Chống ngập vẫn ngập, vì sao?

H.Vũ 19/08/2020 08:30

Cơn mưa lớn chiều 17/8 đã khiến nhiều tuyến phố trung tâm Thủ đô ngập nặng. Tình trạng ngập úng tại Hà Nội vẫn đang rối “như tơ vò” dù đã được đầu tư công trình dự án thoát nước Hà Nội với tổng kinh phí lên tới 650 triệu USD. Vậy “nút thắt” ở đâu?

Nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội bị ngập chỉ qua một trận mưa, chiều 17/8. Ảnh: Quang Vinh.

Còn 12 điểm ngập

Điệp khúc “Hà Nội cứ mưa là ngập” đã khiến người dân Thủ đô ngán ngẩm. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu HĐND TP. Hà Nội đề cập thường xuyên tại các kỳ họp. Thế nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Vấn đề ngập của Hà Nội đã trở thành kinh niên, kéo dài từ năm này qua năm khác, nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.

Thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho thấy: Tổng lượng mưa đo tại Hà Nội từ chiều tối ngày 17/8 đến 7h00 ngày 18/8 tại các khu vực như quận Hoàn Kiếm là 142,6 mm, quận Ba Đình là 121,3 mm, quận Hai Bà Trưng là 110,2 mm. Vì vậy, từ sáng sớm, Công ty Thoát nước Hà Nội đã bố trí công nhân tổ chức thu dọn vệ sinh các miệng thu, các tấm chắn vật cản và tập trung vận hành bơm, hạ mực nước trên hệ thống sông, hồ điều hòa chính để chuẩn bị sẵn sàng đón các trận mưa. Thế nhưng, giải pháp tạm thời đó đã không giải quyết được vấn đề ngập úng. Những tuyến phố lớn của Thủ đô vẫn chìm sâu trong nước vào đúng giờ tan tầm.

Hay như trước đó, trận mưa ngày 5/8 kéo dài nhiều giờ khiến những con đường như Nguyễn Quý Đức, Lương Thế Vinh, Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), đường Thái Hà, ngã tư Láng Hạ (quận Đống Đa)... ngập sâu trong nước. Nhiều phương tiện đã bị chết máy, người tham gia giao thông buộc phải dắt xe lội nước trong sự tắc nghẽn của giao thông.

Theo tính toán của Sở Xây dựng, hiện nay khu vực nội thành Hà Nội còn tồn tại 12 điểm úng ngập. Trong đó có 6 điểm không giảm được ngập úng gồm: Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành-Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long.

Ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, hệ thống thoát nước tại các quận nội thành Hà Nội có diện tích 300km2.

Với cường độ mưa năm nay trong khoảng từ 50-100mm/2h các tuyến phố chính vẫn tồn tại 12 điểm úng ngập. Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2h sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.

Trận mưa chiều 17/8 khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập nặng. Ảnh: Quang Vinh.

Quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn

Sau khi đi khảo sát hệ thống thoát nước các tuyến phố trong nội thành Hà Nội, trao đổi với PV Đại Đoàn kết, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng: Ngập của Hà Nội là vấn đề hiện hữu nhưng nguyên nhân chung là bài toán quy hoạch đô thị của Thủ đô còn nhiều bất cập.

Ông Tứ đưa ra dẫn chứng: “Vừa qua chúng ta đã lát toàn bộ vỉa hè kín mít bằng đá hoa cương. Đây có thể nói là một cách nhìn... thiếu tầm nhìn. Đô thị của Hà Nội là đô thị cổ, do đó cần phải dùng những vật liệu hút nước để tăng cường độ thấm. Nghĩa là các dãy phân cách, đá lát vỉa hè có rãnh mở, và cây cối là chỗ hấp thụ nước khi mưa xuống. Tuy không góp phần giảm tất cả nhưng cũng giảm đi một phần lượng nước. Đằng này, lát bằng đá kín mít thì nước ngấm vào đâu”.

Theo ông Tứ, tại một số nước, các khu trung tâm thương mại phải có khu vực dự trữ nước tạm thời trên mái nhà. Sau khi tạnh mưa thì bắt đầu xả xuống. Đó là giải pháp của các đô thị thông minh. Chưa kể tăng lượng dự trữ nước tạm thời trong các hồ chứa nội đô và khu vực xung quanh đô thị để làm giảm áp lực cho nội đô. “Trong khi đó, đô thị của ta trong quá trình xây dựng lại chắn các hệ thống thoát nước, cống hóa nên trong đô thị chịu cảnh ngập nước. Nếu cống hóa mặt đường thì phải tính lưu lượng nước đó phải được thải đi đâu?”-ông Tứ nêu vấn đề.

Đồng quan điểm này, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, các khu vực đất trống có thể thẩm thấu nước sau khi mưa cùng các hồ điều hòa đang dần bị thu hẹp, bị bê tông hóa cao, từ đó khiến hệ thống thoát nước bị quá tải.

Ảnh: Quang Vinh.

Làm “sống” lại các con sông

Đưa ra giải pháp chống ngập trong đô thị, ông Tứ cho rằng phải “làm sống” lại các sông của đô thị. “Hiện hệ thống thoát nước của Hà Nội cực kỳ tệ, vậy làm sao mà thoát được nước? Làm sao tránh được ngập? Đứng ngay cạnh sông Tô Lịch mà nước từ miếng cống không chảy được vào sông nên phố Kim Ngưu vẫn ngập mênh mang. Lát đá hoa cương kín mít vậy nước thoát đi đâu? Cho nên phải tùy từng chỗ mà kiên cố hóa vỉa hè. Đồng thời phải có hệ thống thoát nước, và hệ thống trạm bơm để hút nước ra sông”-ông Tứ nói.

Còn theo ông Đào Ngọc Nghiêm, cần phải có những phương tiện cơ động để giải quyết úng ngập cục bộ. Về lâu dài cần xem xét điều chỉnh bổ sung dự án thoát nước bởi lượng mưa của Hà Nội đã vượt quá mức tính toán, trong dự án này cần chú trọng đến gia tăng các trạm cuối nguồn. Đồng thời chú trọng kết nối với các khu dân cư và hệ thống thoát nước nhỏ, xem xét lại hệ thống giải quyết nước thải sinh hoạt, tránh gây ra ách tắc cho hệ thống cống nguồn.

Ông Nghiêm cũng cho rằng cần phải chú trọng đến việc điều hòa nước do hiện nay có hơn 100 hồ trong nội thành nhưng diện tích thoát nước bị lấp đi rất nhiều. Những hồ này cần thường xuyên được nạo vét, làm sạch để nâng cao hiệu quả thẩm thấu và điều hòa.

Có công trình chống ngập nhưng vẫn ngập

Năm 2000, UBND TP.Hà Nội phê duyệt dự án thoát nước Hà Nội với mục tiêu chống ngập cho các quận nội thành nằm trong lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 550 triệu USD. Theo tiến độ, đến 2005 dự án sẽ hoàn thành. Tuy nhiên do triển khai chậm, ngoài đội vốn thêm gần 100 triệu USD nên đến cuối năm 2016 dự án mới hoàn thành (chậm 12 năm). Và từ đó đến nay, dù mưa lớn hay nhỏ, đường Hà Nội vẫn ngập nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống ngập vẫn ngập, vì sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO