Lồng Tồng và lễ hội Nàng Hai

BẮC PHONG(tổng hợp) 28/08/2015 10:03

Với đồng bào Tày, lễ hội là một phần quý giá trong di sản văn hóa. Lễ hội của người Tày bao giờ cũng có sự tham gia của cộng đồng, mở rộng ra với các dân tộc khác. Thời gian có thể làm nhiều thứ thay đổi, nhưng khi lễ hội mở ra, bà con vẫn thực hiện gần như nguyên gốc các hình thức nghi lễ, do đó vẫn thu hút được sự chú ý của người hôm nay.

Lễ hội Lồng Tồng ở Tuyên Quang

1. Lồng Tồng là lễ hội quan trọng bậc nhất trong năm của đồng bào Tày, được tổ chức từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng. “Lồng Tồng” có nghĩa là “xuống đồng”. Đây là lễ hội mang đậm dấu ấn của nền sản xuất nông nghiệp, đề cao sản xuất nông nghiệp, người làm nông cũng như sản vật từ cấy cày mà có được. Từ phần nghi lễ, sản vật dâng cúng đến các trò chơi trong lễ hội cũng đều gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của nhà nông. Không ai rõ Lồng Tồng có từ bao giờ, nhưng sự tiếp nối của nó trong dòng chảy thời gian là chưa bao giờ đứt đoạn, kể cả ngày nay khi sản xuất nông nghiệp không còn là duy nhất với cuộc sống của bà con.
Lồng Tồng bao giờ cũng được tổ chức trên một thửa ruộng lớn, đó là thửa ruộng xuống đồng. Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ có tạ thiên địa, cầu thần Nông độ trì cho mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên, cây cối xanh tốt, gia súc, gia cầm sinh sôi... Tham dự, các gia đình trong bản đều phải có lễ vật dâng cũng thần Đất, thần Núi, Thần Nông và Thành Hoàng làng. Trong mâm lễ truyền thống phải có xôi nếp, thịt lợn, rượu trắng, bánh khẩu sli, khẩu slec, bánh khảo, chè lam... Vào dịp lễ hộ Lồng Tồng làm lớn, người ta còn dâng lễ hiến tam sinh (trâu, lợn, gà).
Lễ hội chỉ bắt đầu khi dân làng rước thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng. Lúc đó, các gia đình sẽ rước cỗ, bày ra trên bãi hội. Gia đình nào có cỗ thịnh soạn và mời được nhiều khách dự hội đến thưởng thức cỗ nhà mình thì xem đó là điều may mắn cho cả năm. Sau khi phá cỗ, người ta vui chơi ca hát và tham dự các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh đu, hát lượn…
Trong bất cứ lễ hội Lồng Tồng nào cũng có tiết mục thi ném còn, được người dân hưởng ứng nhất, đặc biệt là nam nữ thanh niên. Quả còn ngũ sắc và hồng tâm trên cây nêu luôn hút ánh mắt của mọi người. Khi quả còn xuyên thủng hồng tâm thì mọi người reo hò tán thưởng, làm cho không gian trở nên rộn rã vui tươi.
Lễ hội Lồng Tồng cũng chính là “hiệu lệnh” xuống đồng gieo cấy mở đầu cho một năm. Những xá cày đầu tiên được thực hiện, những rẻ mạ đầu tiên được cắm xuống, cho dù tính biểu trưng là chính nhưng cũng là điều nhắc nhở, chuẩn bị tinh thần, khí thế cho người dân trong bản chuẩn bị vào vụ mùa mới.

Ngày hội xuống đồng của bà con người Tày xứ Lạng

2. Nếu như Lễ hội Lồng Tồng được coi là hết sức quan trọng đối với cư dân nông nghiệp, thì Lễ hội Nàng Hai cũng gắn bó với điều nguyện ước ấy, tuy rằng mang tính lễ hội Mẫu.
Với đồng bào Tày ở Cao Bằng, Lễ hội Nàng Hai bắt đầu vào tháng Giêng và kéo dài đến trung tuần tháng ba. Người Tày quan niệm rằng, trên cung trăng có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên - con gái của mẹ. Mẹ cùng các con gái là những người chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân. Lễ hội Nàng Hai tượng trưng các bà mẹ, các nàng con gái người trần lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống để giúp con người công việc làm ăn sinh sống.
Chính do hành trình đón rước công phu nên lễ hội thường kéo dài. Họ cũng muốn Mẹ Trăng và các cô con gái của bà lưu lại trần gian lâu hơn. Ví dụ như người dân Bản Guống đón trăng vào ngày mùng 6 tháng hai và đưa tiễn trăng vào ngày 24 tháng 3. Bản Nưa Khau đón trăng vào ngày 11 tháng 2 và đưa tiễn trăng vào ngày 22 tháng 3. Bản Ngườm Cuông đón trăng vào ngày 15 tháng 2 và đưa tiễn trăng vào ngày 21 tháng 3.

Người đại diện vào vài Mẹ Trăng phải là một bà mẹ có cuộc sống gia đình hoàn thiện, hát giỏi, gọi là “Mụ Cốc”. Dân bản chọn ra từ 12 đến 18 cô gái trẻ đóng vai các nàng tiên. Trong đó, đặc biệt quan trọng là nhân vật hai chị em Trăng. Cô chị gọi là “nàng Slở”, cô em gọi là “nàng Gường”. Bao giờ trong lễ rước Mẹ Trăng và các tiên nữ thì đi đầu đoàn rước cũng là hai thiếu niên nam.
Người vào vai Mẹ Trăng sẽ mặc quần áo chàm, trên đầu buộc một dẻ vải đỏ, trên tay cầm một cây mía trên ngọn treo một túi đựng trầu, một chiếc khăn và một bát nước có đặt một lá bưởi. Nàng Trăng chị mặc áo vàng, trên đầu vấn khăn có buộc một dẻ vải màu vàng chéo qua trên khăn. Nàng Trăng em thì mặc áo đỏ, trên đầu buộc dẻ vải màu đỏ. Mẹ Trăng và các nàng tiên được rước vào một túp lều mới dựng, được gọi là lều trăng, có kê sẵn phản làm chỗ ngồi cho mẹ Trăng và các nàng tiên khi làm lễ. Sau ngày lễ đón Trăng, người dân tin rằng sẽ được phù hộ để cuộc sống gia đình hòa thuận, mùa màng tốt tươi.
Khi tổ chức đưa tiễn Mẹ Trăng và các nàng tiên nữ về trời, người dân trong bản dựng một lều Trăng thứ hai. Lễ tiễn được tổ chức trong một ngày. Trước đó là thủ tục chia tay Mẹ Trăng và các nàng tiên trong ngôi lều thứ nhất. Người ta hát các bài hát chia tay, vừa đi vừa dùng tay đẩy mạnh những cột lều để cho lều đổ để đón các vị tiên vào ngôi lều thứ hai tạm nghỉ chân trước khi về trời. Trong lều, cùng với các sản vật dâng cúng, còn có những chiếc thuyền đẽo bằng gỗ, với ý nghĩa chở của cải, hoa trái dương gian dâng tiến lên trời.

Lễ cưới người Tày

Lễ cưới của người Tày bắt đầu từ lễ dạm hỏi. Một người bác (hoặc chú) bên nhà trai mang theo một đôi gà trống thiến, gạo nếp cùng một người đi sang nhà gái đặt vấn đề, từ đó hai bên được qua lại nhà nhau như người nhà. Lễ cưới chính thức chỉ được tiến hành sau khi nhà trai đã chọn được ngày tốt. Đoàn đón dâu đến chân cầu thang nhà gái, đại diện nhà trai xin phép rửa chân để lên nhà nói chuyện xin dâu. Trước khi đoàn trở về nhà trai, cô dâu, chú rể lạy ông bà, bố mẹ... nhà gái mỗi người 3 lạy. Còn cô dâu tay cầm nón và một thẻ hương. Khi xuống cầu thang, cô dâu đội nón lên đầu, đến chân cầu thang thì cắm hương. Ra đến cổng nhà lại cắm hương, với ý nghĩa chia tay tổ tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lồng Tồng và lễ hội Nàng Hai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO