Chống ùn tắc giao thông, không để tắc giải pháp - Bài 1: Nan giải tình trạng ùn tắc

K.Long - Thành Luân 18/03/2019 07:30

Tới nay, ùn tắc giao thông đã được coi là căn bệnh trầm kha của các thành phố lớn. Nhiều năm qua, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã liên tục đưa ra các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, mục tiêu tới năm 2030 Hà Nội và TP HCM trở thành các thành phố văn minh, hiện đại, hết ùn tắc giao thông thật chẳng dễ dàng.

Chống ùn tắc giao thông, không để tắc giải pháp - Bài 1: Nan giải tình trạng ùn tắc

Cảnh ùn tắc giao thông thường gặp tại các trục đường chính Hà Nội.

Những năm qua, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đô thị hóa nhanh, kéo theo đó là ùn tắc giao thông. Theo các chuyên gia, mỗi năm ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM có thể gây thiệt hại cho kinh tế từ 2-3% sản phẩm quốc nội.

“Hà Nội không vội được đâu”

Câu nói đùa của nhiều người không chỉ nói về thủ tục hành chính, hay nhiều việc khác mà còn chỉ cụ thể việc tham gia giao thông ở Hà Nội. Những phố nhỏ như Khâm Thiên, Tây Sơn, những cửa ngõ trước đây như ngã tư Sở, ngã tư Vọng, Cầu Giấy…là nỗi kinh hoàng của không ít người về sự ùn tắc.

Không chỉ những ngày có sự kiện đặc biệt, dịp lễ, tết, ngay những ngày thường này, vào giờ cao điểm, lúc tan giờ làm, hầu như mọi con đường ở thủ đô đều dày đặc người, xe. Nếu như trước đây phương tiện chủ yếu là xe máy, thì giờ đây ô tô xếp hàng, san sát.

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai rất nhiều dự án giao thông. Nhiều cầu vượt bê tông, cầu vượt thép đã được xây dựng tại các ngã tư trọng điểm cùng cầu đi bộ. Các dự án đường vành đai 1, 2, 3 trên cao, dưới thấp, nhiều con đường đã và đang được mở rộng, xây dựng. Bộ Giao thông Vận tải cùng TP. Hà Nội đã và đang triển khai một số dự án đường sắt đô thị như: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội; chuẩn bị triển khai tuyến số 4, 5, kéo dài tuyến số 2 Trần Hưng Đạo - Lý Thường Kiệt, tuyến số 3 từ ga Hà Nội đi Hoàng Mai. Một số dự án cầu lớn như: Nhật Tân qua sông Hồng, Đông Trù qua sông Đuống, Văn Lang nối giữa Hà Nội với Phú Thọ…đã hoàn thành.

Với mỗi dự án giao thông ra đời, hoàn thành, đã làm giảm ùn tắc giao thông nói chung hay xóa các điểm đen ùn tắc giao thông. Số điểm ùn tắc giảm từng năm. Tuy nhiên điểm đen này bị xóa, thì lại điểm đen khác xuất hiện. Năm 2012 Hà Nội có đến 67 điểm ùn tắc, năm 2015 còn 44 điểm, năm 2016 có 41 điểm, năm 2017 còn 37 điểm. Năm 2018 xóa được 12 điểm nhưng lại phát sinh 8 điểm ùn tắc mới. Các điểm đen đã tồn tại cũ như Bắc cầu Chương Dương, đường Nghiêm Xuân Yêm- Nguyễn Hữu Thọ, Cổ Nhuế- Phạm Văn Đồng, nút giao Pháp Vân- Giải Phóng, Lê Văn Lương- Khuất Duy Tiến.v.v..Một số điểm mới như: khu vực cầu Định Công (Thanh Xuân); đường Nguyễn Chí Kiên- Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy); Trung Văn-Tố Hữu (Nam Từ Liêm); Đào Tấn- Nguyễn Văn Ngọc (Ba Đình); đường gom Cổ Linh lên cầu Thanh Trì…Năm 2019 này, Hà Nội quyết tâm giảm tiếp 10 điểm ùn tắc, nhưng chưa biết sẽ có những điểm nào mới phát sinh.

Vấn nạn ở thành phố đông dân nhất nước

Cũng như Thủ đô Hà Nội, ùn tắc giao thông - vấn nạn kẹt xe tại TP HCM, thành phố lớn nhất nước ngày càng hết sức nhức nhối, nan giải với hàng chục điểm đen. Điển hình như vòng xoay Lăng Cha Cả, kết nối trung tâm TP HCM với các quận, huyện ngoại thành (Q.10, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn) và là cửa ngõ quan trọng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Với lưu lượng giao thông thường xuyên rơi vào hàng chục ngàn lượt người mỗi ngày, các cung giờ cao điểm thường phát sinh vào buổi sáng và cuối buổi chiều, trùng với thời điểm đi làm và tan sở của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,…nằm tập trung ở vùng lõi của TP HCM (Q.1, 3, 5, 10, Phú Nhuận, Gò Vấp).

Chống ùn tắc giao thông, không để tắc giải pháp - Bài 1: Nan giải tình trạng ùn tắc - 1

Kẹt xe tại khu vực đường Cộng Hòa ra vòng xoay Lăng Cha Cả, Q.Tân Bình, TP HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Từ vòng xoay Lăng Cha Cả, tình trạng kẹt xe tiếp tục hành hạ cư dân thành phố qua các ngã ba giao cắt giữa đường Cộng Hòa và đường Tân Kỳ - Tân Quý; ngã tư Phú Nhuận; ngã tư Hoàng Hoa Thám; vòng xoay Nguyễn Thái Sơn; khu vực xung quanh đường dẫn vào các ga của sân bay Tân Sơn Nhất;… Khu vực vòng xoay Hàng Xanh; các cung đường xung quanh bến xe miền Đông và vòng xoay Điện Biên Phủ nằm ở trung tâm (Q.1, Q.Bình Thạnh) thường xuyên trong tình trạng di chuyển chậm, dù thành phố đã xây một cầu thép trên cao tại vòng xoay Hàng Xanh từ nhiều năm nay. Trong khi “điểm đen” cũ chưa được khắc phục, các điểm kẹt xe phát sinh mới ở ngay vùng lõi của đô thị. Điển hình như các điểm giao cắt với đường Điện Biên Phủ (Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng; Điện Biên Phủ - Trần Quốc Thảo; Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám); vòng xoay Dân chủ…thường xuyên có lưu lượng người tham gia giao thông ở mật độ cao.

Ở khu đông thành phố, nhất là vành đai giao cắt với cảng Cát Lái (Q.2) và nút giao thông Mỹ Thủy là trung tâm của tình trạng kẹt xe từ nhiều năm qua. Dòng người từ huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đổ vào thành phố qua phà Cát Lái với lưu lượng có lúc lên đến 40.000 – 50.000 lượt người/ngày đêm. Điều đáng nói, hạ tầng giao thông ra vào cảng Cát Lái hiện nay được ví như “ao trâu”, với nhiều ổ voi, ổ gà được gây ra bởi các xe trọng tải lớn.

Những bài toán nan giải

Ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân. Theo đó, lưu lượng giao thông tăng đột biến, hạ tầng không theo kịp là một nguyên nhân chính. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị của Hà Nội mới chỉ đạt 8,96%, TP HCM đạt 8,85%, trong khi theo luật quy định phải đạt 16-26% (TP HCM quy hoạch 22,3%). Đến nay TP HCM có khoảng gần 7 triệu xe máy, 600 ngàn ô tô, Hà Nội cũng có hơn 540 ngàn ô tô, 5,5 triệu xe máy. Mỗi năm tốc độ phát triển ô tô 10%, xe máy 8%, trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường chỉ là 0,39%, chiều dài 1,3%. Phương tiện cá nhân chiếm đến trên 70%; trong khi đó, vận tải hành khách công cộng vẫn ì ạch, kém phát triển. Dân số vẫn tập trung nhiều ở nội đô.

Dự kiến đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ có khoảng trên 10 triệu dân. Nếu như việc phát triển các đô thị vệ tinh, chuyển các cơ sở như các trường đại học, cơ quan thành cơ sở 2 ra ngoại thành như dự kiến không được thực hiện rốt ráo thì việc chống ùn tắc càng khó khăn. Ngày 4/7/2017 HĐND thành phố đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trước đó, từ năm 2013, Hà Nội đã có Nghị quyết 03/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 của HĐND Thành phố về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tuy nhiên đến nay giao thông công cộng cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu giao thông, chất lượng phục vụ lại không được như mong muốn.

Do vấn nạn kẹt xe, TP HCM cũng đang phải chi ra nhiều ngàn tỷ đồng hàng năm để cải thiện và kéo giảm ùn tắc giao thông. Riêng giai đoạn 2018 – 2020, thành phố dự trù nguồn kinh phí lên đến 96.000 tỷ đồng, cùng việc xây dựng thêm hàng trăm km đường và hàng chục cây cầu mới để giảm kẹt xe. Mặc dù vậy, chính ngành giao thông thành phố cũng thừa nhận, cho đến nay vẫn còn hơn 1.900 tỷ đồng chưa được giải ngân, trong đó có tới 58 dự án với số tiền 940 tỷ đồng do chậm giải phóng mặt bằng. Những bất cập này càng khiến cho tình trạng kẹt xe của TP HCM thêm khó tháo gỡ.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống ùn tắc giao thông, không để tắc giải pháp - Bài 1: Nan giải tình trạng ùn tắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO