Chống dịch cúm gia cầm theo kiểu ‘chạy với theo xe phun thuốc’

Trần Duy Hưng 21/02/2017 18:44

Dù Trực Thuận đã được công bố có dịch cúm A/H5N1 nhưng chốt kiểm dịch tại xã này khá lỏng lẻo: Cán bộ mặc thường phục, chốt không có barie. Mỗi khi có chiếc xe nào chạy qua, cán bộ thú y ở đây lại cầm vòi phun chạy với theo để phun nhưng thường là không kịp...

Phải tiêu hủy hơn 4.000 con gia cầm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bẩy (thôn 8, TrựcThuận, Trực Ninh, Nam Định) vừa mất trắng hàng trăm triệu đồng.

Tính đến ngày 20/2, tại hai xã Trực Nội, Trực Thuận của huyện Trực Ninh (Nam Định) đã xuất hiện 4 ổ dịch cúm gia cầm. Những ngày qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm “khoanh vùng, dập dịch”, trong đó đã thực hiện tiêu hủy khoảng gần 7000 con gia cầm. Có mặt tại đây, PV Đại Đoàn Kết ghi nhận dịch cúm đã làm một số hộ chăn nuôi mất trắng hàng trăm triệu đồng...

Mất trắng hàng trăm triệu đồng

Theo ông Nguyễn Xuân Tư, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Thuận, toàn xã có 21 gia trại chăn nuôi gà vịt, với tổng đàn gần 24.000 con. Dịch cúm bắt đầu xuất hiện tại địa phương từ ngày 15/2, khởi phát tại gia trại của hộ ông Bùi Văn Khoản ở thôn 7, nơi đang có đàn gia cầm gồm 500 con vịt, 400 con gà.

Mấy hôm sau, dịch tiếp tục bùng phát tại gia trại gồm 4.000 con vịt, 200 gà mái đẻ của hộ ông Nguyễn Văn Bẩy ở thôn 8; gia trại của hộ ông Nguyễn Văn Quyết ở thôn 9, nơi đang nuôi 495 con vịt. Trước đó, theo tìm hiểu của PV, dịch cúm cũng đã xuất hiện tại một gia trại có khoảng 1.000 con gà,vịt tại xã xã Trực Nội lân cận...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trực Thuận, khi phát hiện gà vịt chết rai rác, các hộ dân trên chưa báo ngay với chính quyền xã mà còn đợi theo dõi, phải đến khi số lượng gia cầm chết ngày một lớn hơn, các hộ dân mới báo lên chính quyền.

Ngay trong ngày 15/2, nhận được tin báo có dịch cúm của hộ đầu tiên là hộ ông Bùi Văn Khoản ở thôn 7, thú y xã đã lấy mẫu bệnh phẩm, đưa lên Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh làm xét nghiệm, được xác nhận là vịt chết do cúm A H5N1, chính quyền xã đã thực hiện tiêu huy luôn gần 1.000 con gà, vịt tại đây.

Tương tự, đến ngày 19/2, chính quyền xã mới được hộ các ông Nguyễn Văn Bẩy ở thôn 8, Nguyễn Văn Quyết ở thôn 9 báo có dịch cúm. Chính quyền xã sau đó cũng đã thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm. Khi có kết quả dương tính với virrus cúm A H5N1, chính quyền xã cũng đã thực hiện tiêu hủy toàn bộ số gia cầm ở hai gia trại này trong ngày 20/2...

Ngoài việc thực hiện tiêu hủy toàn bộ số gia cầm tại các ổ dịch, chính quyền xã Trực Thuận cũng đã thực hiện một số biện pháp nhằm “khoanh vùng, dập dịch” như: Căng biển cảnh báo khu vực đang có dịch cúm gia cầm; rắc vôi bột khử trùng tại các ổ dịch và tại các tuyến đường trên địa bàn toàn xã; thành lập 2 chốt kiểm dịch ở 2 cửa ngõ chính ra vào xã, bố trí cán bộ thú y, công an xã làm nhiệm vụ khử trùng người xe qua lại và ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm ra vào khu vực có dịch.

Trong sáng ngày 21/2, chính quyền xã cũng đã mời 21 hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn về trụ sở xã để nghe phổ biến, hướng dẫn các biện pháp phòng chống, ngặn chặn dịch bùng phát, lan rộng...

Sáng ngày 21/2, tìm hiểu thực tế tại gia trại của ông Nguyễn Văn Bẩy ở xóm 8, hộ bị thiệt hại nặng nề nhất vì dịch cúm, chúng tôi chứng kiến đường dẫn vào và toàn bộ khu gia trại trắng xóa vôi bột. Thay vì thấy cảnh gà vịt đông đúc, chúng tôi thấy gia trại vắng tanh, ao chuồng trống hoác, vợ chồng ông Bẩy thì ngồi ủ rũ, thẫn thờ.

“Ngoài 200 con gà mái đẻ, 4.000 con vịt của tôi đều đã có trọng lượng hơn 2 kg. Tôi dự định 10 ngày nữa sẽ xuất chuồng. Dịch cúm bùng phát, chấp hành quy định tôi phải tiêu hủy toàn bộ. Theo giá cả hiện thời tôi mất trắng trên 300 triệu đồng. Giờ chỉ mong sớm nhận được hỗ trợ của nhà nước để khôi phục đàn” - ông Bẩy buồn bã.

Chính quyền xã Trực Thuận lập chốt kiểm dịch nhưng việc này được thực hiện rất lỏng lẻo.

Cán bộ thú y quá mỏng

Cùng có mặt tại đây để kiểm tra, hỗ trợ chính quyền, cán bộ thú y địa phương phòng chống dịch, bà Lâm Thị Hiến, cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Nam Định nhìn nhận: ngoài yếu tố thời tiết, một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát là do các hộ chăn nuôi chủ quan, mới chỉ chú trọng tiêm phòng vaccin dịch tả mà không tiêm vaccin phòng cúm, trong khi đây là yêu cầu rất cần thiết.

“Sáng nay, qua kiểm tra, chúng tôi thấy hầu hết trong số 21 hộ chăn nuôi gia cầm ở xã Trực Thuận đều không thực hiện việc này”, bà Hiến phản ánh.

Theo bà Hiến, hiện chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực phòng chống dịch tuy nhiên việc huy động lực lượng thú y xã tham gia phòng chống dịch có gặp khó khăn.

“Lượng thú y ở xã rất mỏng; chỉ có Thú y trưởng mới có phụ cấp, các thú y viên không có do vậy không có tác dụng động viên, khuyến khích thú y cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm. Đây đang là khó khăn, trở ngại của ngành trong việc chỉ đạo, thực hiện thống nhất các biện pháp phòng chống dịch từ trên xuống dưới”, bà Hiến nhìn nhận.

Cùng ngày, có mặt tại một trong hai chốt kiểm dịch chính quyền xã Trực Thuận vừa lập ở ngã ba giao nhau giữa đường 53 và đường dẫn vào xã, PV quan sát thấy có 2 người được bố trí làm nhiệm vụ ở đây; chốt được trang bị máy phun khử trùng.

Tuy nhiên, cán bộ vẫn mặc thường phục khi làm nhiệm vụ; chốt không có barie. Do vậy, việc người và phương tiện qua lại vẫn diễn ra bình thường. Mỗi khi có chiếc xe nào chạy qua, cán bộ thú y ở đây lại cầm vòi phun chạy với theo để phun nhưng thường là không kịp...

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm trên địa bàn, ngày 17/2, UBND huyện Trực Ninh đã công bố dịch cúm A/H5N1 trên địa bàn 2 xã Trực Nội và Trực Thuận.Cùng với việc chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch quy định tại Luật Thú y, UBND huyện chỉ đạo nghiêm cấm các hoạt động giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào vùng có dịch...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống dịch cúm gia cầm theo kiểu ‘chạy với theo xe phun thuốc’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO