Chống tham nhũng: Không ' giơ cao đánh sẽ'

Hoàng Mai 14/06/2017 08:15

Muốn huy động được sức mạnh của nhân dân cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Và, câu hỏi được Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đặt ra là: Chúng ta đã thực sự có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát chưa?

Tranh minh họa.

1. Mở đầu năm 2017, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ án tham nhũng lớn, có tính chất nghiêm trọng được đưa ra xét xử công khai với những bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo. Điều đó cho thấy không chỉ sự nghiêm túc trong công tác xét xử; mà còn cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng đã có những kết quả ban đầu. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phanh phui. Nhiều tội phạm tham nhũng đã được đưa ra trước vành móng ngựa.

Từ những vụ án đã được đưa ra xét xử gần đây, cử tri và nhân dân cũng đã bước đầu lấy lại niềm tin vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đây có lẽ cũng là những bước đi cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Theo đó, Tổng Bí thư chỉ đạo, cho đến hết năm 2016 và Quý I năm 2017 sẽ đưa 6 vụ án tham nhũng nghiêm trọng ra xét xử. Thế nhưng, do mới chỉ là những kết quả ban đầu nên đương nhiên chưa đạt đến sự mong đợi của dư luận nhân dân. Đây là một đòi hỏi và cũng là một thách thức cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, thực thi pháp luật trong công tác phòng chống tham nhũng. Bản thân báo cáo của Chính phủ khi đánh giá về chặng đường vừa qua trong công tác phòng chống tham nhũng cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến và tính chất rất nghiêm trọng.

Nghiêm trọng là thế nên nếu không sớm được đẩy lùi thì tham nhũng thực sự là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, làm lòng dân không yên. Tham nhũng cũng sẽ làm kiệt quệ ngân khố quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước, xâm phạm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh đã nói như thế khi phân tích về những nguy cơ lớn mà “con bệnh” tham nhũng đã và đang làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của xã hội ta.

2. Thời gian gần đây, khi nói đến tham nhũng, nhiều người thường chua xót nhắc đến trường hợp của Trịnh Xuân Thanh và những “di sản” mà nhân vật này để lại cho một trong những ngành công nghiệp quan trọng của đất nước. Mới đây nhất, Trịnh Xuân Thanh đã bị khởi tố vắng mặt với tội danh tham ô trong vụ án Thanh Hà- Cienco 5. Bốn đồng phạm khác của Thanh ở Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí (PVP Land) cũng bị khởi tố với cùng tội danh của Trịnh Xuân Thanh.

Những đồng tiền đã làm tha hóa và làm hỏng nhiều cán bộ của ta ở nhiều thế hệ khác nhau. Trịnh Xuân Thanh chỉ là một mắt xích trong đường dây tham nhũng mà nói như ông Mai Sỹ Diễn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa thì: “Người tham nhũng là cán bộ có chức, có quyền, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi”. Hay như, câu chuyện kẽ hở trong chính sách cổ phần hóa được nói đến nhiều trong vài tháng gần đây cho thấy, trước một chủ trương rất đúng đắn, nhưng đã bị lợi dụng triệt để. Sự lợi dụng này có nguyên nhân từ những lỗ hổng rất lớn trong chính sách mà chúng ta chưa có bộ lọc và chưa có sự kiểm soát kịp thời các lỗ hổng chính sách ấy. Trong khi, mánh khóe, thủ đoạn của những người cố tình làm thất thoát tài sản Nhà nước thì quả thực rất tinh vi.

Cũng nói về những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhưng Phó Chủ tịch thường trực CLB Thăng Long, Dương Ngọc Sơn đã bày tỏ đồng thuận khi cho rằng, việc xử lý của chúng ta tuy nghiêm nhưng cũng chưa thực sự mạnh; nhất là những vụ án mà nhân dân đang mong chờ. “Những chế tài phải hết sức cụ thể, những gì nghiêm trọng, rõ ràng phải xử lý cho nghiêm. Bởi trong tham nhũng còn có lợi ích nhóm. Từ vụ Trịnh Xuân Thanh hay các vụ án lớn khác cho thấy đó là do có lợi ích nhóm, vậy nó nằm ở đâu? Cho nên công tác cán bộ hết sức quan trọng là như vậy” - ông Dương Ngọc Sơn nói.

3. Nói đến chuyện tham nhũng, lãng phí, vào cuối năm 2016 đầu năm 2017, dư luận đã “tá hỏa” khi phát hiện thêm nhiều dự án của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư hàng ngàn tỷ phải chịu cảnh đắp chiếu như xơ sợi Đình Vũ, đạm Ninh Bình, thép Thái Nguyên, Ethanol Dung Quất, bột giấy Phương Nam… Vấn đề là ở chỗ, đầu tư rất đúng quy trình nhưng nguyên nhân đắp chiếu thì giải thích rất đơn giản, do công nghệ lạc hậu, do xa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, do nguyên liệu không phù hợp với công nghệ. Những dự án chưa làm đã biết không hiệu quả này sớm muộn thì Chính phủ cũng phải trả nợ thay, vì đơn giản đó là doanh nghiệp của nhà nước. Phải chăng đó chỉ là trình độ quản lý kinh tế yếu kém, nay xin rút kinh nghiệm?

Dư luận đã không khỏi băn khoăn khi đặt câu hỏi này; là bởi, nhiều vụ án tham nhũng ngàn tỷ được xét xử công khai với những bản án khá nghiêm khắc đã làm nức lòng nhân dân; nhưng lại chưa khiến những kẻ gây ra tham nhũng ở ngành khác, địa phương khác mà “chưa bị lộ” cảm thấy chùn bước.

Phân tích tại sao kẻ gây tham nhũng vẫn chưa chịu chùn bước, ông Dương Ngọc Sơn cho rằng, đó là vì, “Chế tài trong công tác phòng chống tham nhũng chưa nghiêm nên chưa nâng cao được công tác phòng chống tham nhũng. Đây là vấn đề đáng lưu ý, tham nhũng chúng ta làm tích cực nhưng chưa có chuyển biến mạnh là do chế tài chưa đủ mạnh, cho nên cần có chế tài xử lý nghiêm hơn nữa. Có những vụ đáng lưu ý như công khai và kê khai tài sản, vậy kê khai nhưng kiểm soát thế nào? Ai kê khai sai, ai kê khai đúng như thế nào? Rồi nguồn ở đâu? Kê khai nhưng công khai rất ít mà kết quả chưa cao.”

Còn, ông Mai Sỹ Diến thì nhấn mạnh: ”Đảng, Nhà nước không chập chờn trong phòng, chống tham nhũng; nhưng tham nhũng lại chính từ ta, từ đồng chí đồng đội của ta nhưng một khi ta hay đồng đội tham nhũng thì pháp luật và tổ chức phải xử lý cứng rắn, không chập chờn”.

Đó là chuyện xử lý tham nhũng, còn việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng thì hiện vẫn khá hình thức và chưa hiệu quả; tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu, thu hồi tài sản tham nhũng cũng đạt tỷ lệ thấp khiến cho kẻ tham nhũng có vẻ an tâm tham nhũng để củng cố “đời con, đời cháu” nếu chẳng may bị phát hiện và lĩnh án tù do tham nhũng.

4. Từ thực tế công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, cử tri đã nhiều lần gửi tâm thư đến Đảng, Nhà nước với mong muốn: Tiếp tục đẩy mạnh và có những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn.

Đứng ở góc độ của MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam đã từng đề nghị đề nghị khẩn trương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đề nghị hoàn thiện Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đáp ứng đòi hỏi bức thiết của Đảng, của nhân dân.

Khi đánh giá về vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực nhiều người cho rằng vẫn còn khá hạn chế. Còn đối với các cơ quan trong khối nội chính ở không ít địa phương việc tự phát hiện các vụ án tham nhũng là rất thấp.

Nhưng, muốn huy động được sức mạnh của nhân dân cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.Và, câu hỏi được Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đặt ra là: Chúng ta đã thực sự có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát chưa? Bởi, theo ông Nguyễn Tiến Sinh, rất cần sự “coi trọng thanh tra, kiểm tra, điều tra thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân về tham nhũng, có cơ chế để nhân dân, cá nhân được thu thập chứng cứ đấu tranh với tham nhũng, có chính sách bảo vệ hữu hiệu người đấu tranh chống tham nhũng, không để trường hợp cá nhân vừa được vinh danh có thành tích phòng, chống tham nhũng nhưng sau đó lại trở thành tội phạm hoặc bị đối xử bất công.”

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tham nhũng: Không ' giơ cao đánh sẽ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO