Chống tham nhũng: Mạnh mẽ, kiên trì

Hoàng Mai 24/05/2019 08:00

Đó là nhận xét của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 tại một cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng hồi đầu năm.

Vào thời điểm ấy (tháng 1/2019), Thường trực Ban Chỉ đạo đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đánh giá, công tác phòng chống chống tham nhũng tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tương đối toàn diện và có bước tiến mới rất đáng mừng.

Trên thực tế, không phải từ năm 2018 mà từ đầu nhiệm kỳ này, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên cả bình diện khung khổ pháp luật và thực tiễn của cuộc đấu tranh.

Theo thống kê, trong năm 2018 và trong nửa nhiệm kỳ qua, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng, nhất là các quy định về chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… cũng như vấn đề giám sát trong Đảng, xử lý, kỷ luật đảng viên vi phạm; về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng; về bảo vệ người phát hiện tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Từ đầu nhiệm kỳ, 45 luật, pháp lệnh, 46 nghị quyết được Quốc hội thông qua. Chính phủ đã ban hành 511 nghị định, 413 nghị quyết, 160 quyết định, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, trong số đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi)…

Đặc biệt, các luật cũng đã quy định rành rẽ hành lang pháp lý để bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm ngăn ngừa việc bao che cho tội phạm tham nhũng; đồng thời cũng đã có hành lang pháp lý để bảo vệ người bị cố tình tố cáo sai tức là có hành lang pháp lý bảo vệ các cán bộ nếu họ thực sự liêm chính. Điều ấy tưởng nhỏ nhưng thực ra đã góp phần giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật làm tốt công tác đấu tranh với tham nhũng, lãng phí trên tinh thần vừa chống vừa xây.

Chống tham nhũng thì kiên trì, làm đến cùng, làm không ngừng nghỉ, không phân biệt vụ lớn hay nhỏ; quyết liệt mà vẫn có lý, có tình để nếu đồng chí của mình có cái sai nhỏ, biết sửa sai thì có thể có điều kiện sửa sai; có cái sai lớn đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tâm phục khẩu phục.

Quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt, với cách làm chặt chẽ, bài bản, phối hợp nhịp nhàng, từng bước chắc chắn, rõ đến đâu xử lý đến đó, công khai, minh bạch; “không khoan nhượng với tham nhũng, nhưng cũng rất nhân ái, nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục với những người tự giác nhận tội, ăn năn hối lỗi, chủ động khắc phục hậu quả; phát huy tốt cơ chế chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng; kịp thời rút kinh nghiệm, biểu dương, thưởng, nhắc nhở, phê bình các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện. Lò nóng lên rồi, ai không muốn làm cũng không được, mắt xích nào hỏng thay ngay. Đây là kinh nghiệm rất quý, rất hay” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.

Năm 2018 và nửa đầu năm 2019, qua 2 phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo có thể thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật đang tiếp tục đẩy mạnh việc xem xét, xử lý các vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Năm 2018, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 108 nghìn tỷ đồng, hơn 1.000 ha đất… Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra xuống đến cả cấp ủy cấp huyện và cơ sở; các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý nghiêm cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao, kỷ luật từ trên xuống dưới, kỷ luật Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm sai phạm.

“Có thể thấy, khâu xét xử, xử lý vừa qua rất quyết liệt” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói trong một phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo hồi đầu năm. Cũng vẫn theo nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, công tác phòng chống tham nhũng đã bước đầu quan tâm khắc phục những khâu yếu, có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác thanh tra có bước tiến mạnh; việc cho hưởng án treo, khâu giám định, định giá tài sản được đẩy mạnh, tăng cường; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên. Nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực phát hiện, xử lý tệ “tham nhũng vặt”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng, sắp tới phải tập trung làm, chọn vài vụ điển hình để đưa ra xử lý, chứ không chỉ tập trung vào những vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn, vì rằng, tham nhũng vặt như “ghẻ ruồi”, rất khó chịu, “vào cửa nào cũng phải tiền”, gây bức xúc cho dư luận nhân dân.

Nhìn chung lại kết quả công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua có thể thấy, đây đã thực sự là một xu thế, một phong trào làm tiền đề để từng bước đẩy lùi tham nhũng, củng cố niềm tin nơi nhân dân, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tham nhũng: Mạnh mẽ, kiên trì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO