Chống ngập - vẫn đối phó

Thanh Giang 25/08/2018 09:00

Mong muốn giải quyết tình trạng ngập nước trên địa bàn, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố tìm hiểu, phân tích kỹ nguyên nhân từng điểm ngập, rồi chọn phương án chống ngập hiệu quả nhất. Song song giải pháp trên, thành phố kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia vào các dự án chống ngập để công tác này đạt hiệu quả cao.

Chống ngập - vẫn đối phó

Nhiều nơi ở TP HCM ngập nặng mỗi khi mưa to.

Xử lý mang tính dài hơi

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM cho hay, tính đến thời điểm hiện nay, hệ thống cống hiện có chỉ đạt 4.176/6.000km; mới cải tạo được 4 trục tiêu thoát nước chính với chiều dài khoảng 60,3km. Chính vì hệ thống cống không đáp ứng được yêu cầu thực tế nên thành phố thường xuyên rơi vào tình trạng ngập nặng. Xem xét kỹ nguyên nhân thì vấn đề nằm ở chỗ, nhiều dự án chống ngập được xây dựng kế hoạch từ rất lâu, song ở thời điểm hiện nay vẫn chưa phát huy hết tác dụng.

Đơn cử, việc thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020 và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM đã được phê duyệt cách đây từ hơn 10 năm trước, tuy nhiên kết quả thực hiện của hai quy hoạch này chưa cao. Bên cạnh đó, không ít các dự án chống ngập mới được triển khai nhưng ngập vẫn ngập, thậm chí điểm ngập mới liên tục xuất hiện và lan rộng trên địa bàn thành phố. Các chuyên gia trong ngành nhận định, công tác chống ngập của thành phố đang thực hiện theo kiểu đối phó và mang tính mùa vụ. Trũng điểm nào nâng điểm đó, tắc điểm nào nạo vét điểm đó, ngập điểm nào hút điểm đó,…

Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, thành phố hiện nay chưa thật sự có quy hoạch, chiến lược chống ngập tổng thể. Nếu có chiến lược chống ngập buộc phải hướng đến quy hoạch không gian dành cho nước, cải tạo hạ tầng,... Bởi vì, những khu vực ngập nhất thường là khu vực kênh rạch bị lấp, bê tông hóa, hoặc mật độ xây dựng cao.

Ông Vũ Hải - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước và Môi trường TP HCM cho rằng, trong 10 năm qua thành phố chi đến hơn 22.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập. Dự kiến, đến năm 2020 con số này lên đến hơn 120.000 tỷ đồng. Nghĩa là, ngân sách chi cho công tác chống ngập không nhỏ, thế nhưng kết quả không cao, tình trạng ngập nước vẫn diễn ra thường xuyên.

Mong muốn giải quyết tình trạng ngập nước trên địa bàn, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố cần tìm hiểu, phân tích kỹ nguyên nhân từng điểm ngập, kể cả điểm nghập mới phát sinh để có kế hoạch xử lý mang tính dài hơi hơn. Song song đó, các đơn vị phụ trách cùng xem lại hiệu quả ra sao từ đó lựa chọn ra nhưng giải pháp chống ngập hiệu quả nhất áp dụng vào thực tiễn.

Xã hội hóa dự án chống ngập

Chưa thật sự hài lòng về phương án chống ngập của thành phố, một số chuyên gia cho rằng, muốn tập trung giải quyết tốt giải bài toán chống ngập trên địa bàn, thành phố cần tập trung giải quyết 3 vấn đề trọng tâm hiện nay, gồm: chống ngập do triều cường, chống ngập do mưa và xử lý hệ thống cống thoát nước thải.

Với công tác chống ngập do triều cường cần xây đập ngăn triều cường kiểu mới thông minh tại cửa sông Soài Rạp, xây dựng tuyến đê bao phía trái đập nối với Quốc lộ 50 hoặc sử dụng đường hiện hữu Quốc lộ 50 – phà Vàm Láng làm đê bao. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên lập biểu đồ về tính toán cường độ mưa, thay cho các biểu đồ cũ đã lập cách đây hơn 20 năm. Đây được xem là một phần giải pháp để chống ngập do mưa.

Cùng với đó, thành phố cần thay hệ thống cống mới với đường kính lớn hơn hoặc dùng van ngăn triều cường kết hợp với trạm bơm cục bộ bơm nước ra sông, thay thế các hố ga thu nước hiện nay bằng các hố ga cải tiến ngăn rác bảo đảm thoát nước. Bàn về giải pháp ngập do mưa, Trung tâm công nghệ Môi trường (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đưa ý tưởng, xây dựng hồ thu trữ nước mưa, bổ sung công trình tại các cửa xả cho một số hệ thống cống thoát nước.

Không chỉ dừng lại các bước phân tích nguyên nhân, đi tìm giải pháp, thành phố đang cố gắng tìm vốn cho các dự án chống ngập. Hiện thành phố đang thiếu hụt khoảng 73,3/96,3 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư. Với mức trên, ngân sách thành phố chỉ đảm bảo cân đối khoảng 16.338 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 588 tỷ đồng. Phần còn lại, thành phố kêu gọi nguồn xã hội hóa (PPP) 20.283 tỷ đồng, vận động nguồn ODA (kết hợp PPP) 36.132 tỷ đồng. Nghĩa là, ngoài vốn ngân sách chi, thành phố muốn kêu gọi các nhà đâu tư tham gia dự án chống ngập của thành phố. Theo kế hoạch, để giải quyết bài toán thiếu vốn cho các dự án chống ngập TP.HCM mời gọi đầu tư 17 dự án thuộc lĩnh vực chống ngập và xử lý nước thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống ngập - vẫn đối phó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO