Chủ động đổi mới giáo dục nghề nghiệp

Mạnh Dũng 03/01/2018 08:45

Trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác giáo dục nghề nghiệp cũng buộc phải thích ứng  để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Theo Bộ LĐTB&XH;, năm 2018 sẽ đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường nghề; cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được thuê hiệu trưởng.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, lao động Việt Nam yếu kỹ năng thực hành và các kỹ năng mềm. Vì vậy thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp cần phải giảm lý thuyết, tăng thực hành, tăng rèn luyện kỹ năng. Cần khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình đào tạo như góp ý xây dựng giáo trình, tham gia giảng dạy, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, đến tuyển chọn sinh viên sau tốt nghiệp.

Ông Dung cũng cho hay, trong chiến lược đổi mới giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH xác định có 3 nội dung trọng tâm là chuẩn hóa, tăng cường phối hợp nhà trường - doanh nghiệp, đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các trường. Khi thực hiện tự chủ, các trường sẽ được chủ động quyết về bộ máy, lựa chọn giáo viên, giáo trình, chủ động liên kết đào tạo... Tuy nhiên, tự chủ không có nghĩa là khoán trắng hay cào bằng. Tự chủ là xu hướng cần thực hiện quyết liệt nhưng phải có lộ trình, không phải hôm nay nói tự chủ là ngày mai các trường phải tự lo tất cả. Tùy từng điều kiện cụ thể, có trường tự chủ toàn phần, có trường tự chủ từng phần.

Trước thực trạng cử nhân ĐH thất nghiệp thời gian qua, theo đại diện Bộ LĐTB&XH, sở dĩ có con số hơn 200.000 cử nhân tốt nghiệp rồi thất nghiệp và thiếu việc làm là do không có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, không dự báo được nhu cầu của thị trường lao động. Trong kỳ họp tháng 11 vừa qua, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện chiến lược phát triển và sử dụng nhân lực Việt Nam đến năm 2025. Trong đó cần xác định rõ cần bao nhiêu nhân lực cho ngành sư phạm, ngành y... Bộ LĐTB&XH đã nhận trước Chính phủ nhiệm vụ đánh giá nhu cầu việc làm của người lao động, đặc biệt với học sinh, sinh viên, dự báo cung - cầu thị trường để định hướng cho giáo dục nghề nghiệp, định hướng về việc làm.

Theo PGS. TS Lê Quân- Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, tuy có những bứt phá nhất định, nhưng điểm yếu nhất của giáo dục nghề nghiệp hiện nay là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp dàn trải, chất lượng không đồng đều, tư duy bao cấp còn nặng nề. Đặc biệt, mạng lưới trung tâm dạy nghề cấp huyện rất yếu và không thực hiện được nhiệm vụ phân luồng.

Khi xã hội vẫn nặng tâm lý làm thầy hơn làm thợ, để thu hút người học vào các cơ sở dạy nghề không phải chuyện đơn giản. Theo ông Quân, giải pháp duy nhất để xã hội lựa chọn giáo dục nghề nghiệp đó là chất lượng. Nếu học nghề có cơ hội việc làm và thu nhập tốt, người học sẽ lựa chọn. Bên cạnh giải pháp cơ bản là mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao chất lượng đào tạo. Bao gồm: Đẩy mạnh đổi mới công tác tuyển sinh; Quan tâm đến công tác truyền thông. Trong công tác truyền thông, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội, đẩy mạnh sự tham gia của người học như đại sứ truyền thông.

Sức mạnh của truyền thông giúp cho người học nhận thấy học nghề có rất nhiều sức hấp dẫn. Dạy nghề khác với giáo dục ĐH. Trong giáo dục ĐH, chương trình đào tạo thường được phân chia thành các học kỳ từ kiến thức cơ bản, kiến thức cơ sở đến kiến thức ngành, chuyên ngành và thực tập tốt nghiệp. Do đó, sinh viên ĐH ít có cơ hội thực hành, thực tập trong 2 năm đầu.

Ngược lại, trong giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo được cấu trúc theo module. Học xong mỗi module là người học có thể thực hành và làm việc được. Sự khác biệt của giáo dục nghề nghiệp là vừa học vừa làm, học đến đâu thực hành đến đó, thời gian học ngắn và người học có thể có việc làm và thu nhập ngay từ những năm đầu. Học nghề giúp người học hội nhập xã hội sớm, nhưng vẫn đảm bảo cho người học được tiếp tục học liên thông lên đến thạc sĩ, tiến sĩ nếu có nhu cầu. Với học sinh tốt nghiệp THCS, nếu đi theo học nghề, người học có thể có bằng kỹ sư, cử nhân thực hành trong 5 năm, thay vì 8 năm nếu đi theo lộ trình thông thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động đổi mới giáo dục nghề nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO