Chốt kiểm dịch... rởm

Tinh Anh 03/02/2021 07:00

Trong bối cảnh cả xã hội đang căng mình chống dịch Covid-19 quay trở lại, thì vẫn có người lợi dụng tình hình để trục lợi. Kẻ thì nâng giá khẩu trang, nước sát khuẩn, người thì sản xuất găng tay, khẩu trang giả, chỉ cốt sao kiếm được nhiều lợi nhuận nhất có thể.

Song, qua những làn sóng đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, chưa có ai dám cả gan giả mạo cơ quan chức năng để lập các chốt kiểm dịch rởm cả. Vậy mà tại huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh), một nhóm đối tượng đã ngang nhiên dựng chốt kiểm dịch rởm để “kiểm tra” người dân, với mục đích thu tiền phạt bất chính.

Mặc dù chỉ là “kiểm tra” và yêu cầu những người không đội mũ bảo hiểm và không đeo khẩu trang “nộp phạt” (50.000-100.000 đồng), nhưng chiếu theo quy định pháp luật, nhóm đối tượng này đã có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đơn giản vì họ không có chức năng và không được ai ủy quyền, giao nhiệm vụ chốt chặn kiểm dịch.

Hành vi của nhóm đối tượng này không xuất phát từ ý tốt đẹp là giúp xã hội hay cơ quan chức năng thực hiện việc chốt chặn, kiểm dịch để đảm bảo an toàn không lây lan đại dịch Covid-19. Đơn giản là họ cần tiền, muốn kiếm tiền và lợi dụng dịch bệnh để “trấn lột” tiền của người dân yếu thế.

Dù những người không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang là sai, nhưng việc đó đã có lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát và xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Không đến lượt các đối tượng “vô công dồi nghề” tự ý lập chốt chặn để “phạt” tiền người dân rồi đút túi riêng, tiêu xài cá nhân.

Nếu ai cũng có thể lập chốt kiểm dịch, tự ý “phạt” tiền người dân thì xã hội sẽ loạn mất. Kể cả trong những trường hợp xử lý những người dân vi phạm quy định của pháp luật cũng cần phải có lực lượng chức năng được phân công, giao nhiệm vụ (theo quy định của pháp luật) chứ không phải bất cứ ai cũng có thể thi hành pháp luật.

Chẳng hạn, nếu ai cũng có thể “xử” một tên cướp tài sản, thì cần gì đến lực lượng đặc nhiệm săn bắt cướp, cần gì đến cơ quan công tố hay tòa án. Nếu ai cũng có thể xử một tham quan thì liệu có hay không việc “lọt lưới”, vì cơ quan chức năng thiếu chứng cứ hoặc có sự bao che, nhấm nháy tiêu cực, thậm chí “chạy án” bỏ qua cho vi phạm.

Vậy nhưng trên thực tế vẫn có những trường hợp “tự xử” theo kiểu luật rừng, nghĩa là người ta nhân danh pháp luật để xử người có tội mà không cần luận tội, không có bào chữa, xét xử gì cả. Chẳng hạn như có không ít đối tượng trộm cắp, nhất là trộm chó đã bị người dân đánh hội đồng cho đến chết, chẳng cần phải khởi tố điều tra, truy tố, xét xử.

Song, dù những người có hành vi phạm tội đáng phải bị trừng phạt cho những hành vi trộm, cướp, tham nhũng... cũng cần phải có các cơ quan chuyên trách được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Không có bất cứ ai có quyền nhân danh công lý để thực thi pháp luật theo cảm tính cá nhân.

Vì thế, mọi hành vi nhân danh pháp luật để xử lý những người vi phạm pháp luật đều được coi là lạm dụng tư hình, phạm pháp. Dù là đánh đập, bắt bớ hay phạt tiền người vi phạm đều là hành vi trái pháp luật và cần phải bị xử lý nghiêm minh. tuy theo mức độ vi phạm, những người lạm dụng tư hình có thể bị phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Trở lại câu chuyện nhóm đối tượng giả danh cơ quan chức năng lập chốt chặn kiểm tra phòng dịch tại tỉnh Quảng Ninh. Xét về cả công và tư, nhóm đối tượng này đều đáng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, bởi đã có hành vi giả mạo công tác. họ không hề có ý định tốt đẹp là ngăn chặn, phòng dịch bệnh lây lan.

Xuất phát điểm của chúng là lợi dụng tình hình dịch bệnh căng thẳng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, nhất là trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, dở thủ đoạn chèn ép, bắt chẹt người dân “nộp phạt” để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Với hành vi này có thể truy cứu hình sự với rất nhiều tội danh như: Cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Nếu chỉ xét trên phương diện hành vi thì thấy nhóm đối tượng này cũng giống như một số tội phạm khác. Song, dư luận đặt vấn đề, vì sao các đối tượng có thể lập hẳn một chốt kiểm dịch “rình rang”, công khai mà không có sự can thiệp của cơ quan chức năng? Chỉ đến khi có sự tố cáo của công dân lực lượng thực thi công vụ mới biết?

Như vậy chẳng hóa ra giả mạo cơ quan chức năng quá dễ, kiếm tiền bất chính đơn giản vậy sao? Đặt giả thử không có sự tố giác của người dân khi cảm thấy ấm ức vì bị xử phạt, liệu hành vi cưỡng đoạt tài sản của nhóm đối tượng có bị phát hiện? Chắc là cuối cùng thì cũng phát hiện được thôi, bởi cái kim trong bọc lâu ngày cũng tòi ra, nhưng e rằng lúc đó nhiều người dân đã phải nộp tiền oan cho các đối tượng tiêu xài cá nhân.

Lợi dụng tình hình căng thẳng của đại dịch Covid-19 để nâng giá khẩu trang, sản xuất nước sát khuẩn giả... để trục lợi đã là hành vi không thể chấp nhận được. Song, hành vi lập hẳn một chốt chặn kiểm dịch rởm thì đúng là nhóm đối tượng trên đã có lá gan to bằng... cái thúng. Nghe có vẻ như chuyện hoang đường, nhưng thực tế lại xảy ra như vậy. Hy vọng, tới đây sẽ không còn những chốt kiểm dịch rởm như vậy nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chốt kiểm dịch... rởm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO