Chống lãng phí sách giáo khoa: Phải làm thực chất

Vi Cầm 14/06/2022 08:02

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa (SGK), tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa yêu cầu giám đốc các sở GDĐT chỉ đạo các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập…

Ảnh minh họa.

Chỉ thị được ban hành nhằm để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần. Bộ GDĐT yêu cầu quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK để sách được sử dụng lại lâu bền. Đáng lưu ý, Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, phụ huynh mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh mua và sử dụng. Ngoài ra, bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có SGK đã được phê duyệt tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành SGK; kịp thời in ấn, phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng, chất lượng sách phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh. Sớm báo cáo Bộ GDĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành SGK trước khi phát hành hoặc tái bản. Bộ GDĐT cũng yêu cầu các Sở GDĐT phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng SGK, sách bài tập, xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lâu nay, việc bán SGK kèm sách tham khảo đã khiến nhiều phụ huynh rất bất bình. Băn khoăn chung được đặt ra lâu nay chưa tìm thấy lời giải, đó là làm sao để SGK không phải một cơ hội vàng để “móc túi” phụ huynh học sinh mỗi năm học? Vì sao lại bán kèm sách tham khảo vào các bộ SGK? Phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn, Bộ GDĐT cần rà soát, tinh giản SGK theo hướng thống kê danh mục SGK bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số SGK bắt buộc, thì số sách còn lại, học sinh có thể tham khảo, tùy vào điều kiện cụ thể chọn lựa mua hoặc không mua theo nhu cầu.

Tranh luận tại nghị trường Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng có những ý kiến thẳng thắn về vấn nạn SGK. Bởi hiện nay số lượng đầu SGK cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học là quá nhiều. Trong đó, có những cuốn mang tính chất là sách tham khảo. Nhưng do không có sự hướng dẫn nên nhiều bậc cha mẹ học sinh hoàn toàn không rõ sẽ phải lựa chọn đầu sách nào.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, ai cũng hiểu sách tham khảo không cần phải mua, nhưng nếu có sách này bán thì chắc tất cả phụ huynh sẽ mua cho con bằng bạn bằng bè. Sách tham khảo còn là nguồn lợi rất lớn cho các nhà xuất bản. Các nhà giáo dục kinh nghiệm đã chỉ ra, sách tham khảo trên thế giới chỉ dùng cho thầy cô giáo để làm phong phú thêm bài giảng còn học sinh tiểu học không cần. Vì thế nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường dưới mọi hình thức...

Giá SGK leo thang là một vấn đề đáng ngại. Nhưng quan trọng hơn nữa là, nếu coi SGK là lĩnh vực kinh doanh béo bở, chất lượng giáo dục trong tình trạng “loạn” sách tham khảo sẽ ra sao? Bao lâu nay, phụ huynh tốn kém mua SGK kiểu “bia kèm lạc”, đến bây giờ Bộ GDĐT mới ra Chỉ thị (643) về việc tiết kiệm SGK - dù chậm trễ nhưng còn hơn không. Việc cần làm là phải tăng cường giám sát để việc thực hiện chỉ đạo nói trên đi vào thực chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống lãng phí sách giáo khoa: Phải làm thực chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO