống dịch bằng 'lời khuyên': Thất bại khi 'lâm trận' - 1

Cảnh sát New York (Mỹ) trong lúc làm nhiệm vụ Ảnh: Reuters.

231 thị trưởng nước Mỹ nói không có đủ thiết bị y tế

Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, khi mà số ca mắc và người chết do Covid-19 ngày một nhiều thêm thì Tạp chí Vox (Mỹ) còn chỉ ra một thực tế: do các bệnh viện mỗi bang đều lệ thuộc vào ngân sách bang đó nên dẫn đến tình trạng thiếu trang thiết bị y tế khi cần một số lượng lớn, bất thường.

Theo nghiên cứu công bố của tổ chức phi lợi nhuận US Conference of Mayors, ít nhất 213 thị trưởng của Mỹ cho biết họ không có, hoặc không có cách nào cung ứng đủ trang thiết bị và dụng cụ y tế để bảo vệ lực lượng y tế phản ứng tuyến đầu.

Họ chỉ còn biết trông chờ vào gói cứu trợ 2.000 tỷ USD được ông Trump phê duyệt mới có thể tăng cường được nguồn vật tư, thiết bị y tế. Nhưng như vậy cũng đã là quá muộn, khi mà số ca nhiễm tăng cao ghê gớm và số người chết đã “vượt quá sự tưởng tượng của bất cứ người Mỹ nào”- dẫn bình luận của CNN.

Vì sao nhiều người phương Tây phớt lờ khuyến cáo ở nhà?

Theo Mỹ, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Italy, giới chức nước này đã áp dụng biện pháp phong tỏa cứng rắn (ngay từ 9/3). Cả đất nước đều là “vùng đỏ”. Ai vi phạm quy định sẽ bị phạt 232 USD và 6 tháng tù. Cảnh sát cũng đã phạt hàng trăm nghìn người coi thường lệnh cấm ra ngoài.

Nhưng cũng không đủ ngăn người dân ra đường trong thời điểm dịch bùng phát.

Tuy nhiên, điều đó không chỉ xảy ra ở Italy, tâm điểm dịch của châu Âu, mà là còn phổ biến ở nhiều quốc gia phương Tây khác.

Người ta thấy rằng, trong lúc ông Trump và các Thống đốc bang còn mải “tranh luận” thì những ngày cuối tuần bãi biển Florida vẫn chật kín người. Các bãi biển, đường đi bộ, công viên ở California đông đúc người vui chơi bất chấp bang này cấm tiếp xúc gần với người khác. Bãi biển Bondi nổi tiếng ở Australia có hàng nghìn người tập trung vui chơi buộc chính quyền phải ra lệnh đóng cửa. Tại London, người dân vẫn tới công viên tắm nắng cuối tuần bất chấp Chính phủ Anh khuyến cáo ở nhà. Công viên Victoria luôn là “điểm hẹn lý tưởng” của những người không chịu tự cách ly. Công viên Quốc gia Snowdonia ở Wales cũng đông đúc người. Ngày thứ Hai đầu tuần, người London lại chen chúc trong tàu điện ngầm, bất chấp Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng rằng: “Mọi người chỉ được rời nhà vì mục đích rất hạn chế: mua nhu yếu phẩm, tập thể dục, cung cấp dịch vụ y tế, đi làm nếu rất cần thiết” và cho biết cảnh sát sẽ thực thi quy định này bằng cách giải tán đám đông và gửi phiếu phạt tiền.

Từ đó xuất hiện một từ mới: “Covidiot”- chỉ những người phớt lờ quy định phòng dịch bệnh.

Tại sao lại có tình trạng đó? Theo Nick Chater- Giáo sư khoa học hành vi Trường Kinh doanh Warwick thì biện pháp không đủ mạnh vì các nhà lãnh đạo phương Tây không nhất quán trong thông điệp đưa ra với người dân. Ông nói: “Thông điệp họ đưa ra khiến mọi người nghĩ nó không quan trọng chút nào… vì chỉ là “tôi khuyên bạn dừng đèn đỏ, tôi khuyên bạn lái xe ở phía này đường”. Lẽ ra cần phải nói bạn phải làm như thế. Nếu không, bạn phạm luật”.

Vẫn theo GS Chater, những thông điệp kiểu đó là thất bại lớn.

Với Italy, người ta tin rằng một lý do khiến cho tỷ lệ lây nhiễm cao ở nước này tăng cao là virus đã lan rộng khắp đất nước từ lâu nhưng chậm được cảnh báo. Nguyên nhân dẫn đến số ca tử vong tăng cao là người già đã không được quan tâm đúng mức. Italy có dân số già bậc nhất thế giới chỉ sau Nhật Bản, và hầu hết những người đã chết là người cao tuổi với các vấn đề sức khỏe trước đó. Nói như GS Marina Della Giusta (ĐH Reading) thì “người già của chúng ta đã không được bảo vệ”.

Cũng theo GS Della Giusta, sự lây lan nhanh chóng tại Italia cũng có thể được góp phần bởi tính hướng ngoại trong văn hóa nước này. Người Italia ưa tận hưởng không gian ngoài trời và gặp gỡ nhau, với các tương tác thường thân mật hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống dịch bằng 'lời khuyên': Thất bại khi 'lâm trận'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO