Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tránh tái nghèo

Minh Hà (thực hiện) 13/12/2017 09:00

Thiên tai, thảm họa không chỉ tác động xấu tới hoạt động giảm nghèo của Việt Nam, nó còn khiến tỷ lệ nghèo diễn ra mạnh hơn cả trong nhóm người giàu. Theo ông Ngô Trường Thi- vụ trưởng, chánh văn phòng quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH;), để giảm nghèo bền vững, điều quan trọng nhất cần làm trước mắt là bảo đảm an ninh cho bà con sống ở những vùng thường xuyên tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Theo đó hệ thống cảnh báo cần chủ động, chính xác đồng thời, tăng tính chủ động, ứng phó trong t

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tránh tái nghèo

Ông Ngô Trường Thi.

PV:Biến đổi khí hậu, thiên tai đang tác động thế nào tới hoạt động giảm nghèo, “nghèo hoá” thưa ông?

Ông Ngô Trường Thi: Có thể nói vấn đề thiên tai là vấn đề thường trực của đất nước. Với địa hình 3/4 là đồi núi, đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa… là điều kiện tốt để phát triển kinh tế, nhưng đồng thời các yếu tố trên cũng đưa Việt Nam đứng trước nhiều thách thức do thiên tai, lũ quét, lũ ống, bão, hạn hán, xâm nhập mặn.

Hiện nay cứ 3 người thoát nghèo lại có 1 người tái nghèo, chủ yếu do hậu quả thiên tai. Như vậy rõ ràng, thiên tai, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực tới sự nghiệp giảm nghèo bền vững. Như Hà Tĩnh, Nghệ An… thiên tai bão lũ quá nhiều khiến việc giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Nếu không có thiên tai, bão lũ chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm rất nhanh. Thực tế cho thấy, bất chấp những nỗ lực vươn lên thoát nghèo nhưng chỉ qua một trận bão là tất cả lại rơi vào tình trạng nghèo đói.

Với cương vị là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực giảm nghèo, ông có đề xuất giải pháp nào để hoạt động này thực sự đạt hiệu quả, trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai?

- Trong những năm qua chương trình giảm nghèo đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo vượt lên thiên tai, giảm nghèo bền vững. Đơn cử như chương trình giúp người nghèo xây nhà thích ứng với biến đổi khí hậu, tránh bão ở miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long...

Trước đây, việc hỗ trợ nhà cửa chỉ vài triệu thôi, nhưng bây giờ thì khác, việc hỗ trợ nhà phải kiên cố, chắc chắn chịu được những cơn bão trung bình. Riêng miền núi phía Bắc thì có cái khó bởi nguy cơ sạt lở là chuyện hiện hữu, nhưng nhiều nơi muốn tìm một mảnh đất làm nhà cũng khó bởi diện tích mặt bằng rất ít. Do vậy nhiều người dân dù biết là không an toàn, nhưng vẫn phải chọn làm nhà dưới chân đồi.

Về lâu dài, chúng tôi đã nghiên cứu và kiến nghị nên có thay đổi về cơ cấu cây trồng. Ví dụ ở các tỉnh miền Trung, nhiều nơi trồng cả rừng cây cao su, nhưng mới được 3-4 năm (7 năm mới thu hoạch) gặp bão bị gãy hết cả rừng. Thiệt hại vô cùng lớn. Người dân mất hàng trăm triệu đồng, nợ nần chồng chất, rơi vào cảnh “nghèo hoá” chỉ sau một đêm.

Ngoài việc tính toán thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng phù hợp với đất đai còn tính cả tới điều kiện khí hậu, bão lũ. Tại Đồng Bằng sông Cửu Long cũng vậy, cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với xâm mặn. Nếu không trồng được lúa phải chuyển sang trồng cây hoa màu. Nhiều tỉnh Đông Nam Bộ cũng đang phải đối mặn với hạn hán nghiêm trọng như: Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ...cũng cần nghiên cứu cơ cấu cây trồng như đã nêu.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về các giải pháp thực hiện?

- Hiện Văn phòng giảm nghèo cũng đã thông qua những mô hình chuyển giao cộng đồng nhằm phát huy năng lực của người nghèo. Hiện nay chương trình giảm nghèo thay đổi cách tiếp cận, theo hướng từ dưới lên, lấy người nghèo làm trọng tâm, để người nghèo tự quyết định các mô hình hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện kinh tế - văn hoá cuả từng vùng miền.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta chưa có những giải pháp vĩ mô, lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào trong chính sách giảm nghèo. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi không đồng ý với ý kiến trên, vì nếu nhìn như vậy là chúng ta đang đổi lỗi cho chính sách. Theo tôi, lâu nay chúng ta thực hiện chính sách, đổi mới qua từng bước phát triển chứ không đợi sự phát triển xong mới làm. Chính sách muốn đi vào cuộc sống thì cũng cần phải có thời gian. Theo tôi, trong từng chính sách một, từng địa phương cần phải chủ động đưa ra những chính sách cụ thể. Luật cũng phải đi từ những chính sách cụ thể trong cuộc sóng thì mới khả thi, đạt hiệu quả.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tránh tái nghèo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO