Chống tham nhũng

Hoài Vũ 24/02/2017 07:00

Hôm qua (23/2) Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2016 và quán triệt, triển khai Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị, cùng với một tối hậu thư “Đảng quyết tâm chống tham nhũng trong thời gian tới”, trong không khí dư luận đồng loạt bày tỏ vững tin trước sự cương quyết, quyết tâm của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng. Trước đó một ngày, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về Kỳ họp thứ 11, trong đó kết luận xem xét kỷ l

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2008 -2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát; để xảy ra các vi phạm trong công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận thay đổi đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh địa điểm xả thải và quản lý nhà nước đối với Dự án Formosa Hà Tĩnh.

Còn Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ 2004 -2011, 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện Dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với Dự án Formosa Hà Tĩnh.

Và cùng ngày (22/2), Tòa án Nhân dân Hà Nội cũng đưa ra phán quyết cấp sơ thẩm đối với vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines). Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Văn Liêm tử hình, bị cáo Giang Kim Đạt tử hình, bị cáo Trần Văn Khương tù chung thân về tội Tham ô tài sản.

Hai sự việc trên rõ ràng thể hiện: Một là, sự cương quyết của Đảng trong đấu tranh với giặc nội “không có vùng cấm”. Hai là, sự trừng phạt đích đáng của pháp luật đối với những “con sâu mọt” đang làm “rầu nầu canh” của đất nước. Việc làm trên một phần nào đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân khi họ luôn chờ đợi vào những “việc làm cụ thể”, “nói ít làm nhiều”.

Đó cũng là sự mong mỏi của nhân dân khi công cuộc phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đặt ra là sự thiếu niềm tin của nhân dân, ở nơi này nơi khác; lúc này lúc khác vào quyết tâm chính trị chống tham nhũng của chúng ta.

Khi trong thực tế dù có “cả rừng pháp luật” song trong 10 năm cả nước thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất nhưng… số tiền đã thu hồi cho Nhà nước là 4.676 tỷ đồng và trên 219 ha đất, nghĩa là chưa bằng 1/10 số tiền phát hiện.

Mà, số tiền thất thoát ấy có sự “góp công” của 918 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan đơn vị, tổ chức do mình trực tiếp quản lý, phụ trách.

Số người bị xử lý hình sự 118 trường hợp, xử lý kỷ luật 800 trường hợp.Đây có lẽ là điều mà nhiều người dân khó chấp nhận trong khi tham nhũng ngày càng ăn sâu tới mức tham nhũng vặt đã tràn làn, tham nhũng lớn ngày càng nghiêm trọng.

Không chấp nhận nên nhân dân mong mỏi chờ đợi các cơ quan chức năng trả lời những câu hỏi: Tại sao cán bộ giàu bất thường một cách nhanh chóng? Lấy tiền ở đâu mà xây nhà mua xe trong khi tiền lương mới đáp ứng 2/3 yêu cầu của cuộc sống?

Năm 1950 khi cách mạng mới giành được chính quyền không lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy sự cương quyết của mình trong việc trừng trị tệ tham nhũng khi bác đơn kiến nghị của tử tù và yêu cầu y án đối với Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn do can tội: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”.

Vụ án được phát hiện từ bức thư của nhà thơ Đoàn Phú Tứ, đại biểu Quốc hội khóa 1 gửi Hồ Chủ tịch. Nội dung bức thư tố cáo viên Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu đã có nhiều hành vi gây bất bình trong anh em quân đội. Châu đã giở trò ăn cắp công quỹ, cứ mỗi cái màn cấp cho bộ đội thì Châu ăn bớt 2 tấc vải xô, nên cứ ngồi lên là đầu chạm đỉnh màn. Còn áo trấn thủ, Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào, nhiều người biết đấy nhưng không dám ho he.

Sau khi làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp để xem xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi: Lý do tại sao cây xoan sắp chết? Đồng chí Ninh đáp: “Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa”.

Rồi Bác hỏi tiếp: “Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?”. Đồng chí Ninh đáp lại: “Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi”. Bác gật đầu và nói: “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Và Bác Hồ nói dứt khoát: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.

Sự cương quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thời điểm chính quyền mới giành được, còn non trẻ, đang phải chống lại “giặc ngoại xâm” nhưng Bác đã quyết tâm loại bỏ loài sâu mọt ăn chặn tiền quân nhu, mà thực chất là tiền của dân.

Bài học đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là điều mà các cấp ủy Đảng cần nhớ tới trong bối cảnh điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm vẫn còn kéo dài, số vụ còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu, mong đợi của nhân dân.

Hôm qua tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2016, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã nhắc đến việc tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy Đảng bằng việc thường xuyên kiểm tra, thanh tra; sinh hoạt tổ chức Đảng phải có chương trình về phòng chống tham nhũng để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ đảng viên. Và theo ông “điều quan trọng là xây dựng cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực”.

Hay nói như Trưởng Ban Nội chính tỉnh An Giang Hồ Viết Hiệp tiếp lời ngay sau đó: Chúng ta mới xử lý là chính chứ chưa có nhiều biện pháp phòng ngừa, trong khi đó là “gốc gác”. Vì sao tham nhũng không ngăn chặn được vì nguyên nhân căn cơ là gốc của tham nhũng do tha hóa về quyền lực, quyền lực dân giao cho rồi nhưng lại lợi dụng cho lợi ích riêng. Muốn ngăn ngừa phải nhốt quyền lực trong lồng bằng thể chế bằng pháp luật, hệ thống pháp luật kín kẽ để không thể tham nhũng, còn khi xảy ra rồi phải xử lý nghiêm”.

Và hôm qua, ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương đã đưa ra cam kết: “Năm 2017 Ban Nội chính Trung ương sẽ tham mưu đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, tập trung thanh tra, kiểm tra kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng lãng phí như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư theo các hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ. Tham mưu chỉ đạo thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong các dự án đang được dư luận xã hội quan tâm”.

Nhân dân mong chờ những quyết tâm của Đảng sẽ được các cán bộ đảng viên hiện thực hóa một cách quyết liệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO