Chủ động bình ổn giá dịp giáp Tết

H.Vũ (thực hiện) 16/12/2019 08:00

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2019, nguồn cung thịt lợn trong nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn. Cùng với thiếu hụt, giá thịt lợn tăng cao, kéo theo các sản phẩm thịt như trâu, bò, gia cầm rục rịch tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, nhất là dịp Tết. Vậy làm sao để kiểm soát, không để hàng hóa tăng giá “phi mã”? Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ cho rằng, cần tổ chức điều hòa, lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền, tránh bị đầu cơ, tư thương thao túng.

Chủ động bình ổn giá dịp giáp Tết

Ông Bùi Đức Thụ.

PV: Thưa ông, để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công thương đã cho phép nhập khẩu thịt lợn vào dịp cuối năm. Cá nhân ông đánh giá thế nào về phương án này và liệu có bình ổn được giá cả hàng thực phẩm tươi sống?

Ông Bùi Đức Thụ: Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi tác động sâu rộng đến hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam, hiện tại một số tỉnh, thành công bố hết dịch nhưng chúng ta vẫn chưa đủ điều kiện để tái đàn phát triển sản xuất chăn nuôi trở lại, vì thời gian từ nay đến Tết còn rất ngắn. Vì vậy, để ổn định chỉ số giá tiêu dùng nói chung đặc biệt là giá thực phẩm, thịt lợn cần phải có những giải pháp cụ thể.

Theo dự báo từ nay đến Tết chúng ta mất cân đối khoảng hơn 200 ngàn tấn thịt lợn nên Chính phủ đã đo lường, dùng các thực phẩm thay thế như thịt trâu bò, gia cầm để bổ sung, đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết đồng thời xem xét cho nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài. Tôi đồng ý với nhóm chủ trương giải pháp đó, nhưng có điều cần lưu ý, đó là tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam rất thích thịt tươi sống, trong khi nhập khẩu thịt lợn ở các nước phát triển Tây Âu, châu Mỹ phần lớn là thịt đông lạnh.

Dù chúng ta có mở hạn ngạch, tạo điều kiện để nhập khẩu song cũng cần cân nhắc đến nhu cầu, thị hiếu của người Việt Nam, tránh tình trạng nhập khẩu về rồi, tức là cung có nhưng cầu không đúng với thị hiếu của người dân nên có khi lại dư cung. Còn thịt tươi sống theo nhu cầu thiết yếu của người dân vẫn thiếu, dẫn đến việc giá thịt lợn tươi sống vẫn tăng. Vì vậy, cần tính đến cơ cấu nhu cầu tiêu dùng, và có thể phải tính đến việc nhập khẩu lợn sống về để giết mổ. Tuy nhiên mở ra chủ trương này đòi hỏi trọng trách, nhiệm vụ của chính quyền từ Trung ương đến địa phương sẽ rất lớn, nhất là việc kiểm soát rõ nguồn dịch bệnh của các loại thực phẩm này.

Khi giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao cũng kéo theo các mặt hàng nhu yếu phẩm khác tăng theo. Vậy làm sao để bình ổn giá, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân, thưa ông?

- Bình ổn giá đang là vấn “nóng” cần xử lý khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Theo quy luật, hàng năm cứ vào dịp Tết giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng lên tương đối cao so với bình quân các tháng trong năm, làm tăng CPI, tăng lạm phát gây nên bất ổn, tác động xấu đến tiêu dùng. Vì vậy từ giờ đến Tết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ là cần phải tập trung để ổn định thị trường, kiểm soát giá cả, lạm phát, trong đó có chỉ số giá tiêu dùng.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng như dự báo trong tháng 11 âm lịch và tháng 12, tức từ nay đến hết Tết cổ truyền dân tộc, tổng cầu sẽ tăng rất lớn, đặc biệt là cầu tiêu dùng. Không chỉ mua sắm của người dân phục vụ cho đón Tết, hoàn thiện nhà cửa, mà hàng tươi sống thực phẩm phục vụ cho Tết cổ truyền cũng tăng.

Trong điều kiện biến động và dự báo thị trường của năm nay, tôi cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương, các ngành căn cứ vào nhu cầu của thị trường để đảm bảo hàng hóa cung ứng cho đời sống dân sinh, nền kinh tế không bị thiếu, không để “sốt” trên diện rộng.

Thường dịp cuối năm hay xảy ra hiện tượng đầu cơ, làm giá cả hàng hóa bị đẩy lên cao. Theo ông chúng ta cần lưu tâm đến vấn đề gì để tránh được việc này?

- Trong điều kiện cân đối hàng hóa đa dạng, phức tạp, biến động trong dịp Tết cổ truyền thường xảy ra tình trạng có một số tư thương lợi dụng tình hình đó để đầu cơ, trục lợi, nâng giá nhằm thu lợi bất chính. Để giải quyết được vấn đề này cần phải “điều hòa” lưu thông quản lý thị trường cho tốt. Luật Thương mại đã có quy định khá đầy đủ, trong đó có kiểm soát thị trường để tránh đầu cơ, nâng giá, không niêm yết giá cả. Những vấn đề trên đều đã có hình thức, chế tài xử phạt tương xứng. Vấn đề còn lại cần quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, mà trực tiếp nòng cốt là Bộ Công thương, chính quyền địa phương các cấp, và các cơ quan hữu quan.

Ví như nhập khẩu liên quan đến trách nhiệm của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính. Trong việc kiểm soát các ngành hàng đầu cơ tích trữ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, có trách nhiệm của ngành Công an và chính quyền từ Trung ương đến địa phương để tránh nhập các sản phẩm ôi thiu, không đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

Lâu nay vấn đề phối hợp giữa các ngành có những yếu kém, khi xảy ra vụ việc khó quy trách nhiệm. Nhất là việc hàng hóa nơi thì thừa, nơi thì thiếu. Vậy làm sao để việc phối hợp phát huy hiệu quả nhằm bình ổn giá cả, qua đó giúp cho người dân đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm hơn, thưa ông?

- Chúng ta cần tổ chức “điều hòa”, lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền một cách thông suốt, tránh bị cắt khúc, đầu cơ, ghìm giá, tư thương thao túng, làm phá vỡ kinh tế thị trường tự do, hình thành nên “sốt” cục bộ, “sốt” khu vực, dẫn đến tác động xấu đối với đời sống của một bộ phận dân cư ở các địa phương. Phải có sự liên kết, liên thông, phối hợp chặt chẽ dưới sự quản lý điều hành của Chính phủ một cách đồng bộ mới ngăn chặn được, không chỉ đảm bảo cho hàng hóa lưu thông, vận động theo đúng cơ chế thị trường, cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh tự do mà còn đảm bảo giá cả công bằng, tránh tình trạng độc quyền, thao túng giá, tránh hình thức đầu cơ, tích trữ, tránh hàng hóa không có xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động bình ổn giá dịp giáp Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO