Chống dịch như chống giặc

Hoài Vũ 30/01/2020 08:11

Trong những ngày đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thì cả nước cũng phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).

Ngay mùng 3 Tết, một quyết tâm chính trị rất lớn đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để đối phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của loại virus này. Ngày mùng 4 Tết, Thủ tướng cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; trong đó yêu cầu trước mắt thành lập “Đội phản ứng nhanh”, và Bộ Y tế hàng ngày phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Chống dịch như chống giặc” là thông điệp mạnh mẽ được người đứng đầu Chính phủ đưa ra khi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Sự lo ngại của người đứng đầu Chính phủ cũng là bởi để ngăn chặn tốt hơn thì cần biện pháp mạnh hơn khi bệnh nhân mắc virus nCoV có triệu chứng khác với trước kia, có thể chưa phát bệnh cũng lây nhiễm. Đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Đến nay dịch bệnh đã lan rộng ra 30/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và đã lây lan ra 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, chưa có vaccine, thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt bản thân Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo dịch đã ở cấp độ rất cao tại Trung Quốc, cấp độ cao ở khu vực và toàn cầu. Bên ngoài Trung Quốc, dịch bệnh cũng đã xuất hiện ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như: Đài Loan, Macau, Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Arab Saudi. Còn tại Việt Nam, hiện có một số trường hợp sốt có biểu hiện nghi ngờ bị lây nhiễm chủng mới của virus nCoV đều đã được theo dõi điều trị các cơ sở y tế theo quy trình nghiêm ngặt. 2 trường hợp ở TP.Hồ Chí Minh bước đầu xác định dương tính với virus corona. Vì đặc điểm do có đường biên giới dài, lưu lượng người qua lại, giao thương lớn với Trung Quốc nên nguy cơ dịch bệnh này lây lan, có thể bùng phát là rất lớn. Chính vì vậy việc đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng tình huống xấu nhưng không được hoảng loạn là vấn đề cần được quan tâm lưu ý vào lúc này.

Trong những ngày Tết, bên cạnh những thông tin lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận đi thăm chúc Tết tại các vùng miền trên Tổ quốc thì phần lớn thông tin được báo chí đăng tải đều xoay quanh những diễn biến của dịch đang được lây lan với tốc độ nhanh, và sự nguy hiểm của dịch. Lo ngại không chỉ bởi đây là căn bệnh nguy hiểm, chưa có vaccine, lây lan nhanh mà là bởi đây cũng là thời điểm du xuân, lượng khách du lịch nhiều nước, trong đó có du khách Trung Quốc đến Việt Nam rất là đông. Và nhất là sau Tết sẽ bắt đầu mùa lễ hội trên khắp cả nước, quy tụ khối lượng lớn người dân đi du xuân, lễ hội. Qua đó càng tiềm ẩn nỗi lo lây lan dịch với tốc độ lớn. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời e rằng sẽ lây lan nhanh ảnh hưởng đến đất nước, phần nào gây tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trong nước, đặt ra trong bối cảnh năm 2020 kinh tế thế giới dự báo đối mặt với nhiều diễn biến khó khăn. Không đề cao cảnh giác thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của năm cuối của giai đoạn 2016-2020 là điều hoàn toàn có thể xảy ra, đồng nghĩa với việc đạt được chỉ tiêu đề ra trong cả giai đoạn là vô cùng khó khăn và thách thức…

Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng đã yêu cầu: Ngành y tế xây dựng kịch bản phòng, chống chi tiết hơn nữa trong từng tình huống cụ thể. Nghiên cứu, cập nhật phác đồ điều trị cho các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ; thành lập cơ quan chỉ đạo cấp quốc gia về phòng, chống dịch nCoV do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu; cũng như thông tin thường xuyên, nhất là các biện pháp phòng ngừa chủ động, không gây hoang mang, dao động cho người dân cũng như khuyến nghị người dân không đến các nơi tập trung đông người. Đặc biệt với tinh thần lo cho người dân, Thủ tướng cương quyết khẳng định: “Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”.

Nếu như trước đây một thông điệp mạnh mẽ được Thủ tướng nhắc tới đó là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng với mục đích phát triển bền vững, và cuộc sống của người dân thì nay tinh thần chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân càng thể hiện tinh thần của một Chính phủ, vì dân, lo cho dân, để không còn đói cơm, nhạt muối, bệnh tật.

Thế nhưng, sự cương quyết của Thủ tướng với phương châm “chống dịch như chống giặc” muốn thể hiện thành hành động đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Điều đó nằm ở việc cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là các ngành chức năng và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Muốn vậy, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chủ động kiểm soát, đề ra biện pháp trên cơ sở tham mưu của ngành y tế để khoanh vùng, cũng như có các biện pháp để ngăn chặn hiệu quả dịch nCoV lây nhiễm. Những “địa chỉ” là các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã được chỉ tên. Do vậy hành động cần thiết vào lúc này chính là sự hành động, nêu gương của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống dịch như chống giặc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO