Chống tham nhũng đi cùng xây dựng bộ máy

Nam Việt 29/12/2018 08:00

“Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thì từ chỉ đạo mang tính định hướng của Đảng đến những công tác lập pháp mang tính cụ thể của Nhà nước sẽ đồng bộ, thống nhất và đẩy nhanh được quá trình cải cách thể chế của nước ta, cũng như đẩy mạnh PCTN”, theo ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Chống tham nhũng đi cùng xây dựng bộ máy

Ngày 8/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội.

1. Ngay sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Chủ tịch nước, ông Vũ Quốc Hùng- nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, ông không bất ngờ với kết quả này.

“Với năng lực đã được chứng minh thời gian dài, tôi tin Tổng Bí thư sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Tôi cho rằng sự tín nhiệm của Trung ương Đảng thể hiện kỳ vọng của người dân cả nước. Qua thăm dò ý kiến của dư luận xã hội, người dân rất đồng tình ủng hộ”- ông Hùng nói, đồng thời bày tỏ hy vọng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), xử lý “lợi ích nhóm”, “vây cánh thân hữu”…

Còn ông Phạm Tất Thắng- Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhấn mạnh rằng thời gian qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chống tham nhũng. “Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thì từ chỉ đạo mang tính định hướng của Đảng đến những công tác lập pháp mang tính cụ thể của Nhà nước sẽ đồng bộ, thống nhất và đẩy nhanh được quá trình cải cách thể chế của nước ta, cũng như đẩy mạnh PCTN”- ông Thắng nói.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí- nguyên Giám đốc Viện Huyết học - Truyền máu trung ương bày tỏ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là người có bản lĩnh chính trị cao, có gốc rễ bền chặt, bởi vì xuất phát là một người làm công tác nghiên cứu lý luận của Đảng. Rồi sau đó, ông trở thành một nhà lãnh đạo có thực tiễn, kinh qua những vị trí rất cao cấp và then chốt của Đảng và của đất nước. Vì thế ông sẽ đẩy nhanh được quá trình cải cách thể chế của nước ta, cũng như đẩy mạnh PCTN.

Như vậy, kỳ vọng vào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong việc đấu tranh PCTN, cải cách thể chế, thúc đẩy sự phát triển của đất nước là hết sức lớn lao. Và điều đó đã và đang trở thành hiện thực, khi cuộc chiến PCTN ngày càng quyết liệt, đi vào chiều sâu; cũng như việc cải cách trên nhiều lĩnh vực được đẩy nhanh, kinh tế đất nước phát triển, ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

2. Cần khẳng định rằng, chủ trương PCTN, tuyên chiến với tham nhũng của Đảng trong suốt thời gian qua ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn. Qua hàng loạt vụ án, hàng loạt “nhân vật cộm cán” bị thi hành kỷ luật (cả về Đảng lẫn chính quyền), bị đưa ra xét xử, bị vào tù- đã cho thấy cuộc chiến PCTN, làm trong sạch bộ máy là không có vùng cấm. Tới nay, đã không còn tồn tại suy nghĩ “đánh” tham nhũng chỉ giống như “tắm từ vai trở xuống”. Bất cứ đối tượng vi phạm pháp luật nào, đối tượng hại dân hại nước nào cũng đều phải chịu kỷ luật Đảng, sự phán xét của pháp luật.

Nhìn lại những gì diễn ra trong năm 2018, mọi người cùng thấy rằng, năm 2018 chính là năm cuộc chiến PCTN rất nóng.

Ngày 10/11/2018, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tổ chức cuộc họp, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng- Trưởng ban Chỉ đạo. Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo ghi nhận, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã nỗ lực, cố gắng, huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành cơ bản đúng tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc. Đã khởi tố mới 13 vụ án; kết thúc điều tra và điều tra bổ sung 15 vụ/209 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ/239 bị can; xét xử sơ thẩm 20 vụ/181 bị cáo, với các mức án nghiêm minh, có tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa cao.

Nhất là, từ sau cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 27/4/2018 đến nay: Đã kết thúc điều tra 11 vụ án/151 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/193 bị can, đưa ra xét xử sơ thẩm 13 vụ án/121 bị cáo, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như vụ Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm; vụ án xảy ra tại Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Novaland 79 (Vũ “nhôm”); vụ án xảy ra tại các ngân hàng VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV; vụ án xảy ra tại PVTEX và các đơn vị liên quan; vụ án liên quan đến Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam...

Đáng chú ý, tại phiên họp này, các vụ án được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý đều được cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, được dư luận đồng tình cao.

Trong đó có thể kể đến việc truy tố, đưa ra xét xử: Vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương- liên quan tới 2 tướng ngành Công an.

Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á - DAB, trong đó Vũ “nhôm” tiếp tục bị xét xử. Khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone và các đơn vị có liên quan.

Tuy đạt được nhiều kết quả, song Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo vẫn tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, phối hợp tốt hơn, để đến hết năm 2018 kết thúc điều tra 8 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 3 vụ án; xét xử sơ thẩm 2 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh 33 vụ việc theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Chống tham nhũng đi cùng xây dựng bộ máy - 1

Quang cảnh Hội nghị cán bộ toàn quốc, ngày 23/11/2018.

3. Trước thời điểm trên, ngày 25/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN tổ chức hội nghị toàn quốc. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cuộc chiến chống giặc nội xâm đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt. Hội nghị không chỉ động viên, khích lệ tinh thần, mà phải bàn những công việc thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN mà nhân dân hết sức quan tâm, hy vọng và chờ đợi.

Còn nhớ, ngay sau Đại hội XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện quyết tâm đẩy lùi tham nhũng bằng hàng loạt chỉ đạo xử lý kiên quyết, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, có cán bộ cấp cao. Với vụ Trịnh Xuân Thanh, khi tiếp xúc cử tri (tháng 12/2016) người đứng đầu Đảng ta đã tuyên bố bắt bằng được vì đây chính là mắt xích quan trọng của đường dây tội phạm tham nhũng.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tháng 2/2017, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh: “Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Còn tại phiên họp thứ 12 Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN (ngày 31/7/2017), Tổng Bí thư cho biết, đấu tranh PCTN đã trở thành phong trào, thành một xu thế.

Với Đảng, công tác cán bộ là cực kỳ quan trọng. Nếu không làm trong sạch được bộ máy, thì nguy cơ sẽ rất lớn. Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (ngày 11/10/2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, từng Ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, không để tay nhúng chàm.

Tại Hội nghị Trung ương 8, phát biểu bế mạc Hội nghị (chiều ngày 6/10/2018), Tổng Bí thư cho biết: Sau khi xem xét các Tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương nhằm góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

“Trung ương nhấn mạnh, nếu gần 200 Uỷ viên Trung ương khoá XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan toả rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị này, BCH Trung ương cũng đã xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Bắc Son- nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT bằng hình thức cách chức Uỷ viên BCH Trung ương khoá XI và Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ TTTT nhiệm kỳ 2011-2016; kỷ luật ông Trần Văn Minh- nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

Tính nghiêm minh của Đảng trong đấu tranh PCTN thể hiện tại Hội nghị 8, là sự tiếp nối của những Hội nghị trước đó. Nếu tính riêng trong năm 2018 thì chính là Hội nghị Trung ương 7, bế mạc ngày 12/5. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.

Tổng Bí thư lưu ý, phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vấn đề cán bộ và công tác cán bộ - một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến con người, xây dựng con người, rất khó, phức tạp và hệ trọng.

“Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”- Tổng Bí thư nói.

Muốn có đội ngũ cán bộ chiến lược tốt, BCH Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm.

4. Năm 2018, trong những cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng luôn nói về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ cùng với cuộc đấu tranh PCTN.

Sáng 24/11, tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình (Hà Nội), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói: “Cử tri cứ yên tâm, không bao giờ có chuyện chùng lại, mệt mỏi, nhụt chí. Tôi đã nói ai nhụt chí thì đứng sang một bên, nhưng quan trọng trong cách làm phải có biện pháp chứ không phải cứ hăng hái là được. Trung ương không bao giờ nhụt chí, lòng dân đang lên như thế, ngay cả quốc tế cũng phải thừa nhận và đánh giá cao”. Chú trọng xử lý những vụ án lớn, nhưng cũng không “quên” những thoái hóa, biến chất “nhỏ lẻ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói: “Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất khó chịu, cửa nào cũng phải tiền, không tiền không trôi từ xin giấy học, nếu không có bôi trơn thì cứ ngâm đấy là rất khó chịu, và dẫn đến hư hỏng cán bộ”.

Công tác cán bộ phải vừa xây vừa chống, không xem nhẹ vế nào, cũng không làm cái này trước cái kia sau mà phải tiến hành đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Trước đó, ngày 29/11/2017, tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Ba Đình và Hoàn Kiếm (Hà Nội), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, công tác PCTN thời gian qua đã có nhiều cố gắng, được triển khai hiệu quả, bài bản hơn, tuy nhiên so với yêu cầu thì vẫn còn nhiều việc phải làm. “Không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp. Như tôi đã nói là phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp. Giao cho anh quyền thì cũng phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn làm”.

Cũng về công tác xây dựng đội ngũ, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 sáng 7/5/2018, người đứng đầu Đảng ta đã nêu một loạt câu hỏi cần trả lời cho được về công tác cán bộ. Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Trung ương phải trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp. Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, ở cấp nào? Khâu đột phá là khâu nào? Đánh giá cán bộ hay sắp xếp, bố trí cán bộ? Khắc phục tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu”? Chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực hay coi trọng cả hai? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?

Thời gian đã đủ để chứng minh chủ trương của Đảng, quyết tâm sắt đá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đấu tranh PCTN, làm trong sạch bộ máy; cũng như quyết xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ trong sạch, hết lòng vì nước vì dân, đủ tâm đủ tài để đưa đất nước đi lên.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu 2 năm 2016-2017, “lò” đã nóng thì năm 2018, “lò rừng rực lửa”. Và sang năm 2019, cuộc đấu tranh PCTN sẽ càng tăng độ nóng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đất nước sẽ có được một đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên. Vì rằng, nếu những kẻ thoái hóa biến chất vẫn còn trong đội ngũ thì những người tài đức sẽ không có chỗ để đóng góp sức mình cho Đảng, cho Nước, cho Dân.

* Tại cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng, sáng 10/4/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thực tế cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại, chỉ có lo xây dựng Đảng, lo PCTN sẽ làm nhụt chí, mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm.

* Ngày 28/12/2017, dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những kẻ tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn. Tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tham nhũng đi cùng xây dựng bộ máy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO