Chống oan sai

Kiên Long 12/08/2016 09:00

Hôm qua (11/8), các cơ quan tư pháp Trung ương đã tổ chức buổi công bố Quyết định đình chỉ điều tra bị can, đồng thời công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm (ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh)- người tử tù với vụ án oan kéo dài hơn 45 năm. Từ những vụ án oan như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén…và nay là vụ Trần Văn Thêm cho thấy có một thời cơ quan công tố có nhiều vấn đề và việc cải cách tư pháp hiện nay đã có những bước tiến mới. Tuy nhiên để thực sự chống oan sai, còn nhiều vấn đề

Chống oan sai

Từ năm 2014, Báo Đại Đoàn Kết vào cuộc lên tiếng về vụ án Trần Văn Thêm.

Câu chuyện ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đã phải trải qua 3.686 cái “ngàn thu”, hay vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) 17 năm ngồi tù...với những bản án chung thân về tội giết người đã làm xôn xao dư luận những năm qua. Người ta đã những tưởng với vụ ông Chấn, ông Nén chỉ là hy hữu, nhưng rồi với vụ Trần Văn Thêm, không chỉ “chung thân”, mà còn là “tử hình” thì lại càng lạ hơn. Đúng là lạ, bởi ông Thêm chỉ là trường hợp đặc biệt, khi có thể không ít trường hợp trước đó bị tuyên án tử, dù có oan thì cũng đã xanh cỏ rất lâu rồi.

Để lập lại cán cân công lý, công bằng cho người vô tội, phải nói trước hết là sự kiên trì, bền bỉ của người thân trong gia đình người bị oan, sự vào cuộc của báo chí, luật sư... Đồng thời đó là sự đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, công tâm, vì dân của các cơ quan chức năng, kết quả của việc cải cách tư pháp. Như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, chỉ gần 4 tháng sau khi nhận đơn tố giác của gia đình ông Chấn (ngày 9/7/2013), với sự khẩn trương vào cuộc của Cục Điều tra VKSND Tối cao và các cơ quan liên quan, hung thủ vụ án đã phải ra đầu thú... Còn với vụ Trần Văn Thêm, từ sự tìm tòi nêu ra các tình tiết mới của luật sư, của báo chí (nhất là Báo Đại Đoàn Kết), năm 2015 VKSNDTC, TANDTC đã khẩn trương vào cuộc tìm chứng cứ để có cơ sở tuyên ông Thêm vô tội, trả lại công bằng cho người bị oan.

Pháp luật bình đẳng với mọi công dân. Có công được thưởng, có tội phải chịu hình phạt. Với người phạm tội, quy trình giải quyết đều đã được quy định rõ, yêu cầu suy xét có lý, có tình, đặc biệt với các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như phạm tội giết người. Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự là một trong những bộ luật được xây dựng sớm, liên tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh, để làm sao hạn chế thấp nhất tình trạng oan sai. Chính sách, pháp luật là vậy, nhưng còn người thực hiện. Việc sai sót, oan sai cũng khó tránh khỏi do trình độ, do bất khả kháng, tuy nhiên, tiếc thay, không ít những vụ án sai sót lại do người có trách nhiệm thiếu trình độ, trách nhiệm, thiếu công tâm, vô cảm với người dân, chưa nói đến chuyện vị thân, vì tiền, lòng tham mà bẻ cong công lý

Với vụ án Nguyễn Thanh Chấn, như chính kháng nghị của VKSNDTC nêu, việc hai phiên tòa quy kết ông Chấn có hành vi giết người là chưa đủ cơ sở. Từ lời khai ban đầu và các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, trong tù ông Chấn đều không nhận tội, luôn kêu oan. Còn vụ án Trần Văn Thêm, sự thật đã tỏ khi kẻ thủ ác đã bị bắt, đã nhận, việc oan khuất của ông Thêm đã rõ. Tuy nhiên, người ta vẫn vin vào chứng lý, trong khi cái chứng lý này là do chính trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Chẳng ai giúp được người dân từ chính tấm lòng, tinh thần trách nhiệm của các cán bộ công quyền.

Công cuộc cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều bước tiến mà điển hình là những vụ án như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm đã được làm rõ, trả lại công bằng cho người vô tội. Nhiều hạn chế, bất cập, sai phạm trước đó đều đã từng bước được khắc phục, xử lý. Từ hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung cho đến vụ việc cụ thể. Tuy nhiên nhiều vấn đề nằm trong những nội dung của cải cách tư pháp, pháp luật nói chung đến pháp luật hình sự nói riêng rất cần tiếp tục được nhấn mạnh chỉnh sửa, thực hiện. Từ khâu điều tra cho đến xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vụ án ông Chấn, ông Nén, ông Thêm và nhiều vụ án khác, cái sai đều bắt nguồn từ việc nhục hình, bức cung. Mặc dù pháp luật hình sự cùng nhiều quy định khác của các ngành đã chấn chỉnh, đề ra những biện pháp như lắp camera, cho luật sư tham gia từ khi điều tra…nhưng liệu đã khắc phục được tình trạng một số cán bộ điều tra nôn nóng, hạn chế về trình độ, vì động cơ cá nhân? Với yêu cầu của cải cách tư pháp, nguyên tắc khi xét xử cần đặc biệt lưu ý nguyên tắc suy đoán vô tội. Làm sao hạn chế kiểu trả lời như của ông Nguyễn Minh Năng, nguyên vị chủ tọa phiên tòa xử sơ thẩm vụ án ông Chấn năm 2004, rằng: “Dựa trên chứng cứ, tài liệu vụ án”, hay của bà Tạ Thị Minh Tâm, xử vụ ông Thêm, cũng rằng “Căn cứ vào các chứng cứ trong hồ sơ vụ án và bị cáo Trần Văn Thêm đã nhận tội” để tuyên thì cũng chỉ là kiểu xét xử máy móc, vô cảm mà thôi.

Lại nữa, nhiều chục năm trời ông Chấn, ông Nén, ông Thêm kêu oan, nhưng đã thực sự có những ai tận tâm ngồi lắng nghe, tìm tòi để thấu hiểu những nỗi oan ấy? Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ trong lĩnh vực hình sự mà nhất là lĩnh vực dân sự còn phải bàn nhiều. Nhiều năm qua, khiếu nại, tố cáo vẫn phức tạp, nan giải với số người đông, nhiều vụ việc kéo dài. Trong số hàng nhiều trăm ngàn vụ việc kia có không ít những vụ việc oan sai? Việc oan sai ấy để giải quyết được triệt để lại đòi hỏi cán bộ, cơ quan có trách nhiệm có tấm lòng, có trình độ, không ngại gian khổ để lắng nghe, thấu hiểu, xem xét, giải quyết có lý, có tình.

Hiến pháp năm 2013 đã chỉ rõ: Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Gần 3 năm qua, thực hiện theo Hiến pháp mới, công tác cải cách tư pháp đang được các ngành, các cấp triển khai tích cực. Từ hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp, cho đến cơ cấu tổ chức…Và rồi, từ những vụ án như trên cho thấy, càng cần chú trọng đến công tác cán bộ, con người. Để chống oan sai, việc đảm bảo nguyên tắc khách quan khi điều tra, độc lập trong xét xử; tranh tụng tại tòa, phát hiện kịp thời…cần có các kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, công an, nhà báo…“tiêu biểu”, “mẫu mực”, có tầm, có tâm, hết lòng vì công pháp, vì dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống oan sai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO