Trung ương không bao giờ nhụt chí trong phòng chống tham nhũng

H.Vũ Ảnh: Quang Vinh 24/11/2018 12:08

Trao đổi với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Cử tri cứ yên tâm, không bao giờ có chuyện chùng lại, mệt mỏi, nhụt chí… Nhưng quan trọng trong cách làm phải có biện pháp, cách làm chứ không phải cứ hăng hái là được đâu. Trung ương không bao giờ nhụt chí, lòng dân đang lên như thế, và ngay cả quốc tế cũng phải thừa nhận và đánh giá cao.

Trung ương không bao giờ nhụt chí trong phòng chống tham nhũng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Ngày 24/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các ĐBQH tại đơn vị bầu cử số 1, đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình; Tây Hồ; Hoàn Kiếm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri khẳng định: Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là hợp “ý Đảng, lòng dân”

Bày tỏ vui mừng khi tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thống nhất cao bầu Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước, cử tri Nguyễn Minh Chung (phường Đội Cấn) mong muốn, cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Quốc hội tiếp tục nhóm bếp lửa đang rực hồng, chống tham nhũng từ trung ương xuống địa phương, tại các cấp, các ngành. Để tiếp tục đẩy mạnh PCTN, theo ông Chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường giám sát hoạt động của Chính phủ, các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 4, 5, 6, Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 về tổ chức, sắp xếp lại bộ máy là nhiệm vụ quan trọng.

“Đặc biệt, cần tổ chức tiếp xúc cử tri theo lĩnh vực, chuyên đề, tại nơi cư trú, và nơi công tác để ĐBQH lắng nghe ý kiến của cử tri, nắm bắt ý chí nguyện vọng của nhân dân. Bởi ý kiến của cử tri là thông tin quan trọng trong quá trình ĐBQH thực thi hoạt động của mình” - ông Chung cho hay.

Theo cử tri Lê Văn Thanh (phường Xuân La), tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước là hợp lòng dân, ý Đảng trong thời khắc quan trọng của đất nước, cũng như công cuộc PCTN đang được đẩy mạnh, “là niềm vui của cử tri được lan tỏa và sung sướng”.

Ông Thanh cũng cho rằng, hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua cho thấy mối quan hệ giữa ĐBQH và cử tri ngày càng xích lại gần hơn. Quốc hội thảo luận nhiều vấn đề, tự hào những vấn đề quan trọng của đất nước đều hợp với lòng dân. Đây là điều vô cùng quan trọng về điều hành của Quốc hội, chất vấn của Quốc hội là cái cử tri hài lòng.

Cử tri Nguyễn Hồng Toán (Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ) cũng cho rằng, việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước với đa số phiếu là vấn đề quan trọng của đất nước. Đánh giá cao và tâm đắc với lời tuyên thệ của Chủ tịch nước trước Quốc hội là “vừa mừng vừa lo” và cố gắng phấn đấu đưa đất nước phát triển, theo ông Toán: Cử tri nhận thấy Tổng Bí thư là người đã hết mình vì Đảng, vì dân, vì đất nước, đã thực hiện được lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Trung ương không bao giờ nhụt chí trong phòng chống tham nhũng - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các cử tri.

Loại bỏ cán bộ kê khai không trung thực

Cử tri Lưu Huy Vinh (phường Thành Công) nhìn nhận, dù vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật PCTN sửa đổi để đẩy mạnh công cuộc PCTN. Tuy nhiên cử tri băn khoăn khi vấn đề xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc lại không được quy định trong luật này, trong khi đây là vấn đề quan trọng trong Luật PCTN. Cả 2 phương án xử lý là đưa ra tòa và thu thuế nhưng khi lấy phiếu phương án nào cũng không đủ quá bán.

“Do đó cử tri đề nghị xem xét, phân tích kỹ lưỡng để có phương án xử lý tối ưu, nhưng theo tôi và cử tri, đã là tài sản bất minh thì nên thu hồi để đảm bảo tính nghiêm minh” - ông Vinh nêu.

Cho rằng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” là vấn đề cử tri đang bức xúc khi nhiều chủ trương, chính sách được ban hành rất đúng, ở trên rất nghiêm nhưng phía dưới thực hiện không nghiêm túc làm giảm đi kết quả thực hiện, làm giảm đi lòng tin của nhân dân, theo ông Vinh, cần sớm có giải pháp hữu hiệu, có cơ chế kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu không gương mẫu thực hiện chỉ đạo của cấp trên, và cần thay người khác khi thấy không hoàn thành nhiệm vụ.

Đề cập đến vấn đề PTCN, ông Vinh nhìn nhận: Thời gian qua, Đảng đã đẩy mạnh quyết tâm PCTN, lãng phí, không có vùng cấm như quyết tâm của Tổng Bí thư. Và cử tri này mong muốn cần tiếp tục đẩy mạnh PCTN để công cuộc này ngày càng có kết quả hơn.

Theo ông Vinh, trong các vụ tham nhũng, phần lớn người vi phạm đều là cán bộ đảng viên, có trường hợp cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý nhưng chưa xem xét trách nhiệm của cơ quan đề xuất bổ nhiệm cán bộ, đưa những cán bộ tồi vào bộ máy, làm giảm niềm tin của Đảng.

Ông Vinh nói: “Quốc hội cần đánh giá toàn diện về công tác cán bộ, phải tìm cho ra những ai, tổ chức nào đề bạt ông Đinh La Thăng được che đậy trong nhiều năm từ lúc làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia cho đến lúc lên vị trí cao hơn. Do đó cần xem xét lại vai trò của Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ”.

Trung ương không bao giờ nhụt chí trong phòng chống tham nhũng - 2

Cử tri phát biểu ý kiến.

Cử tri Bùi Việt Hùng (phường Quán Thánh) cũng cho rằng, Luật PCTN đã được thông qua, và nhân dân rất mong mỏi về công tác PCTN như Tổng Bí thư đã khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tuy nhiên Quốc hội cần chỉ đạo các ngành chức năng sớm điều tra truy tố những sai phạm tại dự án Thủ Thiêm. Cán bộ thực thi đã vi phạm, không tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật vì làm trái ảnh hưởng tới lợi ích của số đông.

Quốc hội cũng cần giám sát công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vì cán bộ là gốc của công việc. Sai phạm tại các địa phương trong công tác bổ nhiệm cán bộ như: Thanh Hóa; Hậu Giang; Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Quảng Nam cho thấy nếu không làm tốt thì phát triển KT-XH sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Tiến Đức (phường Liễu Giai) phản ánh, kê khai tài sản nhưng không công khai và ai được quyền giám sát là đối phó với dư luận, hình thức. Vì vậy tài sản không giải trình được phải được coi như là tài sản bất hợp pháp và cần phải xung công quỹ, ai không trung thực trong kê khai cần đưa ra khỏi bộ máy đó mới là điều cốt lõi. Từ tham nhũng lớn đến tham nhũng vặt như “giặc nội xâm” đang len lỏi trong Đảng, trong xã hội. Quyết tâm chống tham nhũng là lấy lại niềm tin của nhân dân do đó cần cần quyết tâm triệt để, loại bỏ ra khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng. Và nhân dân luôn có niềm tin vào công cuộc PCTN khi người đứng đầu, khởi xướng là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Không có chuyện chùng lại, mệt mỏi

Trao đổi với cử tri, thay mặt các ĐBQH trong đơn vị bầu cử số 1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn các ý kiến của cử tri rất sâu sắc, ngắn gọn, phấn khởi trước ý kiến tâm huyết và trách nhiệm từ vấn đề của địa bàn dân cư cho đến những vấn đề lớn của đất nước, Quốc hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, qua các ý kiến phát biểu của cử tri cảm nhận thấy rằng, các ý kiến của cử tri tâm huyết rất cao, đều đánh giá kỳ họp lần này là tốt, như bài phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội đã khái quát. Đây là kỳ họp để lại dấu ấn tốt đẹp, họp ngắn, nhiều nội dung quan trọng, trao đổi dân chủ, chất vấn có nhiều đổi mới và thống nhất rất cao.

“Họp ngắn nhưng đạt được kết quả cao là do khâu chuẩn bị tốt, trình độ của ĐBQH ngày càng cao, ý thức của ĐBQH ngày càng tốt. Chưa bao giờ chất vấn như kỳ này, các thành viên luôn phải theo dõi và hỏi nhanh đáp gọn. Đó chính là đổi mới mạnh và dân chủ của Quốc hội. Như 139 người hỏi, tranh luận lại là 82 người, và rất căng thẳng. Dân chủ nhưng phải có kỷ cương đúng hướng, đúng đường lối của Đảng, tiếp thu trí tuệ của nhân dân và phát huy vai trò của từng ĐBQH. Do dó tranh luận nảy lửa nhưng biểu quyết thống nhất cao” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Đồng thời đưa ra phân tích: Như Luật PCTN thống nhất rất cao, hiệp định CPTPP gần như 100% ĐBQH tán thành, nhân sự cũng thống nhất rất cao. Điều này cho thấy hoạt động của Quốc hội càng ngày càng dân chủ, đoàn kết, thống nhất theo đúng định hướng của Đảng, là nguyên nhân của thành công và là bài học kinh nghiệm cần tiếp tục phải làm tiếp. Ý Đảng, lòng dân, và quyết tâm của Quốc hội. Như ngoài việc giám sát các chủ trương, thì còn gắn với dân là bài học rất lớn trong hoạt động của Quốc hội.

Đề cập đến vấn đề công tác PCTN phải làm quyết liệt hơn nữa, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Đây là vấn đề nhiều lần tiếp xúc cử tri, cử tri đã đề cập đến, là vấn đề cử tri vẫn quan tâm. Vừa qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Lò nóng lên là tất cả đã vào cuộc, nhân dân đóng góp ý kiến, Đảng đưa ra chủ trương, định hướng, còn các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kiểm sát, tòa án, tư pháp đã vào cuộc nhịp nhàng, thấy khâu yếu thì chấn chỉnh, mắt xích nào hỏng là thay ngay. Đó chính là bài học kinh nghiệm. Cho nên phải bình tĩnh, nhiều việc phải làm chắc bước này, chắc bước sau chứ không phải một lúc có thể làm được. Từ chứng lý, luật pháp thế nào để không chối không cãi được, kết luận mà không tâm phục khẩu phục thì sẽ mất lòng tin.

Trung ương không bao giờ nhụt chí trong phòng chống tham nhũng - 3

Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri.

“Cử tri cứ yên tâm, không bao giờ có chuyện chùng lại, mệt mỏi, nhụt chí. Tôi đã nói ai nhụt chí thì đứng sang một bên, nhưng quan trọng trong cách làm phải có biện pháp, cách làm chứ không phải cứ hăng hái là được đâu. Trung ương không bao giờ nhụt chí, lòng dân đang lên như thế, ngay cả quốc tế cũng phải thừa nhận và đánh giá cao” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Về vấn đề kê khai tài sản, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật PCTN nhưng có điều chưa thống nhất cao vì ý kiến về xử lý tài sản chưa giải trình được nguồn gốc còn phân tán chưa thống nhất cao. Cái nào chín, rõ, thống nhất cao thì thông qua, còn cái nào chưa rõ, chín thì cần rút kinh nghiệm tổng kết để làm tiếp chứ không thể vì một điều mà dừng cả luật lại. Rõ đến đâu làm đến đó và làm cho chắc. Đã thảo luận 3 kỳ rồi chả nhẽ không thông qua là cầu toàn quá, nên cứ thông qua rồi bổ sung sau.

Về vấn đề giáo dục, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, đây là vấn đề lần tiếp xúc nào cử tri cũng đề cập, chúng ta đã nhiều lần cải cách nhưng nhân dân vẫn chưa hài lòng. Đây là vấn đề liên quan đến mọi nhà, trồng người đào tạo thế hệ cho tương lai từ cách học, cách dạy, sách giáo khoa, tư cách người thầy và trò cho nên cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề giáo dục.

Đề cập đến vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trung ương đã nói đến chống tự diễn biến, tự chuyển hóa ngay từ trong nội bộ của mình. Như vừa rồi kỷ luật ông Chu Hảo, khai trừ khởi Đảng không phải vì tham nhũng mà là tự diễn biến, tự chuyển hóa trong con người.

Theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, tự chuyển hóa lái con người đi rất phức tạp. Về cơ bản là tốt nhưng không phải cậy có mình có chút công lao mà có thể làm trái. Bất cứ ai có suy thoái đều phải giáo dục và uốn nắn, phải “kỷ luật một vài người để cứu muôn người” là như vậy, chứ không phải cậy mình là công thần mà được quyền làm trái.

Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho biết, Đảng đã ban hành quy định nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương để giáo dục cán bộ lòng yêu nước, mẫu mực về mọi mặt. Cán bộ hưu trí càng có công lao lớn càng phải giữ gìn để thế hệ trẻ noi theo, nếu cứ như vậy lúc đó cả xã hội sẽ khác.

Trước việc khắc phục việc “trên nóng dưới lạnh” theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đây là vấn đề đang làm, và ở cấp dưới hiện đã chuyển động, các nơi chuyển động. Hay như tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất khó chịu, cửa nào cũng phải tiền, không tiền không trôi từ xin giấy học, nếu không có bôi trơn thì cứ ngâm đấy là rất khó chịu, và dẫn đến hư hỏng cán bộ.

* ĐBQH cần phát huy vai trò tại nơi cư trú

Cử tri Trương Đức Ngãi (phường Cống Vị) thì đề nghị, các ĐBQH cần phát huy vai trò của mình ở nơi cư trú, nhiều ĐBQH chưa phát huy được vai trò của mình vì không ứng cử tại nơi cư trú. Do đó làm sao phát huy vai trò của ĐBQH tại nơi cư trú để phát huy vai trò của ĐBQH. Do đó Quốc hội nên có chương trình, giám sát để thực hiện tốt luận Kết luận 37 của Trung ương về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước.

Ông Ngãi cũng cho rằng, các dự án quốc gia chậm tiến độ và đội vốn, chưa kể sắp tới dự án đường sắt Bắc - Nam sắp được triển khai, ngay tại Hà Nội có nhiều dự án bị kéo dài gây đội vốn gấp 2 lần. Do đó cử tri mong Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng với Đảng, Bộ chính trị, Quốc hội có bước đột phá lớn hơn nữa trong năm 2019, tạo ra thế và lực cho đất nước trong thời gian tới, nhất là vừa chúng ta vừa thông qua Hiệp định đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP.

Về vấn đề này, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các ĐBQH cần tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Trách nhiệm ĐBQH tại khu dân cư thì ngoài tiếp xúc định kỳ, đoàn ĐBQH TP Hà Nội còn tiếp xúc theo chuyên đề, như năm nay đã tiếp xúc 3 lần với ngành: y tế, tư pháp, nông nghiệp, trong đó mỗi ngành đều có chọn chủ đề để tiếp xúc. "ĐBQH, đại biểu HĐND phải gắn bó với cử tri để học tập, tiếp thu và lắng nghe, để sửa khi cử tri góp ý. Bên cạnh đó cử tri cũng phải giám sát hoạt động của ĐBQH".

* Sớm sửa đổi Luật Đất đai
Theo cử tri Nguyễn Hữu Đức (phường Thụy Khuê) cử tri tin tưởng và đánh giá cao thành công của kỳ họp, về công tác nhân sự, phê chuẩn CPTPP, lấy phiếu tín nhiệm, dành nhiều thời gian cho tranh luận, thảo luận. Tuy nhiên, Quốc hội cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung ương không bao giờ nhụt chí trong phòng chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO