Chủ động 'kịch bản' cho năm học mới

Thu Hương 20/08/2020 08:00

Chỉ còn 2 tuần nữa là đến thời điểm khai giảng năm học 2020-2021. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp diễn nên nhiều địa phương đã tính đến phương án khai giảng trực tuyến hoặc tiếp tục học online sau khai giảng.

 Chuẩn bị sẵn sàng để không trống giáo viên.
Chuẩn bị sẵn sàng để không trống giáo viên.

Khai giảng trực tuyến với vùng dịch

Hiện Đà Nẵng vẫn đang tập trung toàn lực để kiểm soát, khống chế dịch bệnh Covid-19 nên đây là địa phương duy nhất trên cả nước hoãn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đến thời điểm này, địa phương cũng chưa thể khẳng định sẽ tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2 vào thời gian nào. Việc tựu trường và khai giảng năm học mới cũng chưa có phương án cụ thể do nhiều trường học trên địa bàn có các ca liên quan đến dịch bệnh.

Cụ thể, thống kê của Sở GD ĐT Đà Nẵng, có 29 đơn vị trường THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên tại Đà Nẵng liên quan đến các ca mắc Covid-19 và có các trường hợp F1, F2. Trong số đó, có 2 giáo viên mắc Covid-19, 6 giáo viên là F1, 16 giáo viên là F2, 126 giáo viên ở các khu vực dân cư bị cách ly, phong tỏa của TP. Hiện có 5 học sinh mắc Covid-19, 21 em F1, 57 em F2, 322 em đang sống trong các khu vực bị phong tỏa. Dự kiến, đến cuối tháng 8, TP Đà Nẵng mới công bố kế hoạch tựu trường và khai giảng năm học mới.

Trong khi đó, nhiều thí sinh của Quảng Trị và Quảng Nam chưa tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 cũng chưa có lịch chính thức thi tốt nghiệp đợt 2 do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Về phương án năm học mới, lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam thông tin, căn cứ theo tình hình thực tế tại địa phương, nếu trước 5/9, dịch Covid được khống chế hoàn toàn trên địa bàn thì sẽ tổ chức khai giảng trực tiếp như mọi năm trên tinh thần gọn nhẹ. Ngược lại, những vùng chưa an toàn thì sẽ tổ chức khai giảng trực tuyến và học online. Riêng khối lớp l và mầm non sẽ lùi thời gian học sau.

Đây cũng là các phương án dự kiến của nhiều địa phương khác trong tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa được khống chế.

Trường học chờ hướng dẫn

Về phía các trường, nhiều trường cho biết thời điểm này mọi năm đã tựu trường để ổn định lớp học, ôn tập kiến thức cũ và chuẩn bị dạy kiến thức mới, nhất là với các học sinh cuối cấp chuẩn bị có những kỳ thi vượt vũ môn quan trọng. Tuy nhiên, năm nay lịch tựu trường đã được thông báo hoãn tới đầu tháng 9.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường Marie Curie cho biết nhà trường đã thay đổi lịch tựu trường dự kiến từ 17/8 thành 3/9 và có thể tiếp tục thay đổi tùy tình hình diễn biến của dịch bênh cũng như hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Hiện nhiều trường tư thục tại TP Hồ Chí Minh đã cho học sinh tựu trường từ đầu tháng 8, nhưng vẫn đợi chỉ đạo của Sở GDĐT để tổ chức khai giảng. Đơn cử như Trường THCS-THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ (Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) đã tập trung học sinh đến lớp học từ đầu tháng 8, nhưng chỉ ôn tập kiến thức cũ, không học bài mới. Dự kiến, trường sẽ áp dụng song song hai phương thức học trực tiếp và trực tuyến ngay khi khi Sở GDĐT TP HCM có yêu cầu.

An toàn của thầy và trò là trên hết

Theo quy định của Bộ GDĐT, thời gian tựu trường năm nay sớm nhất là ngày 1/9, và các trường khai giảng vào ngày 5/9. Nhiều địa phương cũng đã thông báo về lịch khai giảng năm học mới theo quy định này của Bộ như Khánh Hòa, Đắk Lắk, An Giang, Đồng Tháp… Tuy nhiên, việc sẽ học trực tuyến hay học bình thường thì vẫn chờ hướng dẫn của Bộ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết Bộ đã tính toán các kịch bản chuẩn bị cho năm học mới trong điều kiện dịch bệnh, trong đó có việc tổ chức lễ khai giảng khi từ nay đến ngày 5/9 chỉ còn khoảng 2 tuần.

“Tinh thần chung là phải đảm bảo sự an toàn về sức khỏe cho học sinh và giáo viên” là điều ông Thành nhấn mạnh.

Cụ thể, với việc khai giảng, tùy từng hoàn cảnh, địa phương có thể linh động và có nhiều cách tổ chức lễ khai giảng. Yêu cầu là giữ được ý nghĩa, học sinh vẫn cảm nhận được không khí ngày khai giảng và thể hiện thông điệp “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”.

Đặc biệt, ở các địa phương mà đến thời gian khai giảng vẫn đang trong thời gian giãn cách xã hội và không thể tổ chức lễ khai giảng năm học mới như dự kiến, các trường có thể tổ chức khai giảng trực tuyến.

Việc dạy học online nhiều trường đã có kinh nghiệm từ năm học trước, cộng thêm mới đây, Bộ GDĐT đã giới thiệu dự thảo quy chế dạy học trực tuyến để xin góp ý. Sau khi hết thời gian lấy ý kiến, Bộ sẽ ban hành thông tư để dạy học trực tuyến trở thành một phương thức dạy học chính thức trong nhà trường.

Riêng đối với học sinh lớp 1 năm nay là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các điều kiện triển khai đã sẵn sàng. Tuy nhiên, kế hoạch thực hiện năm học của mỗi địa phương vẫn phải dựa vào diễn biến của dịch bệnh.

“Trong trường hợp không an toàn cho học sinh thì vẫn phải ưu tiên phương án đảm bảo sức khỏe cho học sinh” - ông Tài nhấn mạnh. Đặc biệt, với học sinh lớp 1 việc dạy học trực tuyến sẽ rất khó triển khai vì các em chưa tiếp cận với phương pháp này bao giờ nên nếu không có sự hướng dẫn của giáo viên, sự sát sao của gia đình thì sẽ rất khó để triển khai đại trà.

Trường Tiểu học, THCS Nguyễn Khuyến, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa bị yêu cầu xử phạt đối với hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, nhà trường đã cho hơn 800 học sinh đi học mặc dù địa phương này đã có quy định tạm ngừng dạy học để phòng, chống dịch. Lý do nhà trường đưa ra là cho học sinh tập trung để chuẩn bị năm học mới đồng thời hướng dẫn học sinh phương pháp học online, trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Phòng GDĐT thành phố Biên Hòa, cho rằng cả hai lý do nhà trường đưa ra đều không thuyết phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động 'kịch bản' cho năm học mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO