Chủ động tiêm chủng để phòng bệnh

Xuân Thuỷ 16/05/2019 08:30

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tính đến nay trên cả nước đã ghi nhận 59/63 tỉnh, thành phố có các trường hợp mắc sởi rải rác, chủ yếu là ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người lớn.

Chủ động tiêm chủng để phòng bệnh

Đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị.

Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% bệnh nhân có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi. Các trường hợp khác mắc sởi chủ yếu tập trung tại các vùng sâu, vùng xa nơi có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp và những đô thị có dân số di biến động lớn nên có nguy cơ cao bùng phát dịch.

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay đã có 1.193 trường hợp mắc sởi. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sởi hiện nay là Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Trì. Ngoài ra, đến nay đã ghi nhận 204 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 228 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Có 6 ổ dịch bệnh tay chân miệng tại Đống Đam Mỹ Đức, Thanh Oai, Thạch Thất, trong đó ổ dịch nhiều bệnh nhân nhất là tại xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức) với 8 bệnh nhân mắc.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phân tích, bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết nồm ẩm kéo dài. Tuy nhiên, năm nay dù thời tiết đã sang mùa hè với nhiều đợt nắng nóng nhưng số ca mắc sởi vẫn tăng và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, bệnh sởi tiếp tục lưu hành trong thời gian tới với số mắc trung bình là 70-80 trường hợp, tuần trên địa bàn thành phố. Mặc dù số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng nhưng các ca bệnh đều phân bố rải rác, chưa xuất hiện ổ dịch lớn, số mắc bệnh chiếm tỉ lệ lớn là chưa được tiêm chủng (dưới 9 tháng và trên 16 tuổi). Hằng năm, vẫn có khoảng 3-5%, tương đương từ 5.000 đến 8.000 trẻ không được tiêm vắc xin sởi, là đối tượng dễ mắc bệnh sởi. Bên cạnh đó, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động các tỉnh đến các thành phố lớn sinh sống, học tập và làm việc nếu chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi, đây là nguy cơ lây lan virus sởi và gây dịch trên quy mô lớn.

Bà Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, nếu tiêm chủng đạt tỉ lệ thấp, không đảm bảo tỉ lệ tiêm chủng trong cộng đồng sẽ có nguy cơ khiến hàng rào miễn dịch bị phá vỡ, nhiều bệnh dịch đã bị khống chế, loại trừ sẽ quay lại hoặc làm lây lan mạnh các căn bệnh đang lưu hành.

Chia sẻ về hiệu quả của tiêm chủng, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho hay, bệnh sởi có khả năng lây nhiễm 100% với những người chưa miễn dịch (chưa tiêm vắc xin và chưa nhiễm sởi), do đó khi tiếp xúc người bệnh sẽ bị nhiễm bệnh. Cuối năm 2018 đầu năm 2019, Hà Nội đã tiêm vét cho hơn nửa triệu trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Trong số này, tỉ lệ trẻ mắc sởi rất thấp so với các nhóm khác, cho thấy hiệu quả của tiêm chủng rất rõ ràng.

Vì thế, để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Khi phát hiện các dấu hiệu ho, sốt, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động tiêm chủng để phòng bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO