Chủ động với thời tiết cực đoan

Văn Nhất (thực hiện) 24/12/2016 08:10

Cứ ngỡ sau 23/10 âm lịch là người dân sẽ được sống yên lành, không lo sợ chuyện lũ lụt nữa. Thế nhưng, sau những lũ chồng lũ vừa qua đã phá vỡ quy luật trước đó. PV Báo Đại Đoàn Kết đã phỏng vấn ông Võ Anh Kiệt- Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ xung quang vấn đề này.

Ông Võ Anh Kiệt.

PV: Những đợt mưa lũ muộn và rất lớn vừa qua đã phá vỡ quy luật thời tiết với Nam Trung Bộ. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Võ Anh Kiệt: Theo quy luật hàng năm, thì thường sau ngày 23/10 (âm lịch) hàng năm tình hình mưa ở khu vực miền Trung nói chung và Nam Trung Bộ nói riêng, mưa có xu hướng giảm, lũ không còn xuất hiện. Có năm đây là thời kỳ kết thúc mùa mưa.

Tuy nhiên cũng có khi không đúng, mùa mưa kéo dài đến hết cả năm mà cụ thể như năm 1998 (ảnh hưởng của La Nina bão xuất muộn, mùa mưa còn kéo dài đến cuối tháng 12).

Do đó, cũng không thể nói là quy luật bị phá vỡ, mà chỉ nói năm 2016, do ảnh hưởng của La Nina nên mùa mưa của khu vực kéo dài hơn đến hết tháng 12. Lần này mưa lớn đã gây 4 trận đợt lũ cho khu vực Nam Trung Bộ từ tháng 11 đến hiện nay. Tuy nhiên có dị thường ở đây là lượng mưa trong tháng 12 lớn hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm.

Nhiều năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp hơn, nắng hạn hơn và mưa lũ cũng dồn dập và thường xuyên hơn. Vì sao, thưa ông?

- Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động của biến đổi khí hậu qua 3 biểu hiện chính là: 1/Nhiệt độ trung bình, tính biến động và dị thường của thời tiết và khí hậu tăng lên; 2/Mực nước biển dâng lên do sự giãn nở nhiệt của đại dương, sự tan băng ở các địa cực và các đỉnh núi cao; 3/Các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng, giá rét, bão lụt, hạn hán…) xảy ra với tần xuất, cường độ bất thường và có thể tăng lên, BĐKH tác động lên tất cả các lĩnh vực, các vùng miền.

Năm 2016 là một năm có diễn biến thời tiết thủy văn phức tạp, với những hiện tượng thiên tai bất thường. Những tháng đầu năm 2016 khu vực Nam Trung Bộ chịu ảnh hưởng của El Nino hoạt động mạnh nên lượng mưa thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, đặc biệt ở các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, lượng mưa thiếu hụt từ 20-66%, trong đó hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận hầu như không có mưa hoặc mưa nhỏ, lượng không đáng kể.

Nửa cuối năm, chuyển dần sang trang thái trung gian và La Nina nên bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều, kèm theo đó là các đợt mưa lũ lớn diện rộng xuất hiện trên khu vực. Từ tháng 11 đến hiện nay đã có 4 đợt mưa lớn diện rộng, kèm theo là 4 đợt lũ lớn. Lần đầu tiên, trong bản tin cảnh báo lũ, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phải dùng từ đặc biệt lớn với đợt lũ này, bởi nó đang lặp lại lịch sử của năm 2013.

Với tình hình BĐKH như hiện nay, ông nhận định gì về tình hình thời tiết trong thời gian từ đây?

- Hiện nay ở khu vực phía Đông Philippin đang xuất hiện một cơn bão có tên quốc tế là Nock-ten, di chuyển theo hướng Tây Bắc, đang có xu hướng mạnh dần lên và hướng về phía biển Đông. Do đó, từ ngày 28-31/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ khả năng cao xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng (100-150mm/đợt); trên các sông ở khu vực này sẽ xuất hiện một đợt lũ trên dưới báo động 1.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tính trong vòng 2 tháng qua, miền Trung đã xảy ra liên tiếp 5 đợt mưa lũ với tổng lượng mưa lớn hơn trung bình cả năm. Đặc biệt một số khu vực mưa trên 2.500mm như Trà My (Quảng Nam) 2.611mm, Minh Long (Quảng Ngãi) 2.729mm khiến lũ trên sông đồng loạt dâng cao trên mức báo động3, nhiều nơi trên mức báo động3 từ 1,0-1,5m. Mức dâng xấp xỉ mức lũ lịch sử từng ghi nhận- theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy vănTrung ương. Còn theo ông Vũ Đức Long - Trưởng phòng Dự báo thủy văn khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ thì lũ tại miền Trung 2 tháng qua xảy ra diện rất rộng và kéo dài là bất thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động với thời tiết cực đoan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO