Chống ùn tắc giao thông - Không để tắc giải pháp

Hải Phong 20/03/2019 08:00

Chủ trương di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường đại học ra khỏi khu vực nội thành nhằm giảm tải cơ sở hạ tầng đã được quy định rõ trong Luật Thủ đô và Quyết định 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Song, nhiều năm qua, chủ trương trên vẫn không thể thực hiện vì sự thiếu quyết liệt của chính quyền, vì sự “thi gan” của các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện không chịu di dời.

Bài 3: Sớm giải quyết tình trạng “bám trụ” ở nội đô

Chống ùn tắc giao thông - Không để tắc giải pháp

Đường phố Hà Nội thường xuyên trong tình trạng tắc nghẽn.

Chống ùn tắc giao thông, không để tắc giải pháp - Bài 1: Nan giải tình trạng ùn tắc
Chống ùn tắc giao thông, không để tắc giải pháp. Bài 2: Nhồi dân vào nội đô, sao giải được bài toán ách tắc?

Gần 10 năm quy hoạch... trên giấy

Thời điểm năm 2010-2011, Hà Nội có 96 trường đại học, cao đẳng với số lượng sinh viên chiếm 40% cả nước, riêng 4 quận nội thành có tới 26 trường. Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lập quy hoạch, đề xuất hướng di dời một số cơ sở đào tạo ở nội đô ra ngoại thành với nguyên tắc giảm mật độ sinh viên và số trường đại học, cao đẳng trong trung tâm đô thị, đồng thời đảm bảo diện tích tối thiểu mỗi trường đạt mức 10 ha.

Sau đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng phương án di dời 23 cơ sở giáo dục ra ngoại thành, nhằm giảm áp lực hạ tầng cơ sở trong khu vực nội đô. Hàng loạt các trường đại học, cao đẳng được đề xuất di dời như: Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Viện Đại học Mở...

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, những trường đại học, cao đẳng nằm trong diện phải di dời có chưa đầy 5m2 đất/sinh viên, trong khi tiêu chuẩn là 25m2 đất/học viên. Một số cơ sở giáo dục đại học trong đó có Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Giao thông Vận tải, Thủy lợi... được đề xuất bố trí đất tại 7 khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Phú Xuyên...

Cũng vào thời điểm đó, trên địa bàn Hà Nội tập trung khá nhiều bệnh viện (cả Trung ương và ngành), riêng trong 4 quận nội thành (cũ) đã có 12 bệnh viện Trung ương, 4 bệnh viện của bộ, ngành. Hệ thống này đang bị quá tải trầm trọng, nhiều cơ sở công suất hoạt động vượt trên 200%. Một số cơ sở y tế có mức độ lây nhiễm cao, nằm trong khu dân cư đông đúc, một số khác diện tích lại quá nhỏ theo cấp phục vụ hoặc nằm trong khu hạn chế phát triển, góp phần gây quá tải về hạ tầng, lượng chất thải y tế lớn không có khả năng xử lý...

Do đó, Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch di dời 13 bệnh viện ra khỏi nội thành Hà Nội. UBND TP Hà Nội và Bộ Y tế cũng đã thống nhất quy hoạch, vị trí, địa điểm, quy mô quỹ đất dành cho y tế. Thống nhất những cơ sở y tế phải đi và nơi đến cũng như thời điểm di dời và nguồn lực để thực hiện. Các cơ sở y tế, bệnh viện di dời sẽ được tổ chức tập trung theo 5 hướng quanh nội thành (tại Sóc Sơn khoảng 100ha, Phú Xuyên khoảng 200ha, Gia Lâm khoảng 50ha, Hòa Lạc khoảng 200ha, Sơn Tây khoảng 50ha), đảm bảo thuận lợi cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận tới điều trị...

Tới năm 2012, UBND TP Hà Nội lại lập quy hoạch trình Chính phủ đề án di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi nội đô để tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. UBND TP Hà Nội cũng đã tích cực bố trí quỹ đất tại các khu vực vành đai cho các cơ quan xây dựng trụ sở. Song, đáng tiếc là từ đó đến nay đã gần 10 năm trôi qua, chưa có bất cứ trường đại học, cao đẳng nào, cũng chưa có cơ sở y tế, bệnh viện nào được di dời ra khỏi nội thành Hà Nội. Nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị được UBND TP Hà Nội cấp đất cho đã xây dựng trụ sở mới rất hoành tráng nhưng vẫn kiên quyết “cố thủ” không chịu trả trụ sở trong nội đô để sử dụng vào mục đích công cộng, phục vụ đô thị như quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kiên quyết “bám trụ”

Không chỉ cấp đất cho các cơ quan, đơn vị xây dựng trụ sở mới, UBND TP Hà Nội cũng đã đề nghị các bộ, ngành, bệnh viện, trường học thực hiện việc di dời ra khỏi nội đô, nhằm giảm áp lực đô thị. Song, ngày qua ngày, năm lại qua năm, tới thời điểm này mọi sự vẫn nguyên như cũ, hầu như chưa có gì thay đổi sau 10 năm Thủ tướng nêu ý kiến về việc giảm tải hạ tầng cho Thủ đô. Mới đây nhất, cuối năm 2018, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phải thêm một lần nữa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, thực hiện việc di dời ra khỏi nội đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, chủ trương di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội đã được quy định trong Luật Thủ đô. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Ông Toản nhấn mạnh: “Tuy nhiên đến nay, các nội dung này chưa được các bộ, ngành triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng quỹ đất sau di dời không bàn giao cho thành phố quản lý, khai thác sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Do vậy, việc đề xuất sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố tại thời điểm này là chưa thực hiện được. UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thành danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan đơn vị (các bộ, ngành, cơ quan trung ương) ra ngoài khu vực nội thành, bàn giao lại quỹ đất sau khi di dời để thành phố ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị...”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống ùn tắc giao thông - Không để tắc giải pháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO